Phòng bệnh cho trẻ vào mùa tựu trường

Tịnh Minh,
Chia sẻ

Những xáo trộn vì thay đổi môi trường sinh hoạt làm trẻ kém ăn, ngủ do đó sức đề kháng của trẻ yếu đã tạo điều kiện cho các loại bệnh xâm nhập.

Vào mùa tựu trường, thời tiết thay đổi bất thường, trẻ bắt đầu đi học cũng có những thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt khác với ở nhà. Có rất nhiều khó khăn đối với những trẻ lần đầu tiên đến trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.

Rối loạn tâm lý do “lạ” với trường học

Theo bác sĩ Lê Thị Cấm, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - TPHCM, có rất nhiều khó khăn đối với trẻ lần đầu tiên đến trường mà trẻ phải vượt qua để thích nghi được như khi chúng lâm vào cảnh: “con đói, con khát nước, con muốn đi tiểu, con nhớ mẹ, món đồ chơi yêu thích của con đâu rồi, con không ăn được món này...”. Một số trẻ có biểu hiện sợ hãi như khóc la, phản kháng, không chịu đến trường.

Có trẻ sợ bạn bè trêu chọc nên cũng không chịu đi học. Ngoài ra, biểu hiện sợ xa mẹ cũng thể hiện qua những triệu chứng rối loạn ăn uống hoặc rối loạn giấc ngủ. Những trẻ lo lắng sẽ có biểu hiện thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, thậm chí thường xuyên rối loạn tiểu tiện (như đái dầm, nín tiểu). Vừa lạ chỗ, lạ người vừa rơi từ hàng “sao” trong gia đình xuống hàng “cá mè một lứa” trong lớp nên tâm lý bé bất ổn.
 
Bé cũng được khám định kỳ nhưng bố mẹ cũng nên
chủng ngừa vacxin đầy đủ trước khi đưa trẻ đến trường
 
Bác sĩ Cấm khuyên các bậc cha mẹ cần giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, sự lo lắng bằng cách dành thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhẹ nhàng trò chuyện, giải thích cho trẻ biết sự cần thiết phải đến trường. Khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ, giúp trẻ giao tiếp với bạn bè. Việc tạo sự an tâm cho trẻ sẽ hạn chế những rối loạn tâm lý giúp trẻ dễ dàng hòa hợp với môi trường học đường.

Trẻ chán ăn và nguy cơ nhiễm trùng tiểu

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng Khoa Nội Tổng quát 1 BV Nhi Đồng 1, tuổi bắt đầu đi học là tuổi mẫu giáo được tính từ 3 đến 6 tuổi. Về thể chất, trẻ chậm lớn hơn những năm trước đó, trẻ ăn được thức ăn cứng của người lớn và bắt đầu không thích những thức ăn mềm của trẻ nhũ nhi, vì vậy trẻ rất dễ chán ăn. Còn bác sĩ Lê Thị Cấm thì cho rằng phần lớn trẻ em giai đoạn đầu đến lớp thường không chịu ăn hoặc ăn ít vì có quá nhiều thay đổi, từ món ăn, khẩu vị, cách cho ăn, thời gian dành cho bữa ăn cho đến môi trường xung quanh bữa ăn. Những xáo trộn này dễ làm cho sức đề kháng của trẻ yếu đi và tạo điều kiện cho các loại bệnh xâm nhập.

Ngoài ra, bệnh nhiễm trùng tiểu thường gặp ở trẻ em lứa tuổi này, xảy ra ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai, nguyên nhân thường do lạ chỗ làm trẻ nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu. Bác sĩ Kim Thoa lưu ý các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua như sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân. Nếu để ý sẽ nhận thấy trẻ có tình trạng tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu lắt nhắt hay tiểu són trong quần kéo dài. Khi phát hiện các dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa trẻ đến BV để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu.

Dễ mắc các bệnh lây nhiễm

Môi trường sống ở nước ta hiện nay còn nhiều ô nhiễm, tỉ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 5 tuổi còn cao. Trong một lớp học vài chục bé thì ngày nào cũng có vài bé ho, sổ mũi nên khi các bé cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ dễ làm lây lan mầm bệnh. Tựu trường thường vào mùa mưa nên những bệnh lây nhiễm dễ xuất hiện. Thống kê tại BV Nhi Đồng 1 cho thấy ba nhóm bệnh phổ biến trong mùa tựu trường là các bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết và tay chân miệng.
 
Bác sĩ Kim Thoa cho biết bệnh lây lan thường gặp trong nhóm tuổi này là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm siêu vi. Viêm họng do siêu vi, kết hợp với viêm kết mạc rất thường gặp ở các nhà trẻ, có thể gây thành dịch. Những bệnh lây qua đường hô hấp gồm những bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, cúm, sởi, thủy đậu, ho gà, quai bị, rubella... Bệnh lây nhiễm qua những giọt dịch tiết hô hấp chứa siêu vi bắn ra mỗi khi trẻ bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, khóc la. Siêu vi cũng từ đó bám vào các vật dụng, đồ chơi, lây trực tiếp hay qua tay khi trẻ dùng tay quệt mũi, dụi mắt, mút tay; những bệnh lây theo đường tiêu hóa như tiêu chảy do rotavirus, bệnh tay chân miệng... Trẻ đi học cũng có thể lây bệnh nhiễm trùng da, chốc lở do sờ chạm phải hoặc dùng chung khăn mặt, khăn tắm.
 
Nên chủng ngừa vắc-xin cho trẻ
 
Từ 6 tháng tuổi cho đến 3 - 5 tuổi là lúc khả năng phòng bệnh của trẻ yếu nhất, do đó hầu hết trẻ bệnh tập trung vào lứa tuổi này. Tất cả trẻ tiếp xúc với những người bị bệnh trong trường học đều có nguy cơ mắc bệnh nhưng những trẻ chưa chủng ngừa đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và bệnh cảnh cũng nặng hơn.
 
Trẻ càng nhỏ càng dễ mẫn cảm với tác nhân gây bệnh. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: để tránh nguy cơ mắc bệnh nhiễm siêu vi nên chủng ngừa bằng vắc-xin đầy đủ trước khi đưa trẻ đến trường là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa và giảm độ nặng của bệnh.


Theo Tịnh Minh
NLĐ
Chia sẻ