Đừng để bé dùng nước mắt làm vũ khí

,
Chia sẻ

Nhiều bố mẹ rất sợ con khóc, thấy bé khóc là mủi lòng, đáp ứng ngay đòi hỏi của con. Điều đó vô tình dạy con rằng, “nếu thích gì, cứ khóc đi, con sẽ đạt được điều mình muốn”.

 
Mẹ nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên con khóc khi mẹ không đồng ý cho tổ chức một cuộc sinh nhật hoành tráng ở nhà hàng. Nhìn con vừa đẩy cửa vào phòng riêng vừa lau nước mắt, mẹ cứ muốn gọi con lại, thay đổi quyết định.

Mẹ biết, đây là một sinh nhật đáng nhớ để con giã từ thời học sinh phổ thông cơ sở, bước vào thời kỳ phổ thông trung học. Nhưng tổ chức một sinh nhật ở nhà với bữa cơm do bà và mẹ nấu, mẹ nghĩ cũng ấm cúng lắm chứ. Nghe mẹ nói vậy con chỉ biết phản ứng lại bằng tiếng khóc. Mẹ theo con vào phòng riêng, ôm con vào lòng thủ thỉ. Mẹ thấy thương con quá. Muốn những ngày sau này sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn nữa để bù đắp cho con, để con không còn phải buồn thế này.

Trước khi sang Singapore công tác, bố hứa sẽ mua cho con món quà đặc biệt. Công việc gấp rút mãi hôm về, nhìn thấy con ở sân bay, bố mới nhớ ra lời hứa chưa kịp thực hiện. Bố vừa nói lời xin lỗi thì con quay mặt đi, òa khóc. Taxi đến trung tâm thành phố, bố bảo dừng lại, cả gia đình cùng đi chọn quà cho con.

Những giọt nước mắt của con quả có sức mạnh lay động trái tim bố, mẹ. Mỗi lần con khóc, bố, mẹ lại cuống quýt, muốn làm ngay việc gì đó để ngăn dòng nước mắt. Hình như con cũng ý thức được việc này nên càng về sau, mỗi khi không được thỏa mãn chuyện gì, con... lại khóc. Bố mẹ đi làm về muộn, khóc. Bố hứa dẫn đi xem phim, trời mưa không đi được, khóc. Bà mắng, khóc. Không mua được chiếc áo yêu thích, khóc... Cùng những tiếng khóc là những lời buộc tội: “Bố không hiểu con”, “Mẹ không thương con”, “Bà ghét con”... khiến cả nhà vô cùng lúng túng, không biết dỗ dành, giải thích thế nào cho con hiểu.

Đến một ngày, mọi người nhận ra khóc chính là vũ khí của con.

Con đã lạm dụng những giọt nước mắt đến nỗi mỗi lần thấy con quay mặt đi, hai mắt đỏ hoe, là ai nấy đều... sợ. Không phải bà và bố mẹ không yêu thương con nữa, không muốn chiều chuộng con nữa, nhưng những nức nở của con đã trở thành áp lực với mọi người.

Con gái à, mít ướt một chút có khi lại đáng yêu, nhưng quá nhiều sẽ gây cảm giác mệt mỏi cho những người xung quanh. Nếu con không điều chỉnh lại, nó sẽ là cản trở với con mai này ra đời, bước vào cuộc sống tự lập. Cuộc sống vốn nhiều khó khăn, dùng nước mắt chỉ làm mọi người thương hại chứ không giải quyết được gì đâu. Giọt nước mắt chỉ có ý nghĩa khi rơi đúng lúc... Mạnh mẽ lên con nhé!
 

Bé con nhà bạn đã bao giờ dùng nước mắt để vòi vĩnh, "uy hiếp" bố mẹ chưa? Bạn đã xử trí với bé như thế nào? Hãy chia sẻ với độc giả aFamily bằng cách "Gửi ý kiến" ở cuối mỗi bài hoặc bấm vào đây nhé!

 
Theo Phụ nữ online
Chia sẻ