Mẹ mất ăn mất ngủ vì con tràn dịch màng tinh hoàn

Nhã Đan,
Chia sẻ

Tràn dịch màng tinh hoàn là một bệnh lành tính và khá phổ biến ở các bé trai, bác sĩ Dũng khuyên cha mẹ không nên quá lo lắng nếu không may con mình mắc.

Rớt nước mắt nhìn con yêu lên bàn mổ

Khi bé M.H ra đời, cả nhà chị Mai Ly (Yết Kiêu, Hà Nội) mừng khôn xiết. Thế nhưng ngay từ những hôm đầu tiên chăm con, vợ chồng chị đều nhận thấy ở con có điều gì đó bất bình thường. Nhưng vì ai cũng bảo “trẻ con nào chẳng vậy”, chị lại bỏ qua và không suy nghĩ gì nhiều về hiện tượng đó.

Chị tâm sự: “Khi chăm con, mình thấy hai bên bìu của bé bên to bên nhỏ rất bất thường”. Đến khi bé được 15 tháng tuổi, chị thấy tình hình này vẫn không thuyên giảm. Một lần đi khám định kỳ ở một bệnh viện tư, chị lo lắng khi bác sĩ tại đây chỉ định chị cần đưa bé tới ngay bệnh viện Việt Đức để kiểm tra. Tại đây, chị được biết con mình bị mắc bệnh tràn dịch màng tinh hoàn và cần phải mổ ngay. 

Chị Mai Ly nghẹn ngào: “Con mới bé xíu, nói còn chưa được vậy mà đã phải động vào dao kéo vào người, mình lo vô cùng”. 

Mẹ mất ăn mất ngủ vì con tràn dịch màng tinh hoàn 1
Không chỉ hai trường hợp trên mà có rất nhiều chị em cũng có con mắc phải căn bệnh này (Ảnh minh họa)

Cũng có con bị bệnh tràn dịch màng tinh hoàn là chị Như (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị tâm sự: “Từ khi đi siêu âm ở những tuần thai cuối, bác sĩ đã bảo bé nhà mình có tinh hoàn to bất thường. Mình lo lắng lắm nhưng bác sĩ động viên bảo: cứ để kệ rồi bệnh sẽ tự hết không phải việc gì phải lo lắng cả. Mình mệt mỏi, và sự lo lắng ngày càng tăng khi ai đến thăm cũng thắc mắc ‘sao con lạ thế, sao không đưa đi khám đi, nhỡ nhàng có làm sao thì’... Hai vợ chồng mình chưa bao giờ lo lắng hơn thế và cuống cuồng đưa con đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ bảo con bị tràn dịch màng tinh hoàn”. 

Lên mạng tìm hiểu, chị Như lo lắng, nằng nặc đòi bác sĩ phải mổ, hút dịch ngay cho bé. Chị bảo: “Bộ phận này vô cùng quan trọng, nhỡ chậm một ly, đi một dặm không biết chừng. Chẳng thà xử lý ngay chứ nhỡ để đến lúc muộn, nói dại miệng con không thể sinh nở được thì sao? Có trường hợp thì bệnh tự khỏi nhưng lỡ con mình nằm trong diện không khỏi thì sao?”. 

Không chỉ hai trường hợp trên mà có rất nhiều chị em cũng có con mắc phải căn bệnh này. 

“Cha mẹ chớ nên quá lo lắng!”

Đó là lời khuyên chân thành của các sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Tiến Sĩ, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai). Bác sĩ Dũng chia sẻ, tràn dịch màng tinh hoàn hay còn gọi là ứ nước màng tinh hoàn là bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, đây là một trong những bệnh bẩm sinh mà trẻ hay mắc phải. Do một lý do nào đó phía ngoài tinh hoàn của đứa trẻ đó bị bao bọc bằng một lớp dịch khiến có bên bìu to, bên bìu nhỏ. Thực chất không phải tinh hoàn to ra mà phía bên ngoài tinh hoàn có lớp dịch khiến phụ huynh lầm tưởng. 

Tràn dịch màng tinh hoàn là hiện tượng ứ nước trong bao tinh hoàn bên trong bìu. Thường thì hiện tượng này có thể xuất hiện ở một bên bìu hoặc có thể bị tràn dịch cả hai bên. Tràn dịch màng tinh hoàn trông giống như một túi chứa dịch bên trong bìu. Kích thước bìu to hơn so với bình thường, với mức độ khác nhau phụ thuộc vào tràn dịch nhiều hay ít. 

Mẹ mất ăn mất ngủ vì con tràn dịch màng tinh hoàn 2
Tràn dịch màng tinh hoàn là một bệnh lành tính và khá phổ biến ở các bé trai, bác sĩ Dũng khuyên cha mẹ không nên quá lo lắng nếu không may con mình mắc (Ảnh: Chí Toàn)

Đây cũng là bệnh lành tính và khá phổ biến ở các bé trai mà nhiều bố mẹ lại lo lắng thái quá. Siêu âm là một xét nghiệm chẩn đoán chính xác bệnh.

Tràn dịch màng tinh hoàn rất dễ bị nhầm tưởng thành bệnh thoát vị bẹn – một bệnh cũng hay gặp ở trẻ nhỏ. Bậc phụ huynh cần phải hiểu rõ sự khác nhau giữa hai bệnh này. 

Bệnh tràn dịch màng tinh hoàn thì tinh hoàn lúc nào cũng bị to, bên ngoài bóng dù bé ngủ hay thức, chơi, ăn hay khóc. Còn với bệnh thoát vị bẹn, tinh hoàn của bé có bị to ra nhưng chỉ những lúc bé khó chịu, khóc, đòi đi ị, còn khi nghỉ ngơi, nằm yên một chỗ, ngủ thì tinh hoàn của bé lại hoàn toàn bình thường. 

Bác sĩ nhấn mạnh, tràn dịch màng tinh hoàn là bệnh bẩm sinh không đáng lo ngại. Khi thấy con có triệu chứng bất thường như trên (bên bìu to bên nhỏ, bóng), cha mẹ nên để ý, theo dõi con. Bình thường, căn bệnh này sẽ tự khỏi, không cần chữa trị sau khi em bé được 6 tháng cùng lắm là 1 tuổi. 

Sau 1 tuổi, nếu bé vẫn còn dịch bao quanh tinh hoàn thì có thể được chỉ định  mổ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nhiều bậc phụ huynh cũng lo lắng khi bé bị chỉ định mổ, bác sĩ khẳng định, mổ thì cũng vô cùng đơn giản, bậc phụ huynh không phải lo. Thao tác chỉ đơn giản là chích dịch và bỏ đi mà thôi. Bệnh này không ảnh hưởng chút nào tới khả năng sinh sản cho bé trong tương lai. 

Bậc phụ huynh nên theo dõi và đưa bé tới bác sĩ Nhi chuyên khoa để thăm khám. Tại đó, các bác sĩ sẽ chỉ định chữa cho bé như thế nào là phù hợp nhất. 



Tự ý mua thuốc cho con uống, khiến con gặp họa là sai lầm vô cùng phổ biến của nhiều ông bố bà mẹ.
Mẹ mất ăn mất ngủ vì con tràn dịch màng tinh hoàn 3
Chia sẻ