Tai biến do quai bị chưa chắc đã vô sinh

P. Thanh,
Chia sẻ

Đã có không ít cảnh báo về biến chứng khi nam giới mắc bệnh quai bị. Đó là căn bệnh vô sinh. Tuy nhiên, không phải trường hợp biến chứng nào cũng nặng nề đến vậy.

Hoang mang khi con mắc bệnh

Cậu con trai 8 tuổi của chị Lê Thanh Hà (Hà Nội) sốt cao (39 - 40 độ C) đã 3 - 4 ngày nay, tuyến mang tai ở 2 bên má sưng tấy khiến cháu đau đớn và gặp khó khăn mỗi khi ăn uống. Cùng đó, hai bên tinh hoàn của bé bị, sưng to, nóng đỏ, đau... kéo dài.

Hiện tượng này khiến cả gia đình chị hoảng hốt và cho rằng rất có thể tai biến này sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này của cháu!

Chứng bệnh quai bị mà cô con gái 10 tuổi của vợ chồng anh Lê Đình Mừng (Thanh Ba- Phú Thọ) mắc phải mấy hôm nay cũng khiến anh chị mất ăn, mất ngủ. Họ nghe một người hàng xóm cảnh báo rằng: “Trẻ gái mắc bệnh sau này rất hay bị vô sinh do viêm buồng trứng”!

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc bệnh viện Nhi T.Ư: "Quai bị là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng thuộc nhóm Paramyxo gây ra. Bệnh này gặp khá phổ biến ở Việt Nam khi thời tiết chuyển mùa và thường xảy ra ở trẻ em độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi.

 

Vi rút quai bị thường lây truyền từ người này sang người khác qua đưô hấp. Ngoài ra, vi rút này còn có thể lây sang người khác qua những cử chỉ thông thường như dùng chung khăn, uống chung cốc với người bị nhiễm bệnh.

Bệnh này nếu không được điều trị chăm sóc chu đáo dễ gây biến chứng cho bé trai sau này, đó là chứng viêm tinh hoàn (ảnh hưởng đến chứng năng sản sinh tinh trùng). Tuy nhiên, số trẻ trai bị biến chứng này có chiều hướng ngày càng giảm đi.

Ở các bé gái, biến chứng của bệnh quai bị là viêm buồng trứng, cũng có xảy ra nhưng thường rất khó phát hiện và hiếm gặp. Chỉ khi nào trẻ bị đau bụng, các bác sĩ tiến hành siêu âm mới có thể phát hiện ra.

Biến chứng cũng có cách khắc phục

Theo TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, biểu hiện khi bị biến chứng bệnh quai bị ở nam giới là tinh hoàn bị sưng lên trong vòng từ 7 - 10 ngày (sau khi tuyến mang tai sưng lên), đi kèm sốt cao, run người, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa. Sau kết thúc đợt đầu vài ngày ( 3-7 ngày) tinh hoàn lại tiếp tục bị đau và sưng (có thể giảm đi đôi chút) kèm theo sốt một thời gian nữa rồi kết thúc hẳn. Cuối cùng, quá trình teo hoàn bệnh nhân nam sẽ diễn tiến 1-6 tháng sau đợt viêm cấp tính này do tác động trực tiếp của vi rút hoặc do thiếu máu cục bộ trong quá trình mô bị viêm, phù. Nếu nam giới bị viêm cả hai bên tinh hoàn sẽ dẫn đến vô sinh hoàn toàn.

Tuy nhiên, trường hợp này không chiếm tỷ lệ quá cao trong số những ca biến chứng từ bệnh quai bị (khoảng 7% - 15% trên tổng số các ca tai biến). Có không ít trường hợp nam giới bị biến chứng từ bệnh này nhưng vẫn có khả năng sinh con bởi họ chỉ bị teo một bên tinh hoàn, bên kia vẫn hoàn thành tốt khả năng sản xuất tinh trùng, đáp ứng nhu cầu sinh sản.

“Chính vì vậy, nam giới hoặc cha mẹ các em ở lứa tuổi dậy thì dù có bị biến chứng từ bệnh quai bị cũng không nên quá hoang mang, mất tự tin. Cần đến các cơ sở chuyên khoa để bác sĩ tư vấn về cách khắc phục bệnh. Trong trường hợp cần thiết, có thể như trữ lạnh tinh trùng khi chất lượng chưa giảm nhiều”,

Phòng bệnh là hơn cả

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị để giúp bệnh nhân tránh tuyệt đối những biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh quai bị. Để trẻ không mắc bệnh, bố mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng quai bị. Tránh để trẻ tiếp xúc với bệnh nhân đang mắc bệnh.

Trong thời gian trẻ bị sốt do quai bị mà chưa kịp tới bệnh viện cần tìm cách hạ thân nhiệt như: lau người bằng nước ấm, và hỏi ý kiến bác sĩ để dùng thuốc hạ sốt và giảm đau. Một số chuyên gia dịch tễ khuyên: nên hạn chế để trẻ vận động mạnh (nô đùa, chạy nhảy...) nhằm tránh biến chứng.

 

Theo P. Thanh
Dân Trí

 

Chia sẻ