Ngại giao việc vì sợ con làm hỏng

,
Chia sẻ

Sau lần nhờ cậu con trai (3 tuổi rưỡi) rót cốc nước nhưng nước đổ lênh láng, còn cốc vỡ tan. Từ đấy, cô chẳng muốn giao cho con việc gì vì sợ đổ vỡ và phải dọn dẹp lại.

Cháu làm cái gì cũng ẩu. Vừa làm vừa đùa nghịch nên đổ vỡ thường xuyên. Mình nhờ con cất điện thoại di động lên bàn cho mẹ thì cháu ném mạnh tay đến mức điện thoại rơi luôn xuống đất. Bảo tự cài cúc áo thì giật bay cả cúc” – Vân kể. Mắng con không được vì cu cậu chẳng chịu làm việc gì nghiêm túc mà chỉ đùa nghịch nên Vân tự làm cho nhanh.
 
Cùng cảnh với Vân, Thục (29 tuổi, Hà Nội) ban đầu rất háo hức sai vặt cu Bi (cậu con 3 tuổi của mình). Mỗi lần gọi: “Bi, giúp mẹ với” là Thục thấy con hớn hở chạy tới ngay. Cu Bi tuy hăng hái nhưng làm việc gì cũng hỏng. Đòi mẹ bê đĩa hoa quả lên phòng khách thì chạy rõ nhanh, trượt chân và ngã.
 



Nếu Thục sai con lấy khăn lau chỗ sữa Bi vừa làm đổ trên bàn, cu cậu “tiện tay” đẩy luôn cả cốc chén đặt ở góc bàn. Nếu nhờ con nhặt đồ chơi vào giỏ thì chỉ phút trước phút sau, Bi đã lôi hết đồ từ giỏ ra sàn nhà. Chẳng muốn bực mình, mệt mỏi vì con nên Thục lại tự làm. Nếu thấy con lăng xăng muốn làm gì, Thục cũng tìm cách cản.

Giao việc giúp bé tự tin

Để bé tham gia các công việc nhỏ trong nhà là một cách luyện kỹ năng và xây dựng tự tin cho bé. Tuy nhiên, phần lớn các bé chưa ý thức được việc phải làm nên thường vừa làm vừa nghịch, có thể gây đổ vỡ hoặc mất công cha mẹ dọn dẹp lại, vừa mất thời gian lại gây nên đống lộn xộn. Điều này khiến phụ huynh e dè khi muốn giao việc cho con.

Nếu giao việc vừa sức, có sự giám sát của cha mẹ thì sẽ hạn chế được hỏng hóc. Bắt đầu ở tuổi lên 2, bé có thể làm được những việc lặt vặt như nhặt rau giúp mẹ, cùng mẹ gấp quần áo, cùng mẹ xếp ghế nhựa nhẹ, lấy cho mẹ những đồ vật nhẹ, an toàn…

Với bé 3-4 tuổi, có thể cùng bé dọn dẹp phòng, lau bàn ghế, giường tủ, gấp quần áo của bé… thậm chí là những hoạt động cọ rửa đồ đạc bởi các bé rất thích những công việc với nước. Bé ở tuổi này cũng thích hợp với những công việc như hút bụi, tưới cây cảnh, cho vật nuôi ăn, chăm sóc em bé…
 



Bé lớn hơn có thể cùng mẹ thu dọn bàn ăn, lau cọ bát đĩa, chuẩn bị bữa ăn, bỏ đồ thừa vào thùng rác… nhưng chỉ nên giao cho bé những đồ không dễ vỡ và phải dạy con cách thao tác an toàn và phù hợp.

Các bé háo hức thật nhưng chỉ được lúc đầu, với những công việc dài và nhàm chán thì không lôi cuốn được bé. Khi còn ít tuổi, bé thích làm việc cùng cha mẹ cho vui nhưng với bé lớn hơn, khi phải hoàn thành một việc cụ thể thường khiến bé lười và tìm cách trốn việc.

Hãy cho bé những công việc phải làm và việc lựa chọn. Chẳng hạn, dọn đồ chơi, đánh răng, gấp quần áo… là công việc phải làm. Còn nhặt rau hoặc lau bàn cho mẹ là công việc lựa chọn. Bé có thể làm việc này và không làm việc khác.

Để bé không bỏ dở, cha mẹ nên cùng làm với con. Có thể tổ chức thành một trò chơi, một hoạt động thú vị để tranh tài, giành phần thưởng.

Tránh quát nạt, thúc ép bé khiến bé chán nản, các mẹ nhé!
 
Theo Me&be
Chia sẻ