Lớn lên con cưới mẹ!

Theo MYC,
Chia sẻ

Con từng đắm say giấc mơ đó, nhưng sao càng lớn tình mẹ con ta càng cách xa?!

Lúc con khoảng 2 – 3 tuổi, người mẹ nào cũng bỗng bật cười vì một câu nói ngộ nghĩnh của con. Bất kỳ bé trai hay bé gái nào cũng sẽ nói: “Lớn lên con cưới mẹ!”.

Ấy là khi đứa bé bị hấp dẫn bởi những câu chuyện cổ tích, trong đó có hoàng tử khôi ngô gặp nàng công chúa xinh đẹp, và kết thúc câu chuyện thường là đám cưới diễn ra tưng bừng và hai nhân vật sống hạnh phúc bên nhau trọn đời…
 
Rồi nó bắt đầu mê mẩn những đám cưới nó chứng kiến: cưới chú, dì, hay đám cưới hàng xóm, nó bắt đầu mơ làm cô dâu hay chú rể để được mặc những bộ quần áo xinh đẹp, được đưa rước đình đám… Nhưng mà con cưới ai? Nó sẽ nói không đắn đo: con cưới mẹ!

Vì sao đứa con thường nói câu đó? Đứa bé chập chững nhận thức thế giới đã thấy gắn bó máu thịt với người mẹ. Trong nhận thức non nớt của nó, nó phải cùng mẹ làm đám cưới để cùng nhau sống hạnh phúc trọn đời (như trong chuyện cổ tích).

Như vậy ngay từ đầu đời, điều nằm lòng của nó là cùng mẹ, với mẹ, luôn luôn và mãi mãi. Dễ hiểu có bà mẹ giận mắng con, đánh con đau nữa, đứa con nhỏ vẫn một mực ôm lấy mẹ, vùi vào mẹ, mẹ có đánh đau bao nhiêu nó cũng không rời ra.

Nhưng cũng năm tháng đứa con lớn lên, nó được giáo dục nhận thức xã hội, đến lúc nó hiểu rằng người mà nó cưới trong tương lai không thể là mẹ. Đứa bé bây giờ đã là một cá thể khác ở ngoài mẹ, độc lập với mẹ.
 
Lên 2 - 3 tuổi, bất kỳ bé trai hay gái nào cũng sẽ nói "Lớn lên con sẽ cưới mẹ". (Ảnh minh họa)


Nhưng đâu phải chỉ thế một cách tự nhiên, có điều gì đó nữa khiến khoảng cách giữa người mẹ - vốn là một trong nhận thức ấu thơ - với con ngày càng rộng ra. Thậm chí, nhiều lúc, và với nhiều đứa con, không còn tìm thấy có cái gì chung ở mẹ, xa lạ, lạnh lẽo.
 
Những đứa trẻ chưa đủ lớn về thể xác và còn lâu mới đủ bản lĩnh trong tinh thần, bỗng thấy đau khổ, cô đơn, tủi hờn. Nó không biết tìm đâu sự che chở, không ai an ủi, chia sẻ, chỉ bảo cho nó trước những điều nó vấp phải trong cuộc đời. Từ lúc nào người mẹ buông vòng tay và không còn mở ra lại lúc nó cần?

Đâu phải những đứa bé chỉ cần ăn, ngủ, học hành. Về mặt tâm sinh lý, người ta đã chỉ ra, đám trẻ bây giờ phát triển sớm hơn nhiều so với các thế hệ cha ông. Nó cũng bị tác động nhiều hơn bởi đời sống, và đặc biệt áp lực do những đòi hỏi của nhà trường, gia đình…

Trong một xã hội khác, đám trẻ sinh ra có những nhu cầu khác, tâm sinh lý cũng hoàn toàn khác. Rõ ràng người lớn đã thấy, trẻ con bây giờ sao phức tạp, nhiều người nói: quả là không thể hiểu!
 
Không thể hiểu và không chịu hiểu. Những đứa trẻ không còn tìm thấy nỗi khắng khít tâm giao nơi người mẹ là bởi vì thế. Đã xảy ra bao câu chuyện đau lòng khi đứa trẻ phản ứng tiêu cực: những đứa bé chỉ mười ba, mười lăm hay mười bảy tuổi tự tử bằng nhảy lầu, treo cổ, cả tự tử tập thể có để lại thư tuyệt mệnh!

Những người mẹ vật vã bên xác con khi ngẩng lên thường vẫn tự trách mình, tại vì mẹ không gần gũi con! Người mẹ đau đớn đứa con suy nghĩ nông cạn, đau đớn núm ruột đã bỏ mình ra đi, nhưng có lẽ ít người mẹ thực sự biết cách để giữ con, không chỉ là lúc thơ bé, mà cả cuộc đời con trong vòng tay yêu thương của mình.

Không phải chỉ là thiếu hiểu biết, phần nhiều người mẹ ngày nay cảm thấy không có thời gian dành cho con. Cuộc cách mạng giới bị hiểu một cách phiến diện đã đẩy phụ nữ đến mục tiêu bằng nam giới, như nam giới (thậm chí hơn) mà không hề giảm bớt đi các thiên chức phụ nữ đã khiến áp lực cuộc sống đối với người phụ nữ trở nên nặng nề.

Hãy nhìn hàng triệu bà mẹ Việt Nam đi làm kiếm tiền, lo học hành, thăng tiến, sự nghiệp. Để có được những con số thành tựu của cách mạng giới như gần 100% phụ nữ làm việc kiếm tiền, đóng góp 50% cho nền kinh tế, tham gia quản lý xã hội 30%... không ai nghĩ, người phụ nữ đã ít nhiều phải hy sinh đi gia đình và con cái họ.

Thử vẽ chân dung một bà mẹ hiện đại: sáng sớm đưa con đến trường, lao đầu làm việc, chiều tối ngừng công việc đi đón con, tối lên giường trong óc còn lẩn quất đầu tư gì, ở đâu, ngày mai xử lý công việc như thế nào.

Những bà mẹ đi làm về mệt nhoài chỉ giục con đi ngủ nhanh (có bà mẹ mệt quá ngủ trước cả con), con nghịch quá, hay rề rà một chút đã phát cáu (mẹ đi làm kiếm tiền nuôi con, sao con không thương mẹ, không chịu nghe lời mẹ), không có thời gian nấu cho con ăn (nhưng có tiền thuê giúp việc), không kể chuyện cho con nghe (đã có Smart Pen), không trò chuyện với con, không dạy con học (đã có gia sư, thầy dạy thêm).

Những bà mẹ nghèo thì mải mê cơm áo, trời sinh voi trời sinh cỏ, không hề biết đứa con có tâm tư, nó lớn lên cần mẹ như bầu bạn, như một điểm tựa.

Có những lệch lạc nơi con cái là vì chúng ta đã không biết cách yêu thương con. Nhưng không phải mấy ai cũng vượt qua được những thúc bách của đời sống để dành thời gian cho con.

Vì yêu thương cũng cần lắm thời gian. Cần sống chậm, để lắng nghe con, đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời dù chẳng hề có “đám cưới” nào như ước mong ngộ nghĩnh của đứa con thuở thiếu thời.
Chia sẻ