Khổ sở vì con có tính thích đánh bạn

Hải Anh,
Chia sẻ

Tuy là con gái nhưng Sóc rất ương bướng. Bé chơi đồ chơi của bạn thì được, nhưng nếu bạn mà sờ vào đồ chơi của Sóc là bé đòi lại, bạn chưa kịp trả là đánh ngay.

Mẹ Sóc kể, sau lần bị ốm bỗng dưng con thay đổi hẳn tính tình. Từ một cô bé hiền lành trở nên đanh đá. Sóc hung dữ hơn, hay đánh, cấu véo bạn, cho dù bạn lớn hơn hoặc nhỏ hơn. Nếu bị bạn đánh lại thì Sóc khóc gào to lắm, hay ăn vạ, đòi cái gì mà không được cũng gào lên rồi lăn ra khóc. Bố mẹ hoặc bà có dạy dỗ, nói là con phải nói rõ ràng cho mẹ nghe con cần cái gì thì Sóc đánh, nhổ nước bọt. Nói tóm lại nếu không theo đúng ý là Sóc lăn ra ăn vạ gào khóc.

Đến lớp cô giáo cũng phản ánh tình trạng tương tự. Ở nhà chơi với trẻ con hàng xóm cũng thế. Sóc chơi đồ chơi của bạn thì được, nhưng nếu bạn mà sờ vào đồ chơi của Sóc là bé đòi lại, bạn chưa kịp trả là đánh ngay.

"Mình cũng đã dùng biện pháp nhỏ nhẹ, nịnh nọt rồi mà không ăn thua gì. Bắt cháu xin lỗi mẹ thì cháu nói không xin lỗi, còn đánh thì con gào khóc và vẫn ương bướng, không chịu làm theo lời mẹ yêu cầu. Bây giờ mình đang stress quá không biết xử lý con như thế nào? Có nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý không?", mẹ bé Sóc băn khoăn.

Nguyên nhân khiến bé hay đánh bạn

Có rất nhiều nguyên nhân làm trẻ hay đánh bạn, trong đó phần lớn là do các nguyên nhân liên quan đến gia đình.

- Do cách quản lí, giáo dục của cha mẹ quá nghiêm khắc, khiến sự bất mãn của trẻ ngày một tăng lên. Điều này làm nảy sinh thái độ phản ứng quyết liệt lại với cha mẹ và sau mỗi lần tỏ thái độ như vậy, trẻ lại bị cha mẹ quở mắng một cách nghiêm khắc hơn. Như vậy, mỗi khi có mâu thuẫn nhỏ với bạn, trẻ đều chút nỗi bực dọc đã bị dồn nén bấy lâu lên đầu các bạn khác.

- Do cha mẹ quá nuông chiều, tạo điều kiện cho khuynh hướng bạo lực ở trẻ phát triển. Trẻ lớn lên trong hoàn cảnh này, phần lớn chỉ dám dùng bạo lực với người trong gia đình.

- Do trẻ thiếu thốn tình thương yêu của cha mẹ.

- Do cá tính của cha mẹ thất thường, khiến không khí trong gia đình luôn căng thẳng. Ở hoàn cảnh này, trẻ có thể dùng bạo lực để tiêu trừ sự căng thẳng và bất an trong lòng. Cá tính thất thường của cha mẹ sẽ khiến khuynh hướng bạo lực của trẻ thêm nghiêm trọng.

- Do gia đình có thêm em bé. Khi trẻ cảm thấy tình yêu của cha mẹ dành cho mình bị giảm đi, chúng sẽ mượn hành vi bạo lực để khiến cha mẹ chú ý đến trẻ.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân từ môi trường bên ngoài tác động đến, khiến trẻ hư như: phim ảnh, truyền hình, báo chí và game bạo lực...

Cảm hóa hành vi bạo lực của con

Nên nhớ là, hành vi “bạo lực” ở bé chỉ mang tính chất bản năng, bé không có ý muốn tấn công hay gây hại cho người khác. Hiểu được cốt lõi của vấn đề, cha mẹ sẽ biết cách loại bỏ hành vi xấu ở bé.

Để bé hiểu được tác hại của hành vi này, cha mẹ có thể chọn lúc bé thoải mái để trò chuyện cùng bé. Thử hỏi bé xem “có chuyện gì đã xảy ra với con?”; sau đó, nên bình tĩnh nghe bé trình bày. Tiếp đến, lấy ví dụ cho bé hiểu: “Bây giờ mẹ sẽ đánh vào mông con xem sao nhé?”. Đánh nhẹ vào mông của bé, cha mẹ lại hỏi xem “con có bị đau không?”. Nếu bé trả lời “có”, nên giải thích cho bé hiểu, bé cảm thấy đau như thế nào thì người bạn của bé cũng có cảm giác như vậy.

Cha mẹ cũng nên để mắt khi các bé vui chơi cùng nhau để tránh hành vi “bạo lực”. Hướng dẫn các bé biết nhường nhịn nhau, chơi theo thứ tự, chờ đến lượt và nhanh chóng giải quyết những vụ tranh giành.

Khi bé có dấu hiệu chuẩn bị nổi nóng như lên giọng, mặt mũi khó chịu, nên nhanh chóng tách bé ra khỏi nhóm bạn chơi. Tuy nhiên, phương pháp này thường khó khăn vì không phải lúc nào cha mẹ cũng ở bên cạnh con.

Nếu con có biểu hiện đánh người khác, nên nghiêm giọng để bé hiểu đó là hành vi không được phép. Cha mẹ nên kiên quyết và kiên trì vì không thể chấm dứt ngay lập tức hành vi xấu ở bé.

Chia sẻ