Mẹ thì la mắng, bố thì lờ đi

T. H,
Chia sẻ

Con khảnh ăn một tí, nghịch ngợm, ương bướng một tí là các mẹ la mắng, trong khi các bố thì nghĩ con không ăn một tí cũng chẳng chết, con bướng thì cứ lờ đi là xong.

Đến nhà cô bạn thân chơi, tôi giật mình khi thấy cô con gái của bạn cứ đứng giương mắt nhìn khác chằm chặp, cho dù mẹ nói thế nào đi nữa thì bé vẫn nhất quyết không chào khách. Nhìn chán, con bé chạy ào vào nhà và lôi đồ chơi ra chơi, vừa chơi vừa hò hét. Mẹ nhắc trật tự cho mẹ nói chuyện nhưng bé tỏ vẻ như không nghe thấy gì và tiếp tục với trò chơi của mình.

Cô bé con gái bạn tôi không phải là đứa trẻ bướng bỉnh đầu tiên mà tôi gặp. Ở ngay sát nhà tôi là một gia đình cũng có cậu con trai hơn 3 tuổi. Ngay từ nhỏ tôi đã thấy bố mẹ cậu bé khen rằng cậu bé có tính tự lập từ nhỏ, bằng chứng là việc gì cậu bé cũng đòi tự làm. Nhưng để ý nhiều ngày, tôi nhận thấy cậu bé con cũng có vẻ tự lập nhưng bên cạnh đó cũng rất ương bướng. Khi mẹ nói dọn dẹp nhà cửa cuối tuần, cậu bé rất nhanh nhẹn lăng xăng chạy dọn chỗ này chỗ kia, kể cả khi mẹ không đồng ý thì cậu bé giẫy ra khóc ăn vạ. Mẹ nói đi giày thì cậu bé lại một mực đòi đi dép, khi mẹ đi dép vào chân cho bé thì bé , lại đòi mẹ bỏ ra để tự mình đi vào, mặc dầu bé đã xỏ nhầm chiếc chân bên trái sang chân bên phải.


Bạn đã bao giờ gặp cảnh tượng: một em bé cứ gào thét giãy giụa đòi mẹ lấy cho bằng được một thứ đồ mỹ nghệ trưng bày trong gia đình mà hai mẹ con đến thăm. Một em bé khác mới lên 3 tuổi nhưng cứ khăng khăng đòi tự mình bê phích nước sôi để mời mọi nười uống, hoặc một em bé khác, khi mẹ bảo rửa tay cho sạch thì lại xoa tay cho bẩn thêm, khi mẹ dắt tay vào buồng tắm để rửa tay thì lại lăn ra ăn vạ... Lại có những bé đến lớp, dù cô nói thế nào cũng nhất quyết tranh cho bằng được chiếc ghế mà mình vẫn ngồi mà không chịu ngồi một cái ghế khác thay thế…

Những tình huống này không phải là hiếm ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trẻ lên 3. Không ít bà mẹ đã phàn nàn rằng: “Chẳng hiểu thế nào mới đây thôi nó rất ngoan thế mà bây giờ lại đâm ra dở chứng, trái tính, trái nết, khó bảo”. Và người thường cảm thấy đau đầu vì tính khí thất thường của con là các bà mẹ. Thường thì cũng có những dứa trẻ có cá tính, không phải quá nghịch ngợm hay hỗn láo, nhưng sự thất thường của chúng đôi khi làm cho các mẹ mệt mỏi và không vui.

Vì sao chuyện này thường chỉ xảy ra giữa mẹ và con, còn cha và con thì lại không lấn cấn nhiều về điều này?
Bởi vì, làm mẹ gắn liền với việc dạy dỗ và chăm sóc con hàng ngày, nên con khảnh ăn một tí là các mẹ cảm thấy khổ sở, con nghịch ngợm, ương bướng là các mẹ cảm thấy stress, mệt mỏi và hay la mắng con. Thường thì các bà mẹ muốn con phải thực hiện những nguyên tắc hàng ngày mà mình đặt ra, trái một tí là khó chấp nhận.


Chính vì sự sát sao của mẹ trong từng việc một mà trẻ có ý muốn thoát ra, hoặc đôi khi chống lại. Trong khi các bố thì chỉ muốn “nịnh” con, như bù lại thời gian đi làm xa con suốt ngày, lấy việc chiều con làm thú vui thư giãn sau những “stress” trong công việc, nên dù con có chướng một tí cũng chẳng sao, không ăn một tí cũng chẳng chết, con có thất thường lúc này lúc kia thì cứ lờ đi là xong chuyện. Đó là sự khác nhau giữa cách dạy con của cha và mẹ và cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ ương bướng, vì có bố hậu thuẫn.

Muốn con bớt tính ương bướng hoặc chí ít thì cũng phải là bướng nhưng biết nghe lời bố mẹ, thì điều quan trọng là cả bố và mẹ phải cùng thống nhất cách dạy và giáo dục con để con biết khi nào thì được làm theo ý mình, khi nào thì phải nghe theo lời bố mẹ.
Chia sẻ