Những kiểu hù dọa khiến con tè dầm

Hải Anh,
Chia sẻ

Bé Tin được bố mẹ cho về quê chơi, đến khi lên Hà Nội bỗng dưng mắc “bệnh” sợ ma. Tin sợ đến nỗi tè cả ra quần vì không dám đi vào nhà vệ sinh một mình.

Những kiểu dọa con tai hại

Với Hạt Đậu (hơn 1 tuổi) thì con chuột bằng bông (mỗi khi ấn vào kêu “chít chít”) là nỗi hoảng sợ. Mỗi khi cu cậu lon ton định tra tay vào ổ điện, giật dây cắm quạt hay bước tới cầu thang là bà nội kêu lớn: “Chuột chít kìa, ôi con chuột chít đấy”. Ám ảnh trước lời dọa của bà, Hạt Đậu rất sợ chuột và sợ luôn cả con chuột bằng bông bố mua cho.

Củ Cải rất lười ăn, cho nên mỗi lần đến bữa, mẹ phải đưa ra ngoài đường cho ăn. Đi ra ngoài đường mẹ Củ Cải cũng phải nhờ các cô các chú hàng xóm hù họa may ra mới hết được bát cháo. Nào là bác xe ôm chìa dao ra dọa cắt mồm, nào là cô hàng xóm dọa mang bán sang Trung Quốc, v.v...

Bé Tin được bố mẹ cho về quê chơi, đến khi lên Hà Nội bỗng dưng mắc “bệnh” sợ bóng tối, sợ ma. Đến giờ đi ngủ Tin không dám vào phòng, miệng cứ lẩm bẩm: “Nó ở gầm giường đấy”, “Nó ở trong nhà tắm đấy”. Tin sợ đến nỗi tè dầm cả ra quần vì không dám đi vào nhà vệ sinh một mình. Mẹ Tin gọi điện về quê hỏi ông bà thì bà khoe: “Buổi tối Tin đòi chạy ra ngoài sân chơi, cậu Tin cứ hay dọa ‘ngoài đấy có ma đấy’ làm thằng bé sợ”.

Mẹ Củ Cải cũng như mẹ Hạt Đậu và không ít các ông bố, bà mẹ khác, mỗi lần thấy con hư là lại dọa và coi đó là chuyện bình thường mà không hề nghĩ rằng con mình có nguy cơ ảnh hưởng về tâm lý.

Hù dọa – sự bất lực của cha mẹ trong cách dạy con

Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang (giảng viên trường Cán bộ TP.HCM) chia sẻ: "Sở dĩ người lớn hù trẻ con, vì không thể tạo ra điều gì khác khiến con sợ. Điều sai lầm ở đây là thay vì phụ huynh giúp con trẻ nghe lời bằng cách vâng phục, lại bắt trẻ phải nghe lời bằng cách sợ hãi”.

Nên nhớ, từ một câu dọa của cha mẹ, bé lập tức liên tưởng đến những điều gây sợ hãi khác như con sâu có nhiều nanh vuốt, có miệng rộng chuyên ăn thịt mà bé nhìn thấy trên tivi... Từ đó, bé sẽ sợ hãi, bất an, hạn chế khám phá và vui chơi. Có những nỗi sợ ở bé mà cha mẹ không biết được hoặc có biết thì khi giải thích bé cũng không hiểu hết được. Do đó, bé vẫn thấy sợ và hoài nghi với lời trấn an của mẹ.

Người lớn thường dọa nạt với mục đích buộc các bé phải ngoan. Tuy nhiên, có những câu dọa “quá đà” có thể ảnh hưởng đến tinh thần còn non nớt của bé. Khiến bé sợ hãi, hoảng loạn thậm chí bị ám ảnh không phải cách dạy con khoa học.

Chia sẻ