"Đọc" bệnh khi bé chảy nước mũi

Hoàng My,
Chia sẻ

Cha mẹ có thể phán đoán nguyên nhân chảy nước mũi ở bé, dựa trên những dấu hiệu khác đi kèm. Tuy nhiên, Để biết chính xác bé mắc chứng bệnh nào, bé phải được đi khám và tuân theo kết luận cuối cùng của bác sĩ.

1. Chảy nước mũi kèm hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể, có thể có sốt.

Nguyên nhân: Có thể do cảm lạnh.

Các chăm sóc khi bé bị cảm lạnh:

- Luôn có sẵn các vật dụng y tế cần thiết cho bệnh cảm lạnh trong tủ thuốc gia đình: nước muối sinh lý để nhỏ mũi, dụng cụ hút mũi, thuốc hạ sốt, nhiệt kế, máy tạo độ ẩm.

- Nếu con bạn còn quá bé, dưới 3 tháng tuổi, hãy gọi cho bác sĩ khi có dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh, chẳng hạn như chảy nước mũi, ho, hoặc sốt.

- Đối với trẻ lớn hơn, bạn nên gọi cho bác sĩ nếu bé bị sốt cao, mất nước, ngày càng ho nặng hoặc khó thở, hoặc các triệu chứng nhẹ nhưng kéo dài hơn một tuần.



- Giúp em bé của bạn hít thở dễ dàng bằng cách sử dụng nước nhỏ mũi để vệ sinh bên trong mũi, và dùng các thiết bị hút mũi khác để làm sạch dịch nhầy từ mũi nghẹt của bé.

- Khi bé bị nghẹt mũi, tư thế ngủ tốt cho bé là phần đầu được nâng cao lên một chút. Hãy đặt thêm khăn dưới gối của bé để chỉnh độ cao phù hợp cải thiện giấc ngủ cho bé trong khi bị cảm lạnh.

 - Các mẹ nên cho bé bú sữa nhiều hơn, uống nước nhiều hơn khi bé bị cảm lạnh.

- Trong khi chữa cảm lạnh cho bé, mẹ cũng phải chú ý đến việc tự bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm vi trùng từ bé hay ngược lại.

2. Chảy nước mũi, kèm ho, sốt cao (có khi trên 38ºC); bị tiêu chảy, nôn trớ, mất cảm giác thèm ăn.

Nguyên nhân: Có thể do cảm cúm. Cảm cúm thường xảy ra từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm.

Chăm sóc khi bé bị cảm cúm:

- Có chế độ ăn uống tăng sức đề kháng: Nên cho con bạn ăn những thực phẩm dễ tiêu, tránh các món có nhiều dầu mỡ. Nên dùng thức ăn có nhiều khoáng chất và vitamin để tăng sức đề kháng (nhất là các loại súp, trái cây, rau quả...).

- Cho trẻ uống nhiều nước nếu con bạn bị sốt; khi đó, cơ thể cần nhiều nước hơn. Nên cho uống nước chanh ấm, trà mật ong (với bé lớn); không được uống nước lạnh hoặc những thức uống gây kích thích.

- Giữ yên tĩnh để trẻ có thể nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn. Sau những giấc ngủ sâu, con bạn sẽ có sức lực chiến đấu với virus cúm và mau lành bệnh.



3. Chảy nước mũi, kèm hắt hơi, mắt bị ngứa và chảy nước. Có thể bị ho.

Nguyên nhân: Có thể do dị ứng.

Chăm sóc khi bé bị dị ứng: cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây dị ứng và có cách chăm sóc, chữa trị kịp thời.

4. Chảy nước mũi, kèm ho liên tục (cả ngày và đêm). Đau ở xương gò má hoặc một bên mũi. Sốt nhẹ

Nguyên nhân: Có thể do viêm xoang.

Chăm sóc khi bé bị viêm xoang:

Vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ. Đây là một việc làm thường xuyên của các bà mẹ, các cô nuôi dạy trẻ, bảo mẫu. Việc làm này tuy đơn giản nhưng rất có ích trong việc ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp và bệnh về tai, mũi, họng.

5. Chảy nước mũi ở một bên mũi. Đôi khi, dịch mũi tiết mùi khó chịu.

Nguyên nhân: Có thể do dị vật nằm trong mũi.

Bạn nên đưa bé đi gặp bác sĩ ngay.



Chia sẻ