Đồ chơi cho trẻ - chuyện không hề nhỏ

,
Chia sẻ

Thị trường đồ chơi đang rất nhộn nhịp. Bên cạnh những đồ chơi có ích vẫn ẩn chứa những nỗi niềm bởi vẫn có những đồ chơi độc hại, kích động.

 
Ngày Quốc tế thiếu nhi đúng vào dịp các em học sinh vừa kết thúc năm học mới. Đây cũng là dịp các bậc phụ huynh thường lựa chọn những đồ chơi mà trẻ ưa thích nhất để động viên, khuyến khích kết quả, thành tích của con em mình sau một năm học tập.

Vậy là các hộ kinh doanh được dịp tung ra thị trường những loại đồ chơi vừa phong phú về hình thức lại đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng.

Thường ngày, gia đình chị Huệ (phường Phương Lâm - TP. Hòa Bình) kinh doanh bánh kẹo, bia rượu, thuốc lá. Chuẩn bị đến ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, quầy hàng của chị bổ sung thêm mặt hàng đồ chơi trẻ em.

Đó là những con búp bê, con giống có nhiều hình dáng ngộ nghĩnh, mới lạ, hấp dẫn như siêu nhân, chim công, mèo, gà, chó, vịt.

Chỉ vào sạp xếp hàng đồ chơi trẻ em, chị Huệ cho biết: Đồ chơi do Trung Quốc sản xuất chiếm tới 90%, giá khá rẻ, kiểu dáng đẹp. Đồ chơi trong nước sản xuất đơn điệu về kiểu dáng, nghèo nàn cả về chất liệu và hình thức, tuy giá rẻ hơn hàng nhập nhưng lại nhanh hỏng nên không thể cạnh tranh với đồ chơi của Trung Quốc.

Không riêng gì hàng bán đồ chơi của gia đình chị Huệ mà tất cả hàng bán đồ chơi trên thị trường đều ở trong tình trạng tương tự.

Khi công nghệ sản xuất ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, các nhà thiết kế, sản xuất đồ chơi trong và ngoài nước đã quan tâm đến nhu cầu của trẻ em.

Trong thực tế nhiều đồ chơi truyền thống và nhiều loại đồ chơi mới có tác dụng giúp trẻ em tiếp cận với các công nghệ hiện đại để "Học mà chơi, chơi mà học" như đồ chơi xếp hình giúp trẻ em làm quen với con số, chữ cái, nhận biết được sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Hộp rubic kích thích trí thông minh, nhanh nhạy của trẻ. Bộ đồ nấu nướng giúp trẻ làm quen với công việc bếp núc...

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều loại đồ chơi đồ chơi độc hại, kích động bạo lực và những thói hư, tật xấu cho trẻ em. Đến các hàng đồ chơi trẻ em ở bất cứ đâu chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy những xe tăng, súng, cung, đao, kiếm được bày bán công khai.

Không ít hàng còn lén lút nhập và bán những đồ chơi gây nổ và có thể gây sát thương như các loại pháo, những khẩu súng, những chiếc cung bắn được đạn nhựa, bắn được tên hoặc những đồ chơi có hình thù quái dị, xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Từ một cậu bé lành lặn, cháu Nguyễn Mạnh Quang ở phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) trở thành trẻ khuyết tật do bị hỏng một mắt.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, bố cháu Quang đau xót kể: 1/6 năm ngoái, cháu cứ nằng nặc đòi mua súng bắn được đạn nhựa để cùng các bạn chơi trận giả. Ai ngờ thứ đồ chơi quái ác đó đã cướp mất mắt trái của cháu. Tôi rất ân hận khi mình chiều con không phải lối và mong muốn đây là bài học cho những ông bố, bà mẹ khác...

Ngày Tết thiếu nhi, trẻ em khắp nơi tràn ngập niềm vui, tưng bừng trong lời ca, điệu múa. Đó là nguồn động viên, khích lệ để các em học tập, rèn luyện trở thành "con ngoan - trò giỏi". Để có được niềm vui trọn vẹn cho các em, đó là trách nhiệm và tình cảm của gia đình, nhà trường và xã hội.
 
 
TTXVN
Chia sẻ