Khốn khổ với chuyện ngủ của con

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Sáng nay đến cơ quan, chị Minh bơ phờ vì đêm qua thức trắng “chiến đấu” với Tuti bởi cu cậu không chịu ngủ mà cứ khóc ngằn ngặt cả đêm.

1. Từ khi sinh ra đến giờ, Tuti đã ngủ ít hơn so với các bé khác khoảng 2-3 tiếng. Có lúc Tuti chỉ ngủ ngày, rất ít hoặc không thèm ngủ vào ban đêm. Giờ đã gần 9 tháng tuổi rồi mà Tuti cũng chỉ ngủ chưa đến 10 tiếng mỗi ngày thôi. Khoảng gần một tuần nay, mỗi đêm Tuti thức đến 3 lần, oái ăm là mỗi lần thức cu cậu lại khóc và đòi bế, nếu không thì khóc ngặt nghẽo khiến cả bố mẹ và bà nội gần như thức suốt đêm.

Trái ngược hẳn với Tuti, bé Nấm nhà chị Minh tuy mới 4 tháng tuổi nhưng đêm nào cũng ngủ thẳng giấc đến sáng và ngủ rất ngon. Chị Minh cho biết: “Hồi 3 tháng tuổi mỗi lần dỗ Nấm ngủ cũng cực kì khó, toàn vác trên vai đi tới đi lui, hát khan cả cổ, và đôi khi còn nằm trên người mẹ ngủ nữa. Nhưng nhờ tập cho con thói quen sinh hoạt, dần dần việc ăn ngủ của Nấm đi vào khuôn khổ nên mẹ rất nhàn”.

2. Nếu bé yêu nhà các mẹ cũng khó tính như Tuti và bé Nấm hồi 3 tháng tuổi, hãy tìm hiểu những nguyên nhân sau nhé:

- Bé có được tắm nắng đầy đủ không? Nếu không, mẹ có bổ sung D3 cho bé không? Vì thiếu vitamin D khiến bé đêm ngủ không ngon, hay vặn vẹo, trở mình.

- Kiểm tra xem chỗ ngủ của bé có sạch sẽ, thoáng mát, ánh sáng đã vừa chưa? Có yên tĩnh không?

- Trước khi đi ngủ bé có được bú no không? Nếu đói bé cũng hay thức và khóc, đôi khi rất khó ngủ lại.

- Giấc ngủ chiều của bé có gần với giờ ngủ tối không? Nếu quá gần thì bé cũng hay thức giữa đêm lắm hoặc ngủ rất muộn.

- Trước khi ngủ bé có chơi đùa hoặc hoạt động quá sức không?

- Thân thể bé có sạch sẽ hay chưa? Trước khi ngủ mẹ có thay tã, lau người, thay quần áo cho bé mát mẻ, sạch sẽ không?

- Nhiệt độ trong phòng quá cao hoặc quá thấp đều khiến bé không thoải mái. Những dấu hiệu cho thấy bé đang bị nóng: Đổ mồ hôi. Nổi rôm sảy. Nhịp thở nhanh. Tóc bị ẩm, bết lại.

- Bé không ngon giấc có thể do quần áo quá chật. Bạn cần kiểm tra xem những bộ quần áo ngủ có phù hợp với sự tăng trưởng của bé không?

- Và đôi khi, có vật nhỏ rất nhỏ thôi cũng khiến bé khó chịu; chẳng hạn, một sợi tóc rụng, vương ở ngón tay cũng làm bé bứt rứt.

3. Khi đã đảm bảo tất cả các yếu tố trên đều ổn, các mẹ hãy “thiết lập” một chế độ sinh hoạt điều độ cho con. Cùng tham khảo chế độ ăn, ngủ và sinh hoạt của mẹ bé Nấm nhé:

Chị Minh cho biết, buổi sáng bé Nấm thường thức dậy lúc khoảng 5h, tự nằm chơi một mình nhé. Sau đó đến khoảng 6h thì í é kêu để mọi mọi người chú ý. Khoảng 7h thì mẹ bế Nấm xuống dưới nhà tắm nắng. Đến 7h30 bé được ăn bột. Sau đó nằm chơi đến khoảng 9h30’ thì ngủ lại.

Nấm ngủ một mạch đến 11h30’ hoặc 12h thì dậy chơi với mẹ hoặc bà. Đến gần 13h Nấm được mẹ cho mum mum, sau đó lại chơi đến 15h thì tắm và ngủ. Đến 16h30’ hoặc 17h bé dậy và lại chơi, ăn.

Nếu tầm 19h bé muốn ngủ thì cha mẹ cố gắng chơi với con hoặc ẵm bé đi loanh quanh đến 20h30’ hoặc 21 mới cho bé vào giường nhé. Trước khi đến giờ bé ngủ, bạn nên chơi với bé nhưng nên nhớ là chỉ chơi những trò nhẹ nhàng như hát, nói chuyện... thôi nhé.

Sau đó cho bé uống ít sữa, không nên cho uống no nhé vì sẽ làm bé dễ bị đầy hơi, no quá dẫn đến khó ngủ.

Có thể áp dụng thêm cách massage lúc bé nằm để cho bé cảm thấy dễ chịu và dễ đi vào giấc ngủ. Khi bé chuẩn bị lim dim thì mẹ vỗ nhẹ nhẹ vào người để bé dễ ngủ hơn. Khoảng 12h dêm mẹ nên cho bé ăn thêm ít sữa, như vậy bé sẽ không bị đói và ngủ 1 mạch đến 5-6h sáng mà không hề thức giấc quấy rầy cha mẹ.

Chúc các mẹ thành công trong việc thiết lập chế độ sinh hoạt cho bé yêu như mẹ bé Nấm nhé!

Chia sẻ