Thu - Đông: Báo động bệnh tay chân miệng ở trẻ

,
Chia sẻ

Bệnh chân tay miệng thường xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa xuân và thu đông (từ tháng 3- tháng 5 và từ tháng 9- tháng 12). Cuối năm thường nhiều ca và nặng hơn.

Cách đây 10 ngày, thấy con gái Huỳnh Bảo V, 2 tuổi, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, sốt nhẹ, biếng ăn, chị Nguyễn Thanh T (Quận 5, TP.HCM) đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) và phát hiện cháu V nhiễm bệnh tay chân miệng (TCM).

Sau 1 tuần điều trị khỏi, cháu V được đưa về nhà. 2 ngày sau, chị Thanh T lại phát hiện con lớn 3 tuổi và con út gần 1 tuổi cũng có những triệu chứng tương tự như Bảo V. Sau khi được BS khám, hai con của chị T được kết luận: Bị nhiễm bệnh TCM.

Bệnh ở  tay, chân, miệng (TCM) phát triển

Hàng năm, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận từ 2.500-3.000 ca TCM ở trẻ em. Khoảng 44% trong số đó là các ca biến chứng nặng.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1), bệnh xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào hai mùa: xuân và thu đông, cụ thể là từ tháng 3- tháng 5 và từ tháng 9- tháng 12. Cuối năm thường nhiều ca và nặng hơn.

Nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi trùng đường ruột (Enterovirus) gây nên, thường gặp nhất trong nhóm này là coxsackievirus A16 và enterovirus E71.

Khi mắc TCM, trẻ thường xuất hiện các bóng nước từ 2-10mm ở lòng bàn tay (Ảnh do BS cung cấp)

BS Khanh cho hay, virus gây bệnh TCM có khả năng lây lan rất nhanh theo hai con đường: Lây từ trẻ này sang trẻ khác qua chất tiết mũi miệng, nước bọt lúc nói, ho, hắt hơi hoặc phân của trẻ.

Ngoài ra, siêu vi trùng bám vào bàn tay, thức ăn, đồ uống, đồ chơi cũng sẽ lây trẻ khác qua đường miệng.

BS Khanh cho biết thêm, hầu hết các ca TCM Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận từ trước đến nay là trẻ dưới 3 tuổi, rất ít trẻ trên 5 tuổi.

Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có thể mắc nhưng rất hiếm và không có biến chứng. Nguyên do là trẻ 5 tuổi trở lên có sức đề kháng chống virus mạnh hơn.

Biến chứng không được phát hiện: Tử vong sau 6- 12 tiếng

Theo BS Khanh, hơn 95% các ca TCM diễn tiến lành tính. Song nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, trẻ bị TCM sẽ xảy ra biến chứng nặng, dẫn đến tử vong.

Khi mắc TCM, trẻ thường xuất hiện các bóng nước từ 2-10mm ở lòng bàn tay, bàn chân và mông. Những bóng nước này thường mọc lồi hoặc ẩn dưới da, không ngứa, không đau, khi sờ thường có cảm giác cộn.

Ngoài ra, trẻ còn có những biểu hiện bệnh như biếng ăn (do đau miệng, mệt mỏi), sốt nhẹ, nôn ói, tiêu chảy.

BS Khanh cho hay: "Những triệu chứng trên khiến nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn với các chứng bệnh khác như đau bụng, cảm sốt, viêm loét thông thường...và dễ bỏ qua dẫn đến những biến chứng như viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Các biến chứng trên thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh, có thể gây tử vong trong 6- 12 giờ nếu phát hiện trễ".

Trong tháng 9 vừa qua, có một số ca nhập viện từ tỉnh xa khi phát hiện biến chứng muộn và đã có trẻ tử vong. Bởi vậy, trong chữa bệnh TCM, các BS thường gọi khoảng thời gian đó là "giờ vàng".

BS Khanh khuyên, khi thấy trẻ có những biểu hiện của biến chứng tay chân miệng như khó ngủ, giật mình, quấy khóc, sốt cao, yếu chân tay, thở bất thường thì phải đưa đến bệnh viện ngay.

"Các biểu hiện biến chứng này thường chỉ xảy ra trong chốc lát rồi trẻ lại tươi tỉnh bình thường, nên các bậc phụ huynh không được lơ là", BS Khanh lưu ý.

Chăm sóc trẻ bị TCM: Cần chú trọng dinh dưỡng

Theo BS Khanh, hiện chưa có thuốc chủng ngừa TCM. Vì vậy, phương pháp phòng ngừa tốt nhất là giữ vệ sinh bằng cách thường xuyên rửa tay cho trẻ dưới vòi nước bằng xà phòng diệt khuẩn; vệ sinh môi trường, lau chùi sàn nhà, bàn, đồ chơi...bằng thuốc sát trùng.

Đặc biệt, khi trẻ đã bị bệnh thì không nên đưa đi nhà trẻ.

Đối với những cháu đã mắc bệnh, cần cho uống nhiều nước, nước trái cây, sữa; cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày những thức ăn lỏng, dễ tiêu như xúp rau củ, sữa chua...

"Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần theo dõi bé đề phòng các triệu chứng báo hiệu diễn tiến nặng", BS Khanh khuyến cáo.

Theo Bee

Chia sẻ