"Mặc cảm tội lỗi" làm hại trẻ

,
Chia sẻ

"Con muốn đi thì cứ đi, nhưng mẹ rất buồn nếu tối nay phải ở nhà một mình" - câu nói của mẹ khiến Hoa dằn vặt suốt buổi tối hôm đó

Mùng một, ngày rằm nào mẹ cũng đưa Hoa đi lễ chùa. Mẹ  ăn chay vào một ngày nhất định trong tuần, tất nhiên Hoa cũng ăn cùng. Đó không phải là ý thích của Hoa, nhưng em sợ làm trái ý mẹ buồn. Biết bao lần mẹ kể cho Hoa nghe, mẹ  đã một mình vất vả nuôi em lớn khôn như thế nào, mẹ đã hy sinh những gì để em được như ngày nay. Vì thế, nếu một việc đơn giản như vậy, em lại không thể chiều ý mẹ, thì phải chăng là em không yêu mẹ?

Hoa để tóc dài, không mặc quần lửng, áo sát nách. Bởi mẹ muốn em mặc như thế "trông mới nết na". Vóc dáng Hoa rất hợp với những bộ cánh cách điệu, dễ thương nhưng Hoa chỉ dám thử ở nhà bạn hay ở cửa hàng, tuyệt đối không dám mặc. Nếu biết, mẹ lại sẽ nói em cố tình trêu tức mẹ, như thế là không nghe lời, là không yêu mẹ.

Đêm liên hoan lớp diễn ra trong không khí ấm áp, vui vẻ nhưng tâm trạng Hoa cứ thấp thỏm không yên. "Con muốn đi thì cứ đi, nhưng mẹ rất buồn nếu tối nay phải ở nhà một mình" - câu nói của mẹ khiến Hoa dằn vặt suốt buổi tối hôm đó. Em không thể không tham gia buổi liên hoan chia tay cuối năm, nhưng cũng không đành lòng bỏ mặc mẹ ở nhà. Em thấy có lỗi nếu buổi tối nay mình mải vui.

Chuyện riêng tư, Hoa cũng phải kể hết cho mẹ, nếu phát hiện em còn giấu điều gì, mẹ lại  nói em không tin mẹ, không yêu mẹ nên mới thế.

Dù biết rõ là mẹ cố tình đánh vào tâm lý mình khi nói như vậy, nhưng Hoa vẫn phải chiều. Em không muốn rắc rối. Em sợ bị đánh giá là đứa con không biết nghĩ đến mẹ.

Mẹ của Hoa đã thành công trong việc sử dụng chiêu bài tạo mặc cảm có lỗi đối với con để quản lý con. Cố gắng làm vui lòng mẹ đồng nghĩa với việc dần dần Hoa cũng trở thành một cô bé không có cá tính. Ý thích, suy nghĩ của em mờ nhạt dần, thay vào đó là những mong muốn, suy nghĩ của mẹ. Em không cho mình quyền quyết định. Nương theo nhu cầu của mẹ, em quên mất cá nhân mình.

Nhiều bà mẹ đã lạm dụng cách làm của mẹ Hoa. Điều đó khiến những đứa con luôn cảm thấy chán nản, ức chế, bức xúc khi bị mẹ suy diễn, quy kết. Nếu con có cá tính mạnh, sẽ có những lần phản ứng lại và chấp nhận bị quy kết là đứa con hư và khó tránh được cảm giác có lỗi với đấng sinh thành. Nếu không nỡ làm trái ý mẹ, con sẽ luôn cảm thấy bực bội, vì phải làm việc mình không muốn, lâu ngày có nguy cơ trở thành một người  yếm thế. 

Tốt nhất là các bà mẹ hãy thẳng thắn bày tỏ điều mình mong muốn, thay vì tạo ra bầu không khí nặng nề với kiểu nói  bất mãn làm buồn lòng con cái. Con về nhà muộn thay vì quy kết là con coi thường mình, không quan tâm đến tình cảm của mình, thì hãy cho con biết mình đã lo lắng như thế nào, dặn con đừng về muộn như thế nữa. Đừng buộc con phải làm điều gì đó chỉ vì mặc cảm tội lỗi với mẹ. Hãy để cho con trẻ thể hiện sự quan tâm theo ý muốn của chúng, xuất phát từ tình yêu – là nhu cầu tự thân. Như thế mới thật quý giá.

Bản thân mỗi người mẹ nên tạo cho mình một cuộc sống độc lập và chấp nhận cuộc sống riêng của con, trong đó có những vấn đề mà người làm mẹ không thể kiểm soát được. Con cái được quyền khẳng định mình, sống cuộc sống đúng với mình. Lệ thuộc, níu kéo con cái chỉ khiến chúng muốn dứt ra khỏi chúng ta càng sớm càng tốt. Sự độc lập về đời sống tinh thần  của mẹ sẽ giúp những đứa con thoát được mặc cảm có lỗi.

Theo PNO

Chia sẻ