Nín tiểu ở trẻ và những biến chứng khó lường

,
Chia sẻ

Bệnh nín tiểu, hay gặp ở trẻ mới lần đầu đi học, rất khó phát hiện nhưng có thể dẫn đến những biến chứng khó lường...

Thực trạng

Trong những ngày này, tại viện Nhi Trung Ương số trẻ đến khám vì có biểu hiện nín tiểu rất đông. Có một điểm chung mà tôi nhận thấy ở những trẻ em này là chúng đều ở độ tuổi 4 đến 6. Một bác sĩ ở bệnh viện Nhi cho biết: “trẻ bắt đầu vào năm học mới, đặc biệt ở trẻ mới đi nhà trẻ, học mẫu giáo, vào lớp 1 có nhiều nguy cơ bị rối loạn tiểu”.

Biểu hiện bệnh

Bình thường, khoảng ba giờ đồng hồ trẻ đi tiểu một lần (một ngày đi khoảng 5-6 lần, không tính thời gian ngủ). Thế nhưng trên thực tế nhiều trẻ thường xuyên nín tiểu, hoặc không dám uống nước vì sợ phải đi tiểu, song cha mẹ không biết.

Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua như sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân.

Nếu để ý sẽ nhận thấy trẻ có tình trạng tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu lắt nhắt, hay tiểu són trong quần kéo dài.

Khi phát hiện các dấu hiệu này cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.

Nguyên nhân

Trẻ lần đầu đi học thường lạ chỗ, không dám đi tiểu một mình, đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ phải nín tiểu.

Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến là vấn đề vệ sinh của toa-let học đường: Nhà vệ sinh ở nhiều trường học còn rất bẩn do quá tải và không được đầu tư thích đáng. Một học sinh khi được hỏi lí do nín tiểu đã trả lời: “Nhà vệ sinh trường con vừa bẩn vừa hôi, lại còn tối om, con sợ lắm”

Ngoài ra, việc cô giáo không cho ra ngoài hay cháu xấu hổ không dám xin phép cũng khiến cháu phải nhịn tiểu.
 
Những biến chứng

Số liệu thống kê của một viện Nhi ( TPHCM)

Theo thống kê, ngày cao điểm nhất tại bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) có 40 bệnh nhi bị bệnh thận nặng nhập viện, ngoài ra số bệnh nhi bị bệnh thận đang điều trị là 2.200.

Trong năm 2005, khoa thận tiếp nhận 276 lượt bệnh nhi bị viêm thận, 510 lượt bị hội chứng thận hư, 275 lượt bị bệnh lupus ban đỏ và 98 lượt bị nhiễm trùng đường tiểu... Trong đó có 50 trẻ đã chuyển sang giai đoạn cuối, tức suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo suốt đời.

Theo Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan (Trưởng khoa thận- BV Nhi đồng 1-TPHCM): Bệnh lý thận khá thường gặp ở trẻ em, nhất là lứa tuổi học đường. Bệnh lý thận có hai loại: bẩm sinh và mắc phải. Trong số trẻ mắc bệnh lý thận mắc phải, nhiều nhất vẫn là do viêm thận. Trẻ bị viêm thận có thể do nhiều nguyên nhân và nhiễm trùng tiểu cũng là một trong số những nguyên nhân đó.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu là do trẻ thường xuyên nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sau khi đi tiểu - nhất là với trẻ gái.

Nếu để nhiễm trùng tiểu tái phát thường xuyên sẽ gây nhiễm trùng đường tiểu (viêm thận nhiễm trùng), dẫn đến tạo sẹo trên thận. Nếu không được điều trị kịp thời, về lâu dài có thể dẫn đến suy thận mãn có khi đến 20-30 năm sau mới bộc phát bệnh.

Cách phòng tránh

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh lý thận tương đối mơ hồ và dễ bị bỏ sót nếu bà mẹ không chú ý đến trẻ.

Để phát hiện sớm, cần thường xuyên theo dõi việc đi tiểu của trẻ.

Trẻ ở độ tuổi 3-15, đi tiểu trung bình 0,5-1lít nước tiểu/ngày, màu sắc vàng trong.

Lời khuyên của Bác sĩ:

Khi thấy trẻ có lượng nước tiểu thay đổi, ít đi đột ngột, thay đổi màu sắc (đục, vàng đậm, đỏ), trẻ đi tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, hoặc trẻ bị tiểu són trong quần kéo dài... cần đưa trẻ đến BV làm xét nghiệm nước tiểu.

Phụ huynh cũng cần chú ý tình trạng tăng cân đột ngột của trẻ (một tháng tăng 2kg), kèm theo hiện tượng phù người, phù mi mắt vào sáng sớm lúc ngủ dậy để đưa trẻ đến BV sớm.

Cách phòng bệnh

Để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu, cần cho trẻ uống nước nhiều, và đi tiểu khi có nhu cầu, sau khi đi xong, cần vệ sinh cho bé, nhất là bé gái.

Bên cạnh đó, ban giám hiệu các trường học cần quan tâm đến nhà vệ sinh của trường, đặc biệt là các em học sinh cấp I, không để cho trẻ phải nín tiểu vì nhà vệ sinh bẩn, vì thiếu nhà vệ sinh...

Về lâu dài, nên coi xét nghiệm nước tiểu và siêu âm là qui định bắt buộc phải có trong hồ sơ nhập học của trẻ. Các bậc phụ huynh cũng nên đưa con đi xét nghiệm nước tiểu, ít nhất là một lần/ năm.

Theo Bibi.VN

Chia sẻ