Con hư, phó mặc cho cô giáo

,
Chia sẻ

Được chiều, cu Bin, 3 tuổi rất bướng bỉnh, hay ăn vạ. Bố mẹ Bin biết đây là hậu quả của việc quá buông lỏng con nhưng tặc lưỡi, "mấy tháng nữa cho đi học thì lại ngoan ngay".

Có hai cô con gái rồi mới sinh được Bin nên bố mẹ cưng cậu con trai này lắm. Bin thích gì cũng chiều, không bao giờ mắng mỏ gì. Bin từng đập vỡ vài chiếc điện thoại của bố, hỏng máy tính của mẹ và tranh giành mọi thứ với hai chị gái. Bây giờ, nếu bị người lớn mắng thì lập tức Bin ngườm lại, hét lên, thậm chí đánh vào mặt người đó, kể cả bà, bố, mẹ hay khách đến nhà.

Bố mẹ Bin giờ bất lực với con trai, đang đợi vào năm học mới sẽ gửi cậu bé vào trường mầm non, nhờ các cô giáo dạy dỗ.

Cũng với tâm lý này, bố mẹ cháu Toàn, (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đến cự nự giáo viên mần non khi thấy con vẫn tính nào tật nấy sau hai tháng đi lớp.

Anh chị kinh doanh mấy nhà hàng trong thành phố nên thường bận bịu tối ngày. Toàn ở nhà chơi tha thẩn với người giúp việc và các nhân viên phục vụ quán. Cậu bé rất thông minh nên nhanh chóng bắt chước lối nói bậy của những người này và sớm tỏ ra là cậu chủ nhỏ khi thích gì là sai người khác làm cho.

Ảnh:
Đến lớp, học những điều hay cùng các bạn cũng khiến trẻ dễ đi vào nề nếp hơn. Ảnh: Truonghoanggia.vn.

Bố mẹ Toàn thấy con như vậy cũng không để ý và nghĩ thôi thì cứ gửi nó đi lớp cho các cô rèn.

Và quả thật, trách nhiệm nặng nề được dồn lên vai các cô giáo đầu tiên dạy Toàn. Đến lớp, Toàn hay lăn ra ăn vạ rồi đánh, chửi các bạn trong lớp và thường xuyên nói tục. Khi bị cô giáo phê bình, Toàn không nghe mà còn quát lại "lắm chuyện", "đừng có vớ vẩn"...

Phải mất một thời gian dài, rất vất vả, với đủ các hình thức từ khuyến khích, động viên đến kỷ luật, các cô giáo mới có thể giúp Toàn đi vào nề nếp và bỏ các thói quen xấu.

Cô giáo Vũ Hồng Chinh, hiệu trưởng trường mầm non DreamKite, Hà Nội cho biết, hiện nay, đa số phụ huynh đều rất quan tâm đến con từ lúc mới sinh và khi gửi trẻ đến lớp họ luôn chủ động hỏi về tình tình của con, nhờ cô giáo tư vấn cách dạy con ở nhà. Tuy nhiên, cũng không ít bố mẹ thiếu quan tâm đến trẻ, phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường. Có cháu đi lớp cả năm mà cô giáo không thể nào gặp được bố mẹ vì chỉ có người giúp việc đưa đón cháu, nhật ký hoạt động của trẻ gửi về nhà cũng chẳng thấy phản hồi gì.

Thậm chí, một số gia đình, khi biết con có vấn đề, không chủ động giúp con, dạy con mà đẩy lại trách nhiệm cho cô giáo.

Trường hợp của bé Kẹo (Hoàng Mai, Hà Nội) là một điển hình. Mẹ bé đưa con đi lớp khi Kẹo được 2 tuổi và chỉ nói với cô giáo là Kẹo chậm nói, lười ăn, nhờ cô để ý. Nhận bé được 10 ngày, cô giáo phát hiện Kẹo có vấn đề thực sự với các biểu hiện như gọi không thưa, không phản ứng, chẳng nói được từ nào, khi muốn gì hoặc không vừa ý là kêu gào ầm ĩ, muốn ăn gì là xông vào bốc...

Lúc này, khi cô giáo hỏi tới thì mẹ Kẹo mới thú thực, tất cả các biểu hiện trên chị đều biết nhưng sợ nói ra thì con không được nhận nên giấu nhẹm. "Em cũng chẳng biết làm thế nào để dạy cháu, tất cả nhờ cô giáo", chị bày tỏ.

Theo lời kể của mẹ Kẹo thì anh chị đều là trí thức, công việc rất bận rộn nên tối về nhà cũng ít quan tâm đến con, chỉ biết mua đồ chơi cho bé. Kẹo ở nhà với ông bà nội. Bố mẹ chồng vốn không ưa con dâu nên cũng chẳng quan tâm nhiều đến cháu. Suốt ngày Kẹo chỉ ngồi trong nhà xem TV và nghịch đồ chơi. Hơn nữa, khi Kẹo mới được một tuổi thì mẹ lại có bầu nên cháu càng ít được để ý.

Gần đây, thấy con có biểu hiện khác lạ, mẹ cháu mới giật mình nhưng cũng không biết làm thế nào nên đành gửi con đến lớp để nhờ các cô giáo dạy.

Đây là một trường hợp mà các cô giáo ở trường DreamKite rất nhớ vì họ đã rất vất vả với cháu. Bố mẹ cháu nghĩ rằng con bị tự kỷ nhưng không phải. Bởi thực tế, chỉ sau vài tháng đến trường, kết hợp với việc bố mẹ cháu quan tâm hơn khi ở nhà sau khi được cô giáo tư vấn, Kẹo đã tiến bộ nhanh chóng, nói được, vui vẻ và biết chào hỏi, ăn uống rất vệ sinh.

Theo cô giáo Chinh, với bất kỳ trẻ nào, thời gian đầu đến lớp, các cô giáo cũng phải nỗ lực rất nhiều để giúp trẻ làm quen với môi trường mới và đi vào nề nếp tốt. Với các em vốn có nhiều thói quen xấu do gia đình không chú ý giáo dục thì việc này còn khó gấp nhiều lần, chưa kể, những thói này có khi còn ảnh hưởng đến những trẻ khác.

Cô Chinh cũng khẳng định, đúng là đến lớp, khi được các cô giáo dạy dỗ bằng phương pháp sư phạm, được rèn vào quy củ cùng các bạn khác, đa số trẻ sau một thời gian sẽ tiến bộ, ngoan hơn, biết cách cư xử tốt với mọi người xung quanh. Nhưng đó là khi trẻ được gửi vào các trường mầm non tốt, còn hiện nay, có không ít trường chưa đảm bảo chất lượng, các cháu quá đông thì cô giáo không thể sát sao tới từng cháu được.

Hơn nữa, với trẻ mầm non, môi trường giáo dục gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng. Hiệu quả giáo dục sẽ không thể cao khi chỉ có cô giáo dạy tốt mà gia đình buông lỏng hay thiếu quan tâm đến con. Ngoài ra, thường các cháu đến lớp khi 2-3 tuổi trở lên, trong khi việc giáo dục các thói quen, hành vi phải bắt đầu từ sớm hơn.

"Các bậc phụ huynh nên quan tâm và rèn luyện những thói quen tốt cho trẻ từ khi còn nhỏ. Lúc đã gửi bé đi lớp cũng nên thường xuyên trao đổi trực tiếp với cô giáo để việc dạy dỗ các cháu được hiệu quả nhất", cô Chinh bày tỏ.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ