Đau đầu vì con hay quấy khóc

,
Chia sẻ

Bé Bon 7 tháng tuổi, cháu nặng 8,2 kg, cao 73 cm. Cháu ăn ngủ bình thường nhưng rất hay quấy khóc, lâu nín (ngày cũng như đêm), cả nhà dỗ cháu rất khó khăn.

Việc cháu khóc hàng ngày khiến cả nhà tôi rất sót ruột và đau đầu. Xin hỏi cháu có mắc bệnh gì không? Có cách nào có thể dỗ trẻ nhũ nhi nhanh nín khóc?

Đinh Thu Phương (Hà Nội)

Trả lời:

Việc trẻ nhũ nhi quấy khóc khiến các bà mẹ vô cùng đau đầu, trường hợp của bé Bon con chị Phương không phải là ngoại lệ. Có những trẻ chỉ quấy khóc về đêm làm cả gia đình mất ngủ, stress kéo dài, có trẻ quấy khóc cả ngày lẫn đêm.

Việc trẻ quấy khóc có những lý do thông thường như trẻ đói, trẻ khó chịu vì bỉm ướt... nhưng cũng có lý do bất thường như trẻ ốm, trẻ bị đau... Như vậy tiếng khóc của trẻ nhũ nhi cũng có ích lợi là tín hiệu giao tiếp với bố mẹ, buộc bố mẹ phải để mắt, quan tâm đến trẻ. Vì vậy, chị không nên quá lo lắng việc con khóc mà nên bình tĩnh thích nghi và tìm ra cách thức dỗ con nhanh nín khóc.

Khi trẻ lớn, cùng với sự dạy dỗ của bố mẹ thì thói quen quấy khóc cũng sẽ mất dần. Để xử trí khi con quấy khóc, chị Phương và các mẹ có thể tham khảo bài viết “ Bảy lý do trẻ nhũ nhi khóc và cách dỗ” của bác sỹ Nguyễn Minh Tiến (Bệnh viện Nhi đồng I):

Những nguyên nhân thông thường:

1. Trẻ đói: Khi trẻ khóc, điều đầu tiên xem trẻ có đói không? Thức ăn không làm trẻ ngưng khóc ngay do đó để cho trẻ ăn đến no, khi đó trẻ sẽ hết khóc.

2. Tã ướt hoặc dơ: Một số trẻ sẽ khóc khi tã dơ gây khó chịu cho trẻ. Do đó, cần chú ý thay tã trẻ: trẻ thích ấm và thoải mái.

3. Quá lạnh hoặc quá nóng: Trẻ thích được ủ ấm (như là quy luật lúc nằm trong dạ con của mẹ). Khi trẻ cảm thấy lạnh, trẻ sẽ khóc và ngưng khóc khi được thay tã và ủ ấm. Đôi khi quấn nhiều đồ cho trẻ, dễ gây nóng quá, trẻ cũng khóc. Tùy theo điều kiện thời tiết, bạn sẽ mặc đồ và quấn ấm cho trẻ thích hợp.

4. Trẻ đòi bế: Trẻ thích được nâng niu, nhìn mặt bố mẹ, lắng nghe giọng nói, nhịp tim của mẹ thậm chí thích mùi của mẹ (đặc biệt mùi sữa mẹ). Sau khi được cho ăn và ợ hơi trẻ thường thích được bồng. Bạn tự hỏi làm như vậy sẽ làm hư trẻ ? Tuy nhiên điều này, chỉ xảy ra trong vài tháng đầu của cuộc sống trẻ.

5. Trẻ bị quá tải hoạt động: Bạn sẽ thấy trẻ khóc lâu hơn bình thường sau khi đi nghỉ mát với nhiều thành viên trong gia đình. Trẻ cũng có những khoảng thời gian khóc không rõ lý do. Có lẽ trẻ đã nhận nhiều kích thích như ánh sáng, tiếng ồn, nhiều người bồng bế và trở nên quá tải với nhiều hoạt động. Có thể giữ yên trẻ và để dưới quạt thoáng hoặc cho trẻ nằm ngủ.

6. Trẻ không được khoẻ: Trẻ quấy khóc, cào nhào. Bạn cho ăn và kiểm tra trẻ có khỏe không ? Trẻ vẫn khóc, thân nhiệt bình thường hoặc sốt, tiếng khóc của trẻ bệnh khác với tiếng khóc bình thường, trẻ khóc thét có thể đau bụng (lồng ruột), có thể nhức đầu (xuất huyết não) hoặc cơn khóc dạ đề (khóc đêm) do hạ calci máu. Đôi khi trẻ khóc do côn trùng cắn (kiến, bọ chét). Cần đưa trẻ đi bác sĩ.

7. Không phải các nguyên nhân trên: Có thể cơn khóc co thắt (colic) được định nghĩa là khóc không dỗ được nhất 3 giờ/ ngày và ít nhất 3 ngày/ tuần.

Những biện pháp cần làm để dỗ trẻ:

- Giữ ấm trẻ, nhưng không quấn kín.

- Cho trẻ nghe nhạc nhẹ, bởi vì trẻ thường nghe nhịp tim của mẹ hoặc nghe những bài hát ru.

- Cho trẻ hoạt động: thường để trong chiếc xe tập đi, có khi để trên một chiếc ghế hoặc võng lắc tần số 60 – 100 lần/phút

- Đôi khi gãi lưng hoặc xoa bụng để vỗ trẻ đặc biệt ở trẻ có đánh hơi, đau bụng.

Cha mẹ nên chú ý rằng không có trẻ nào khóc mà chết, nhưng trẻ khóc có thể làm khó chịu cho những cặp vợ chồng trẻ. Bạn sẽ mất ngủ và cơ thể không đảm bảo chăm sóc trẻ. Nếu bạn biết nhu cầu của trẻ được đáp ứng và bạn cố gắng dỗ trẻ nhưng trẻ vẫn khóc và trẻ không có vấn đề nghiêm trọng cần đi bác sĩ (nguyên nhân 6). Bạn hãy hành động:

- Đặt trẻ xuống và để cho trẻ khóc một thời gian.

- Gọi điện cho một người bạn hay người thân xin lời khuyên.

- Bạn hãy nghĩ ngơi một giây lát, để người khác chăm sóc

- Mở nhạc nhẹ để khuây khỏa. Hít một hơi thật sâu.

- Bạn hãy nhớ rằng, không có vấn đề gì đối với trẻ và việc khóc không làm tổn hại đến trẻ.

- Bạn hãy tự nhắc nhở mình: trẻ sẽ tự vượt qua giai đoạn này.

Lan Anh

(Tổng hợp)

Chia sẻ