Nỗi ân hận của mẹ

HN ,
Chia sẻ

Nhìn con trai ngồi cúi gằm mặt ở góc nhà, chị Hân cảm thấy ân hận vô cùng. Chỉ vì chị quá hà khắc với con mà giờ đây thằng bé bị chẩn đoán là tự kỉ.

Hơn 2 tuổi, Mitsu đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, ai nói gì là hiểu ngay và có khả năng bắt chước, sáng tạo rất tốt. Chị Hân rất tự hào về con. Nhưng có vẻ như vì thông minh quá mà Mitsu cũng rất nghịch ngợm. Mitsu không ngồi yên một phút nào, nếu không động vào cái này cũng phải chạm vào cái kia, và lần nào cũng thế, kiểu gì cũng phải có một vài thứ đổ vỡ hoặc hỏng hóc. Mitsu có sở thích tháo tung đồ chơi và lắp ráp lại. Một vài đồ chơi xếp hình thì Mitsu còn biết ghép, chứ những món đồ chơi lắp ráp thì Mitsu chưa chưa biết lắp, thậm chí chưa biết tháo, thế nên Mitsu cứ giằng và đập. Cứ mỗi lần hai mẹ con ở nhà, đang nấu cơm mà cứ nghe tiếng con đập chan chát, chị Hân giận con lắm. Và lần nào cũng vậy, chị phạt con đứng úp mặt vào góc tường và không cho phép con quay lại nói chuyện với bất kì ai. Có lần, chị còn bắt con đứng ở đó gần một tiếng đồng hồ, nếu không chấp hành nghiêm chỉnh thì sẽ bị phạt đứng lâu hơn. 

Những lần đầu, Mitsu sợ quá, khóc lóc ầm ĩ và vin vào mẹ như để xin lỗi, nhưng chị Hân nhất quyết không “nương tay”. Chị nghiêm khắc và kiên quyết bắt con phải “chấp hành nghiêm chỉnh” hình phạt, để mong rằng con sẽ ngoan hơn. 
 

Không chỉ những lần nghịch ngợm, phá phách, mà cả những khi Mitsu bị lỗi gì hay không nghe lời, không ăn cũng bị mẹ bắt phạt như vậy. Mitsu càng phản ứng, mẹ càng phạt nặng hơn. Nhiều lúc nhìn con mếu máo như sợ sệt, chị Hân cảm thấy đau lòng và xót xa lắm. Nhưng chị muốn con chị không chỉ thông minh mà còn phải ngoan nữa, thế nên chị cố tỏ ra cứng rắn với con. 

Dần dần, Mitsu có vẻ “biết thân biết phận” mỗi khi làm điều gì đó không đúng hoặc phạm lỗi. Chỉ cần mẹ hỏi: “Con đã làm sai, bây giờ thế nào?” là Mitsu tự giác đi vào góc tường và ngồi ở đó. Thấy con ngoan ngoãn chịu phạt mà không mếu máo, khóc lóc, chị Hân mừng lắm. Chị tin con chị đã ý thức được vấn đề.

Cũng từ đó, Mitsu đặc biệt thích ngồi ở góc tường, mang đồ chơi ra đó chơi, ăn cũng mang bát ra góc tường ngồi, ngồi bô ị cũng phải đúng góc đó, xem tivi cũng không thể ngồi chỗ khác, mà cứ ngồi đúng chỗ đó thì Mitsu ăn được nhiều cơm hơn và cũng chịu ngồi chơi ngoan hơn. Chị Hân thấy con ăn được thì mừng lắm, nên cũng không để ý con ngồi đâu ăn. Mà chị thấy thoải mái nhất là con im lặng ngồi chơi, chị không mỏi miệng nhức đầu vừa quát con vừa đi thu dọn "bãi chiến trường" do con bày ra. 
 

Nhưng rồi, một hôn chị Hân chợt giật mình nhận ra số lần con ngồi góc tường càng ngày càng nhiều lên, thậm chí ngủ thì chớ, cứ thức là Mitsu lại ngồi vào góc đó, cho dù chị không phạt con nhiều nữa. Chị Hân để ý Mitsu còn nói chuyện với… cái tường như thể thân thiết lắm. 

Rồi đến cô giáo cũng phản ánh là Mitsu dạo này rất lạ, đến lớp ít chơi với các bạn, chỉ thích ngồi ở góc tường chơi một mình mà thôi.  

Mới đầu, chị Hân nghĩ rằng do Mitsu buồn vì trước hay bị mẹ mắng và phạt nên trở nên cô đơn mà vậy. Chị Hân đã dành nhiều thời gian hơn cho con, nấu cho con nhiều món ăn ngon, nói chuyện với con nhiều hơn và thường xuyên đưa con đi chơi hơn. 

Nhưng tình hình có vẻ không cải thiện, vì chỗ Mitsu vẫn yêu thích nhất là cái góc tường nhà chị và góc tường ở lớp. Chị Hân lo lắng liền đưa con đi khám thì bác sĩ bảo Mitsu bị mắc chứng tự kỉ. Có thể do bị phạt nhiều quá mà Mitsu chuyển từ chỗ cảm thấy sợ hãi, lo lắng sang cô đơn, cảm thấy tủi thân, bị hắt hủi nên đã dần "kết thân" với cái tường. Ngay cả khi được mẹ đưa đi chơi, Mitsu cũng trở nên lạ lẫm và tỏ ra cái gì cũng sợ sệt.

Chị Hân cảm thấy hối hận vô cùng. Chỉ vì muốn một chút thảnh thơi, không phải "mỏi mồm" quát con mà chị đã quá nghiêm khắc với con, để giờ nhìn con lủi thủi quanh góc tường ở nhà, chị tự trách mình hàng nghìn lần. Ôm con trong tay, chị Hân thì thầm: "Tha lỗi cho mẹ con nhé. Mẹ sẽ sửa sai bằng mọi cách con yêu ạ!".

Chia sẻ