Mẹ rất... ác!

T.T,
Chia sẻ

Theo lời chị Phương thì: “Ngay từ khi con lên 2 tuổi, chị đã ngăn chặn ngay việc khóc lóc, nhõng nhẽo bằng ánh mắt sắc, cùng với một tiếng quát to. Chỉ cần nghe thế là con im ngay”.

Chị Phương (29 tuổi), Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội lúc nào cũng tự hào với bạn bè rằng con gái mình rất ngoan, không bao giờ dám cãi câu chị câu nào. Khi các mẹ nhờ chị chia sẻ kinh nghiệm thì hầu như ai cũng phải xuýt xoa với cách dạy con của chị. Xuýt xoa không phải vì cách của chị hay như thế nào, mà là vì “chị nghiêm khắc quá”.

Theo lời chị Phương thì ngay từ khi con chị lên 2 tuổi, chị đã ngăn chặn ngay việc khóc lóc, nhõng nhẽo của cháu bằng “ánh mắt phải sắc, cùng với một tiếng quát to, rõ ràng. Chỉ cần nghe như thế là con im ngay. Nếu mà chưa chịu nín thì chị sẽ cho nó vài cái roi vào mông. Lúc đầu vẫn còn nhõng nhẽo hết mẹ đến bố. Nhưng sau thấy cả bố cả mẹ đều đứng về phe nhau để chống lại mình, nên con bé im thin thít”. Chị Phương cũng nói thêm rằng, ngay từ đầu đã nghiêm khắc như thế thì con cái sẽ được đi vào một khuôn phép nhất định.

Con càng lớn thì vợ chồng chị Phương càng nghiêm khắc hơn với con. Và lúc này, không chỉ dùng lời nói, hay quát mắng, mà công cụ đắc lực của anh chị còn có một chiếc roi nhỏ nhỏ đã để sẵn trong nhà, cộng thêm với những công cụ ngay bên cạnh có thể dùng được để đánh bất cứ lúc nào như đũa trong lúc ăn cơm, bút, thước trong khi dạy con học… Chị Phương cứ tiện tay là đánh con, khiến con bé đang học lớp 3 nhà chị không bao giờ dám ho he với mẹ một câu nào.

Quỳnh Anh (con gái chị Phương) rụt rè tâm sự: “Cháu sợ mẹ cháu lắm. Mẹ cháu rất ác. Cứ đụng việc gì chưa hỏi rõ đầu đuôi mẹ đã mắng cháu. Mắng cũng chưa bõ tức nên mẹ lại đem roi ra cho cháu vài roi. Cháu không biết đến khi nào thì mới hết bị đánh nữa”. Quỳnh Anh nói đến đấy rồi như sợ mẹ hay lo lắng gì đó, cô bé lại im lặng. Nhìn khuôn mặt đứa học sinh lớp 3 đã đầy nỗi buồn và âu lo.

Em gái chị Phương - Hiền Anh hiện đang ở trong nhà chị có kể rằng: “Có nhiều hôm nhìn cháu mình khóc đến khổ sở xin mẹ tha đánh chỉ vì được 4 điểm văn. Nhưng mẹ nó dường như bỏ ngoài tai tất cả những lời xin lỗi của cô con gái mà nhất định phải cho nó một trận cho chừa cái bệnh lười học. Mỗi lần thấy chị đánh cháu tôi có can ngăn cũng sợ, vì có khi chị lại tức lên đánh cháu nhiều hơn nữa. Tâm sự với chị về cách dạy cháu thì chị nói: “Yêu cho roi cho vọt. Ngày xưa bố mẹ nào mà chả dạy con bằng cách này. Bố mẹ mình cũng thế mà bây giờ chị em mình mới được như thế này”. Nghe chị nói vậy, tôi cũng chẳng biết phải nói với chị thế nào cho phải.

Cách dạy con của chị Phương hiện nay cũng chẳng phải là hiếm gặp trong cuộc sống mà ngược lại có thể lại có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Những tưởng rằng, quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là một quan niệm nuôi dạy con đã quá cổ hủ từ xã hội cũ để lại. Và trong xã hội hiện đại thì không còn mấy bậc cha mẹ áp dụng biện pháp này vào việc dạy con. Vậy mà, ở xung quanh cuộc sống này còn biết bao nhiêu bậc cha mẹ vẫn giữ quan niệm bảo thủ ấy. Thực ra, cha mẹ phải hiểu rằng, nghiêm khắc với con không có nghĩa là cứ phải dùng roi đánh con.

Cũng cùng quan điểm trên thì một người hàng xóm của chị Phương đã chia sẻ rằng: “Theo tôi, nuôi dạy con quan trọng nhất là hãy dùng tình yêu thương và sự dịu dàng của một người mẹ để đặt ra những nguyên tắc cho con mình. Đừng bao giờ lạm dụng đòn roi để nuôi con. Làm như thế sẽ khiến con sợ hãi và nghe lời mình, nhưng không nhen nhóm và nuôi dưỡng được tình yêu thương trong trái tim trẻ. Dùng roi vọt dạy con nếu không cẩn thận sẽ phản tác dụng”.

Chia sẻ