Tại sao trẻ lười học

,
Chia sẻ

Tại sao con của bạn lại không muốn đến lớp, không muốn học hành? Tại sao chúng chỉ làm bài tập vì sợ roi của bố mẹ hay lướt qua các bài học cho có lệ?

Vấn đề là ở chỗ con của bạn chưa có động lực để học tốt.

Trong lĩnh vực tâm lý học có thuật ngữ gọi là “động cơ thúc đẩy” được sử dụng để miêu tả và giải thích các nguyên nhân có liên quan đến tư cách và hành vi của con người.

Động cơ thúc đẩy bao gồm cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Về động cơ thúc đẩy bên trong, có thể nói khi con người làm một việc gì đó đơn giản là vì sự thích thú. Ví dụ như: cậu bé thích chơi games…
 
Trẻ lười học vì chưa có động lực để học tốt.

Còn động lực thúc đẩy từ bên ngoài chính là việc hướng các hoạt động của ai đó để đạt được mục đích nhất định nào đấy. Nhưng đôi khi cái mục đích cần đạt được lại không trực tiếp liên quan đến đặc điểm của hoạt động. Ví dụ như, trẻ em có thể đến trường không bởi vì chúng muốn học mà để không làm phật lòng bố mẹ hay là để giao lưu cùng bạn bè.

Liên quan đến bọn trẻ, nhà giáo, nhà tâm lý học Daria Kalaida của Nga nhận định, đa số động cơ thúc đẩy từ bên ngoài đối với trẻ em đều bắt nguồn từ sự ép buộc của người lớn. Điều đó có nghĩa là bọn trẻ học chỉ bởi vì bị người khác ép buộc, đe dọa chứ không vì sự ham thích tìm hiểu cái mới lạ.

Bọn trẻ khi được gửi đến trường thường không hiểu được rằng, chúng đến trường để làm gì. Do đó chúng cảm thấy học rất khó, làm các bài tập về nhà một cách chiếu lệ, làm bài kiểm tra chỉ cốt cho qua, hay làm quen với các hoạt động xã hội cho có. Thường thì chúng chỉ muốn nghỉ ngơi, vui chơi, xem tivi, chơi game, đi chơi cùng bạn bè. Cứ như thế liệu đến khi bọn trẻ đến 14 tuổi có hiểu được hết ý nghĩa của câu thành ngữ: “ học hành vất vả, kết quả ngọt bùi”.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay thì đa số các ông bố, bà mẹ đều uốn con mình theo hướng học hành từ rất sớm, càng sớm càng tốt và cái đích cao nhất của sự học phải là đại học. Quan niệm này chưa chính xác, bởi vì trong xã hội ngày nay vẫn có những người mặc dù học vấn không cao nhưng họ vẫn thành đạt.

Cái quan trọng là hãy hướng cho bọn trẻ cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề, hãy làm thức tỉnh tính động lực thúc đẩy từ bên trong, biến cái động lực thúc đẩy bên ngoài thành cái động lực thúc đẩy từ chính bản thân bọn trẻ, hãy phát triển tính tự giác của trẻ và hãy luôn ủng hộ, tôn trọng ý kiến của chúng, kết hợp với sự định hướng của bố mẹ. Chỉ có như thế trẻ mới thực sự được phát triển một cách toàn diện nhất.

Hữu Kỷ
Theo Pravda
Chia sẻ