Con "mè nheo": Nên dỗ dành hay để tự nín?

,
Chia sẻ

Tối nào hàng xóm cũng nghe thấy bé Na, con vợ chồng chị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) khóc lóc, nhì nhèo. Đi làm về đã mệt, con lại như vậy khiến chị Huyền thấy bực bội vô cùng.

Chị Huyền cho biết, cô con gái gần 3 tuổi của chị mới tháng trước còn rất ngoan. Bé ở nhà với bà nội, mẹ về đến nhà là nhào ra cửa đón, tíu tít chuyện trò, hát hò. Vậy mà, vài tuần trở lại đây, bé rất hay khóc nhè. Buổi sáng mở mắt ra là bé đã khóc, rồi sau đó cứ phụng phịu, nhõng nhẽo đến tận khi mẹ đi làm.

"Buổi tối về nhà lại thấy con lặp lại điệp khúc. Bé nói với mẹ bằng giọng ướt nhèm, đòi cái gì không được là mếu, nhiều khi mình cũng chả hiểu lý do vì sao con khóc. Có lúc mình cáu phát điên lên và cảm thấy bất lực với con", chị Huyền tâm sự.

Theo tâm lý lứa tuổi, có những giai đoạn bé rất hay khóc. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Cũng chung hoàn cảnh này, chị Liên (Thanh Oai, Hà Nội) cảm thấy stress vô cùng vì đã sẵn mệt mỏi do mang bầu bé thứ hai.

Chị kể, khoảng hơn một tuần nay, cứ ngủ dậy là cậu con trai hơn hai tuổi của chị khóc. Đầu tiên, bé thức dậy và cứ thế nằm trên giường nỉ non, mẹ dỗ dành thế nào cũng không nín. Sau đó, mẹ cho đi tè, rửa mặt, hay đánh răng, uống nước, thay quần áo... cu cậu cũng lại kiếm cớ, vòi vĩnh cái này cái kia và khóc tiếp.

"Sáng nào cũng như sáng nào, nhà mình cứ như có chiến tranh, om tỏi hết cả lên. Còn thì cứ ì èo, nức nở, bố mẹ thì hết dỗ dành đến dọa dẫm, thậm chí tét mông nhưng vẫn chẳng ăn thua. Mà không phải những ngày phải đến trường bé mới thế, những hôm được nghỉ con cũng không ngoan hơn. Ở nhà với con mà mình thấy như bị đi đày", chị Liên thổ lộ.

Cũng như chị Liên, chị Huyền, có rất nhiều bà mẹ trẻ phải đau đầu khi bỗng nhiên con trở nên hay khóc lóc, nhõng nhẽo.

Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia tâm lý trẻ em, Trường mầm non Hoàng Gia (Hà Nội) cho biết, mè nheo, hay khóc... là hiện tượng khá phổ biến ở các bé 2- 3 tuổi. Theo bà, đó là một trong những đặc trưng tâm lý bình thường. Ở độ tuổi này, mỗi trẻ biểu hiện sự "khủng hoảng" lứa tuổi một cách khác nhau, bé thì hay nhõng nhẽo, khóc lóc, trẻ khác thì hay ăn vạ, bướng bỉnh, hay có em lại thường xuyên ném đồ, đánh người khác... Tuy nhiên, sự tăng, hay giảm hiện tượng này đều do người lớn có vô tình củng cố các hành vi đó hay không.

Bà Thoa lý giải, trẻ hay khóc, mè nheo để đạt được một mục đích nào đó, hay có thể chỉ vì muốn được bố mẹ chú ý, quan tâm hơn. Vào lứa tuổi này, các bé chưa có khả năng thuyết phục người lớn để thỏa mãn những nhu cầu của mình. Và để đạt được ý muốn, chúng sẽ thể hiện bằng bản năng của một đứa trẻ: khóc lóc để có người dỗ và có được cái chúng muốn.

Nhiều khi, trẻ hay khóc, nhõng nhẽo chỉ vì lý do sức khỏe. Những khi thay đổi thời tiết, bé cảm thấy khó chịu, không được khỏe hay những lúc ngái ngủ khi mới thức dậy vào buổi trưa, sáng... bé cũng hay thực hiện hành vi này.

Khi thấy con khóc dai, bố mẹ thường sốt ruột, bực bội vì không biết trẻ muốn gì hoặc đôi khi biết cái con đòi hỏi nhưng không thể thỏa mãn được.

"Để tránh con có biểu hiện này, đầu tiên các bậc phụ huynh phải học tính kiềm chế. Hãy bình tĩnh và cố gắng ngăn chặn cơn mè nheo từ trước khi nó xảy ra", chuyên gia tâm lý trẻ em khuyên.

Bà cho rằng, khi đã để trẻ "vào cơn" thì sẽ rất khó dỗ cho bé nín. Nhiều người cố tìm mọi cách từ chiều theo đòi hỏi của con, đến hù dọa, thậm chí đánh con để bé thôi khóc, và sau đó cố gắng giải thích để con biết làm như thế là sai rồi yên lòng khi thấy bé hứa hẹn "con biết rồi, lần sau con không thế nữa". Nhưng chỉ một lúc sau, họ sẽ lại nổi nóng bởi bé tiếp tục thói nhõng nhẽo của mình. Và lúc đó "kịch bản" cũ sẽ lặp lại gây bức bối, ức chế cho cả mẹ lẫn con.
 
Bố mẹ càng tỏ ra sốt sắng dỗ dành, bé sẽ càng khóc to hơn

"Bởi thế, tốt nhất, khi thấy con chuẩn bị mè nheo, hãy làm những động tác vui vẻ như làm hề, pha trò, đùa, cù bé... hay lái sang một câu chuyện hấp dẫn để bé quên ngay 'ý đồ' của mình. Sau đó, lúc con bình tĩnh lại, bạn có thể trò chuyện với con về hành vi không tốt đó, có thể kể cho bé nghe một câu chuyện trong đó có những nhân vật có hành động tương tự hoặc cho con chơi trò đóng vai trong các tình huống đó", tiến sĩ Thoa chia sẻ.

Nhiều phụ huynh lúng túng nhất khi rơi vào tình huống giữa chỗ đông người mà con ăn vạ. Theo chuyên gia giáo dục, lúc này, bạn nên xin lỗi mọi người xung quanh rồi bế bé ra khỏi chỗ đó và bắt đầu lại quá trình ứng xử như trên.

Bà cho biết, để giúp con nhanh chóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng và chấm dứt hẳn những hành vi không hay, bố mẹ cần quan tâm đến con hơn, cùng chơi với con, cho con vui chơi thật nhiều, đồng thời hãy giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ để biết diễn đạt những điều mình muốn.

Chị Hải Xuân (Từ Liêm, Hà Nội) từng stress vì có cô con gái hay mè nheo, khóc lóc, đã rút ra bài học: "Mình nghiệm ra là khi mình càng cáu hay càng sốt sắng thì con càng khóc to và khóc dai hơn, còn mình cứ tỏ ra bình thản như không hoặc đi ra chỗ khác thì có khi một lúc bé tự nín". Chị cho biết, mỗi lúc con chuẩn bị mè nheo, chị cũng cố gắng đoán xem bé đang cần gì rồi diễn đạt lại.

"Mình cũng dạy con khi muốn mẹ bế, hay muốn gì thì hãy nói với mẹ là thế này, thế kia... chứ đừng khóc, không là mẹ sẽ buồn lắm. Hai mẹ con cũng hay đọc sách, kể chuyện và chơi đóng kịch với nhau. Nhờ vậy mà bây giờ con gái mình ngoan lại và nói năng rất lưu loát", chị Xuân chia sẻ.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ