Nên hay không nên cho con tiền đi học?

,
Chia sẻ

Nhiều phụ huynh quan niệm không cho con tiền vì dễ làm con hư. Nhưng nhiều người lại cho rằng nên cho con tiền để con có thể tự lo cho mình khi không có bố mẹ ở bên.

Vậy cho hay không và cho thế nào là hợp lý?
 
Vợ chồng chị Mai - Phú Nhuận vốn là người nghiêm khắc dù bé Minh con chị đã lên lớp 2 nhưng anh chị chưa bao giờ cho con tiền đi học hay cho tiền mua thứ gì. Khi cần mua đồ dùng gì cho con thì chị tự mua hoặc dẫn bé đi theo. Thỉnh thoảng chị cũng mua đồ chơi cho con nhưng chỉ khi bé ngoan hoặc dịp lễ gì đó.

Không chỉ chị Mai mà rất nhiều phụ huynh khác cũng đồng quan điểm rằng: không nên cho bé tiền quá sớm. Nhiều phụ huynh còn cho rằng: bé còn nhỏ và nhiệm vụ chính là học hành nên không cần nghĩ đến tiền bạc. Cho bé đi học, mua sắm đầy đủ cho bé quần áo, đồ dùng, đồ chơi cho bé vậy là đủ và không nên cho bé tiền làm gì, dễ làm cho bé sa ngã vào những thói xấu khác.

Nhưng đến một ngày, chị Mai không khỏi bất ngờ khi chị đến trường đón con thì được cô giáo chủ nhiệm đưa Minh - con chị ra gặp và cho biết bé Minh con chị hôm nay lấy cắp đồ chơi của bạn. Chị vô cùng ngạc nhiên vì trước giờ con chị không có thói quen xấu này. Gặng hỏi thì Minh cho biết: Vì con thích món đồ chơi đó nhưng không có tiền mua nên con chỉ muốn lấy của bạn về chơi mấy bữa rồi sẽ trả cho bạn.

Cho con tiền đi học đã trở thành thói quen của nhiều phụ huynh
 

Còn vợ chồng chị Hằng - Q.3 lại khác, với quan niệm không muốn con thiệt thòi giống mình hồi xưa nên dù mới học lớp 7, Hùng đã được mẹ cho tiền đều đặn và có phần thoải mái để thích ăn gì, mua gì đều có thể tự mình mua.

Thực tế cũng cho thấy có rất nhiều phụ huynh vì không muốn con thua kém bạn bè nên hay cho con tiền để con có thể mua đồ ăn ở trường, mua đồ chơi với các bạn. Nhưng đôi cách cho tiền của bố mẹ và sự quan tâm không đúng mực của bố mẹ nhiều khi lại gây những hậu quả tai hại khác.

Khi tiêu tiền đã thành thói quen và hết tiền mà thấy mẹ bận rộn với việc buôn bán không đưa, Hùng vào tủ cầm sẵn ví của mẹ trên tay rồi chạy ra bảo mẹ: Mẹ cho con mấy chục mua truyện mới. Chưa kịp mẹ trả lời, cu cậu đã rút ví của mẹ 50 ngàn. Sau này, cậu cũng không cần hỏi và cứ thế lấy tiền của mẹ xài. Trong lớp thì cậu luôn tỏ ra hào phóng với các bạn. Và tiền của mẹ cứ thế không cánh mà bay. Khi được cô giáo mời lên trường thì bố mẹ cậu mới biết cậu thường xuyên trốn học, những giờ đi học và đi học thêm của Hùng là những giờ cậu chơi game ở gần trường.

Đến lúc này vợ chồng chị Hằng mới cảm thấy hối hận vì đã sớm cho con nhiều tiền mà thiếu sự quan tâm đến con.

Thực tế thì không có quy định nào cho biết các bậc phụ huynh nên cho con tiền hay không nên cho, hoặc cho tiền thì nên cho bao nhiêu. Điều này tùy thuộc vào sự hiểu biết của trẻ và hoàn cảnh cũng như cách ứng xử của bố mẹ. Tuy nhiên việc dạy cho con biết tiêu tiền thế nào cho hợp lí mới là điều quan trọng hơn cả.

Như trường hợp chị Lan - Q.5, khi cu Tín con chị đi học lớp 1 được vài ngày, chị hỏi: Ở lớp con hay chơi với bạn nào? Cu Tín cho biết con hay chơi với với bạn Nguyên vì bạn Nguyên hay có nhiều đồ chơi mới và cho con ăn bánh. Cu Tín còn làm ra vẻ người lớn: Con nói với bạn là bố mẹ Tín nghèo lắm, không có nhiều tiền nên Tín không có tiền đi học, Nguyên cho Tín ăn chung nhé!

Chị Lan không khỏi bất ngờ khi nghe con nói thế, chị chưa bao giờ dạy cu Tín con chị tiết kiệm như vậy.

Đúng là việc cho con tiền đã khó, việc dạy con xài tiền thế nào cho hợp lí lại càng khó hơn nhiều.

 

Tiến sĩ Giáo dục Võ Văn Nam đã đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh:
 
- Tùy theo hoàn cảnh gia đình và tính cách và độ tuổi của trẻ mà bố mẹ có thể quyết định cho con tiền tiêu vặt hay không, cho ít hay nhiều.
 
- Chỉ cho bé những khoản tiền nhỏ, hướng dẫn và giải thích để bé biết dùng tiền đúng chỗ. Ví dụ: không mua quà vặt nhiều thì phải giải thích vì sao, ăn nhiều có hại cho sức khỏe thế nào, không mua đồ chơi không tốt thì cũng giải thích vì sao… Nhưng cũng không nên cho bé quá nhiều vì dễ làm cho bé nảy sinh tâm lý coi thường tiền bạc.
 
- Thưởng những khoản tiền nhỏ khi trẻ có cố gắng giúp việc nhà, hay đạt thành tích xuất sắc... cũng là cách làm cho trẻ nhận thức giá trị đồng tiền, song phải có liều lượng, không nên quá thường xuyên.
 
- Dạy trẻ biết tiết kiệm tiền bằng cách có thể mua heo đất cho bé. Giải thích với con là khi có nhiều tiền trong heo sẽ mua cái gì đó lớn hơn, có giá trị với con mà con thích để bé có động lực tiết kiệm.
 
- Giáo dục trẻ tiết kiệm là cần, nhưng cũng tránh xu hướng keo kiệt, dạy trẻ biết giúp đỡ người khác khi cần. Biết quý trọng tình nghĩa hơn tiền bạc.
 
- Dần dần từng bước hình thành ở trẻ thái độ tích cực bên cạnh ý thức đúng đắn. Xây dựng cho trẻ kỹ năng sống cơ bản và cách ứng xử với đồng tiền. Đó cũng là cách giúp trẻ vững bước vào đời một cách có bản lĩnh.

 

 
 
Theo SSM
Chia sẻ