Nguy cơ với trẻ từ những đồ vật nhỏ xinh

,
Chia sẻ

Trẻ rất thích đồ chơi và nếu cha mẹ không để mắt, trẻ có thể đưa vào miệng, mũi những vật nho nhỏ như: hạt trái cây, đồng xu, nút chai, đầu bút bi, pin đồng hồ điện tử...

Thời gian gần đây, số lượng trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) vì có dị vật trong đường thở, đường tai-mũi-họng ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày, Khoa khám Tai-Mũi-Họng tiếp nhận từ 2-3 ca dị vật đường tai, 3-4 ca dị vật đường mũi, 4-5 ca dị vật đường ăn.

Phần lớn những dị vật này là hạt trái cây, hạt nhựa, xương cá, các vật nhỏ bằng kim loại, đồng xu, dây thun, nút chai, đầu bút bi, pin đồng hồ điện tử...

Tai biến khó lường

Tại phòng khám Tai-Mũi-Họng (BV Nhi Đồng 1), chị H, mẹ bé gái Tr.Th. L (4 tuổi), nhà ở Bình Chánh đưa con vào bệnh viện do cháu bị sốt, cứng cổ, nuốt khó...

Chị kể: “Cách đây không lâu, cháu bị hóc xương cá. Người nhà đã tìm mọi cách để móc xương ra mà không được. Sau đó, thấy cháu ăn không được, lại lên cơn sốt, chảy nước miếng, gia đình đã đưa cháu đến trạm y tế phường và được cho thuốc uống. Sau khi uống khoảng 1 tuần, bé vẫn không bớt sốt, ăn uống vẫn khó khăn, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện."

Các bác sĩ cho biết, với trường hợp của cháu L, sau khi chụp X.quang thấy có một ổ áp xe lớn nằm ở vùng thực quản cổ. Bác sĩ đã tiến hành mổ với đường rạch dài 6 cm để lấy hết ổ mủ viêm ra.

Còn bé trai Đ.T.A (5 tuổi), nhà ở Q.5-TPHCM thì được gia đình đưa đến phòng khám Tai-Mũi –Họng, BV Nhi đồng 1 vì lý do chảy máu cam và mũi bốc mùi hôi thối.

Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện sụn mũi của bé bị hoại tử, vách ngăn mũi đã thủng vì một cục pin đồng hồ điện tử. Trong trường hợp này, phải đến khi qua tuổi dậy thì, xương vách ngăn ngưng tăng trưởng mới có thể làm phẫu thuật “vá” lại được.


Nặng nhất là trường hợp của bé trai Ng.C.T (2 tuổi, Tiền Giang) bị hạt mãng cầu rơi vào đường thở. Theo bệnh án, bé T.đã được cấp cứu hồi sức nhiều lần tại bệnh viện tỉnh. Bệnh viện cũng đã cố gắng lấy dị vật ra nhưng không được vì hạt mãng cầu rơi vào đường độc đạo của khí quản, gây tắc nghẽn đường thở... nên họ buộc phải đẩy dị vật rơi xuống một bên phổi, mở khí quản hồi sức rồi chuyển lên BV Nhi Đồng 1.

Tình trạng của bệnh nhi lúc nhập BV Nhi Đồng 1 đã rất nguy kịch: Suy hô hấp, truỵ tim mạch, xẹp một bên phổi và tổn thương não...

Để ngoài tầm với của trẻ những đồ nhỏ, tròn

Theo BS. Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai-Mũi-họng, BV Nhi Đồng 1, bất cứ vật gì, trẻ nhỏ cũng có thể cho vào miệng, vào mũi, vào tai... nếu thích. Tốt nhất, cha mẹ không nên cho trẻ nghịch, chơi những đồ chơi tròn, nhỏ hoặc đeo những vòng cườm. Thức ăn, đồ uống thông thường cũng có thể trở thành dị vật nếu cha mẹ ép trẻ ăn trong lúc khóc, hoặc bóp mũi khi cho trẻ uống thuốc...

Khi trẻ đột ngột ho sặc, khó thở, tím tái... nên nghĩ ngay đến một dị vật  đã lọt vào đường thở (phổi). Dị vật to (như hạt chôm chôm) sẽ gây tắc thanh môn, làm trẻ ngưng thở, ngưng tim khiến trẻ tử vong rất nhanh. Nếu dị vật kẹt ở thanh môn, trẻ sẽ bị ho, khan tiếng, khó thở thanh quản.

Nếu dị vật nhỏ lọt vào phổi sẽ gây viêm phổi, nếu không được điều trị đúng sẽ bị áp xe phổi ...Nếu dị vật rơi vào mắc kẹt ở thực quản (đường ăn), trẻ sẽ bị mắc nghẹn, nuốt khó, ăn khó, miệng lúc nào cũng nhiễu nhão nước miếng...

Với những triệu chứng trên, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được nội soi chẩn đoán và gắp dị vật ra

"Đừng để dị vật nằm lâu trong thực quản sẽ gây nhiễm trùng, gây sốt, gây cứng vùng đầu cổ...và gây áp xe vùng thực quản cổ, gây thủng thực quản, viêm trung thất...tỉ lệ tử vong cao. Tuyệt đối tránh đưa tay vào miệng trẻ để cố gắng móc dị vật ra, vô tình đẩy dị vật vào sâu bên trong hơn.

Biện pháp sơ cứu tốt nhất đối với trẻ nhỏ: Đặt trẻ nằm đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ tạo áp lực để đẩy dị vật ra. Với trẻ lớn, thì ôm ngang bụng trẻ, ép bụng trẻ lại, dị vật sẽ dễ dàng vọt ra," BS. Đặng Hoàng Sơn nói.

Dị vật trong mũi không được lấy ra sẽ gây nhiễm trùng, loét vách ngăn mũi. Một số trường hợp còn gây viêm tắc tĩnh mạch mũi, làm sưng mắt sưng mặt và lâu ngày bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng huyết và tử vong.

Pin đồng hồ điện tử là loại dị vật nguy hiểm nhất. Quá 6 tiếng, sụn mũi sẽ bị hoại tử và dù được điều trị khỏi bệnh thì vách ngăn mũi cũng bị thủng. Nếu nuốt pin vào miệng, rơi xuống thực quản, cũng sẽ gây viêm loét thực quản và thủng thực quản...

Dị vật đường tai thường gặp nhất là hạt lúa, hạt cườm, hòn bi...hoặc do côn trùng (kiến, gián đất) chui vào tai... Khi phát hiện có dị vật rơi vào tai, không nên dùng cây móc tai để cố gắng lấy dị vật ra, vì như vậy có thể làm cho dị vật chui vào trong hòm nhĩ, gây rách màng nhĩ... Dị vật nằm trong tai sẽ gây viêm nhiễm, gây viêm tai giữa, viêm màng não...

Theo Thiên Hương
Bee


Chia sẻ