Sao con đòi lấy chồng sớm?

,
Chia sẻ

Hiện tượng nhiều cô bé ở tuổi 16 - 19, con nhà khá giả, học giỏi, đòi lấy chồng đã khiến không ít ông bố, bà mẹ mất ăn, mất ngủ.

Cháu Hằng luôn là niềm tự hào của vợ chồng chị Lan (quận 7 - TPHCM). 16 tuổi Hằng đã cao 1,68 m, gương mặt khả ái, đỗ thủ khoa trường chuyên, chơi đàn piano điêu luyện. Chị Lan chưa bao giờ bắt con học mà chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho con nên Hằng có tính độc lập rất cao. Thấy con học giỏi, vợ chồng chị đã tính toán để con du học ở Mỹ.
 
Không cho lấy thì... bỏ nhà ra đi

Nhưng một ngày đi học về, Hằng đột ngột nói với bà ngoại với vẻ mặt rất nghiêm túc: “Bà ơi, con muốn lập gia đình”. Bà mới nghe tưởng cháu nói đùa, hỏi lại: “Lấy hoàng tử ếch à?”. “Không, cháu nói thật bà ạ. Cháu lấy anh Đức, cái anh đến nhà hôm sinh nhật cháu đấy ạ. Anh ấy đang học đại học năm nhất nhưng cũng đi làm thêm một số việc. Bà ủng hộ chúng cháu bà nhé. Chúng cháu yêu nhau và quyết tâm lấy nhau, nếu ngăn cản cháu sẽ bỏ nhà đi”.

Vợ chồng chị Lan tối hôm đó cùng rụng rời chân tay khi nghe mẹ kể lại ý định lấy chồng của con gái. Sau cú sốc, anh đùng đùng muốn “cho con bé này một trận”, còn chị thì khóc nức nở.

Cùng cảnh với chị Lan, anh Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết con anh mới học xong lớp 12 đã đòi lấy chồng. Đang học giỏi, gia đình hướng cho thi vào Đại học Tài chính nhưng cô bé cứ khăng khăng muốn cưới ngay, nếu không sẽ không chịu học hoặc bỏ nhà đi luôn.

Còn anh Phương – chị Nghĩa (Hải Phòng) cũng gặp tình cảnh tương tự. Con gái mới 17 tuổi xinh đẹp, học giỏi bỗng đòi lấy chồng. Mà đòi lấy ngay một cậu có tiếng là đầu gấu nhất thành phố. Can ngăn, chửi mắng đều không được, động vào là dọa bỏ nhà đi.
 


Đi tìm căn nguyên

Hầu hết các cô bé muốn lấy chồng sớm ở tuổi 16-19 đều là con nhà khá giả, học giỏi. Mỗi ông bố, bà mẹ đều có cách lý giải của mình nhưng mỗi người đều có một góc nhìn đúng.

Chị Lan cho rằng con chị muốn lấy chồng sớm vì nó muốn khẳng định tính độc lập, sự tự tin. “Không cần bố mẹ con cũng sống được và con muốn tự chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân”. Chị Lan hiểu rằng: “Con gái tôi quá tự tin. Nó nghĩ rằng nó có thể làm được tất cả. Ngay cả khi nó không hiểu rằng lấy chồng là việc cả đời chứ không phải là một kỳ thi mà vượt qua là xong”.

Anh Bình thì cho rằng ý nghĩ lấy chồng của con gái là do: “Nó nghĩ rằng lấy chồng là làm xong một việc, như là học hết một môn vậy và việc đó cũng không khó. Nó lý luận: “Đằng nào chả phải lấy chồng. Con lấy bây giờ là lấy người con yêu. Sau này rồi cũng lấy thôi nhưng chắc gì đã có tình yêu”. Con tôi không hiểu rằng lấy chồng là ảnh hưởng đến học hành. Nó không hề biết đã là vợ trong một gia đình thì phải làm những gì và khó khăn ra sao”.

Còn anh Phương cho biết con anh từ bé chỉ có học và học nên mọi điều đều trong sách vở. Khi nó tiếp xúc với thế giới bên ngoài lúc bắt đầu lớn là bập ngay vào cậu người yêu trải đời. Những gì ở cậu ta với nó đều mới mẻ. Không loại trừ, tính háo thắng của một anh chàng đàn anh đất cảng cũng khiến cậu ta làm đủ mọi cách để con anh quyết tâm kết hôn. “Việc con gái tôi sẽ du học cũng khiến cậu ta thúc ép cưới để ngăn chặn”, điều này càng làm anh Phương lo lắng.

Mưa dầm thấm lâu

Tất cả các ông bố, bà mẹ đều nhất trí rằng sở dĩ con cái họ “điếc không sợ súng” như vậy bởi từ bé chúng đều được sống trong sung sướng, không nhìn thấy cảnh bố mẹ phải lo nghĩ về cơm áo, gạo tiền cùng những trách nhiệm gia đình. Nguy hiểm là chúng “không biết tương lai thực sự” mà chỉ nghĩ gia đình là một thứ đơn giản như một bộ quần áo mới, thấy là muốn mặc vào.
Giải pháp gia đình chị Lan đưa ra là thuyết phục, mưa dầm thấm lâu, nhẹ nhàng phân tích lợi hại để con gái tự hiểu ra. Thậm chí gặp cả gia đình “nhà trai” để cùng tác động. Anh Bình thì nại ra lý do bà nội ở quê ốm nặng gia đình chưa thể nghĩ đến việc cưới lúc này. Anh Phương cho con đi sang thăm bác ở Mỹ rồi vì lý do không có vé về nên cứ cầm chân ở đó. Quãng thời gian này, các gia đình câu thời gian thuyết phục để con suy nghĩ lại hoặc nguôi tình cảm đi. Không bố mẹ nào dám thẳng thừng cấm đoán, ngăn cản con vì họ đều hiểu rằng mọi cấm đoán chỉ đưa đến kết quả ngược lại.
 
Theo Người lao động
Chia sẻ