Con ghét mẹ sinh em bé!

Hải Minh,
Chia sẻ

Mỗi khi mẹ cho em bú là "chị Hai" khóc đòi bế, vẻ mặt rất buồn. Khi mẹ ru em ngủ, chơi với em thì bé mè nheo, thậm chí có biểu hiện ghét em, giành đồ chơi của em.

Khi Múp được hơn 2 tuổi thì mẹ sinh em bé. Trước đây Múp được ba mẹ và ông bà cưng chiều lắm, nhưng từ ngày có em thì Múp thường xuyên bị mắng. Không chịu ăn cơm - mắng, không nhường đồ chơi cho em - mắng, nói chung Múp bị mắng hoài. Từ đó, Múp sinh ra tính xấu, hay cấu và cắn em Tuti vì lúc nào em cũng được mọi người bênh. Đã thế khách đến nhà chơi ai cũng khen em xinh, rồi mua đủ thứ quà cho em mà không thèm để ý đến Múp. Không những thế, mọi người trong nhà ai cũng có điệp khúc: "Phải nhường em, phải nhường em" khiến Múp cảm thấy mình không còn được cưng chiều và như bị bỏ rơi.

Mỗi khi mẹ cho em bú là "chị Hai" khóc đòi mẹ bế hoặc vẻ mặt bé rất buồn. Khi mẹ ru em ngủ, chơi với em… thì bé mè nheo, thậm chí có biểu hiện ghét em, giành đồ chơi của em. "Dù lúc em bé ngủ là tôi dành hết thời gian chơi với bé lớn, nhưng bé vẫn ganh tị với em", mẹ Múp nói.

Còn bé Xù (4 tuổi) thì không cho phép ai được bế em. Anh lớn mà nhìn thấy ai bế em thì gào khóc. Có lần Xù gào khóc kinh quá, mẹ mặc kệ thì Xù khóc thét đến viêm phế quản, sốt mất 3 hôm liền, làm mẹ hoảng hồn. Nếu làm gì sai mà bị mẹ mắng, Xù sẽ tìm cách đổ lỗi: “Tại em đấy. Không phải con”. Rồi những lúc hai anh em tranh nhau đồ chơi thì cả nhà náo loạn cả lên. Em Mít còn nhỏ cứ thấy anh chơi trò gì là sà tới hòng... phá đám hoặc ít nhất là đòi chơi cùng. Anh Xù tuy lớn nhưng lại không chịu nhường em. Thế nên dù đã bị ăn đòn vài lần nhưng vẫn không chừa.

Có lần vì trót đánh em khi Mít đòi đồ chơi, mẹ đã đánh anh Xù rõ đau. Tức khí, Xu hét to: "Con ghét em, con ghét ba mẹ. Mẹ cho em về bà ngoại nuôi đi".

Giải quyết xung đột giữa các con

Xung đột, tranh giành giữa các anh chị em trong nhà là điều rất bình thường. Cuộc tranh giành càng “khốc liệt” hơn giữa chị và em gái, anh và em trai, nhất là khi không chênh nhau nhiều tuổi. Nếu cha mẹ không khéo giải quyết có thể khiến bé bị rối nhiễu tâm lý. Một số bé trở nên tham lam, ích kỷ, cục cằn.

Dưới đây là một số gợi ý giúp cha mẹ giải quyết mâu thuẫn giữa các bé:

- Cho con tham gia chăm em bé cùng mẹ: nhờ bé giúp những việc nho nhỏ như lấy tã cho bé, chuẩn bị đồ tắm cho em…

- Tạo trò chơi giữa anh/chị và em bé: cho bé lắc lục lạc, đung đưa bóng bay cho em chơi. Khi thấy em cười hãy khen con đã biết dỗ em…

- Khuyến khích, động viên, khen ngợi vai trò làm anh/chị của trẻ để trẻ thấy sự quan trọng của mình với ba mẹ và em.

- Luôn công bằng trong việc quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ hai bé. Ví dụ, cùng mua đồ chơi cho hai bé, có thể khuyến khích cho bé lớn chọn đồ chơi cho em.

- Dù bận với em bé, ba mẹ vẫn luôn quan tâm đến bé lớn bằng ánh mắt, nụ cười, bằng những cử chỉ thường làm quen thuộc trước khi có em như xoa lưng, cõng…

- Không mắng, phạt khi trẻ có biểu hiện xấu với em. Hãy phân tích cho trẻ hiểu hành động bé làm là sai và ba mẹ rất buồn khi bé làm như vậy.

- Tránh để trẻ một mình với em bé, vì có thể cháu sẽ có những hành vi khó kiểm soát gây nguy hiểm cho em bé.

- Nếu những rối loạn hành vi của bé có dấu hiệu tăng lên, ba mẹ nên đưa bé đi gặp chuyên viên tham vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý nhi để được tư vấn và giúp đỡ.

 

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon, chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!

Chia sẻ