Con cưng thành con hư

,
Chia sẻ

Đây là điều rất hay gặp trong xã hội hiện đại khi người lớn chiều chuộng, cung phụng quá mức những nhu cầu của trẻ.

Hằng ngày, đơn vị tâm lý ở các bệnh viện (BV) nhi đồng TPHCM tiếp nhận nhiều phụ huynh đau khổ vì những hành vi bất thường của con ở mọi lứa tuổi. Những hành vi bất thường đó thường xuất hiện ở những trẻ là con duy nhất trong gia đình, được nuông chiều vật chất quá mức, đến nỗi những trẻ đó trở thành người chỉ huy, điều khiển trong gia đình như một... vị vua.

Từ cậu bé “vàng” đến “vua trong nhà”

Cháu L.M.Q, 21 tháng tuổi, con trai duy nhất của một gia đình khá giả, rất bụ bẫm và dễ thương. Q. được mẹ và bà đưa đến gặp chuyên viên tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì mỗi lần muốn gì thì em biểu hiện bằng cách đập mặt, đập phá đồ đạc hoặc nằm ngửa ra giữa nhà.
 
Mẹ cháu cho biết chị có một khối u ở buồng trứng, khả năng có con sau này rất thấp. Và bé Q. nghiễm nhiên trở thành “cậu bé vàng” trong gia đình, sự cưng chiều của bà và sự không áp đặt giới hạn của mẹ cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng chậm nói. Khi chuyên viên tâm lý bày đồ chơi cho Q., mẹ và bà cháu cùng bảo: “Không được đâu, nó sẽ chạy lung tung hết”.
 
Theo cử nhân tâm lý Trương Quốc Cường, Khoa Tâm lý – BV Nhi Đồng 2, hội chứng con cưng rất hay gặp trong xã hội hiện đại khi bố mẹ quá bận rộn với công việc bên ngoài. Các gia đình lại ngày càng ít con hơn, việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ chủ yếu do ông bà và người giúp việc.

Họ thường chiều chuộng, cung phụng quá mức những nhu cầu của trẻ. Với những gia đình có một con, cháu đích tôn, việc chăm sóc chiều chuộng quá mức vô tình có thể gây nên những đổ vỡ về mặt tâm lý cho trẻ, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách sau này.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị tâm lý – BV Nhi Đồng 1, cho biết “con cưng” có những đặc tính “làm vua” hằng ngày, cưỡng bức (từ thuyết phục đến hăm dọa hoặc bạo lực), trưởng thành giả tạo, không bị trừng phạt, luôn đổ lỗi cho người khác, thường được cha mẹ đánh giá quá cao, được cha mẹ thỏa mãn mọi đòi hỏi, chán rất nhanh và đòi những điều mới lạ, tìm thú vui nhất thời, được nuông chiều vật chất, không chấp nhận ấm ức, khiêu khích cảm xúc của cha mẹ (giận dữ, lo âu, trầm cảm).

Trẻ còn là yếu tố gây stress cho những người chăm sóc và có thể phá hủy theo sở thích nhưng trẻ không cảm thấy hạnh phúc. Nếu tiếp tục sống trong hoang tưởng, lớn lên trẻ sẽ có nguy cơ phạm pháp, bạo lực với chính bản thân và với người khác hoặc rơi vào trầm cảm, rối loạn hành vi.

Dạy trẻ biết kiểm soát bản thân

Để “con cưng” luôn là đứa con ngoan, các chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ nên quan tâm đến việc giáo dục trẻ. Cử nhân tâm lý Trương Quốc Cường cho rằng cha mẹ nên tập cho trẻ tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi, thiết lập giới hạn cho trẻ, nghiêm khắc, không nên để trẻ chỉ huy; thống nhất cách giáo dục, mọi người trong gia đình cùng hỗ trợ để giúp trẻ thích nghi.

Nên dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, biết cách đứng lên từ thất bại. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bàn bạc với trẻ về hình thức phạt khi trẻ làm sai và cương quyết thực hiện  hình phạt khi xảy ra, có rất nhiều hình thức phạt như cắt ngay những “quyền lợi” (không đi chơi, không mua đồ chơi, không mua những món ăn mà trẻ thích, đứng một góc riêng tự suy nghĩ về hành động của mình). Lưu ý rằng đánh trẻ không phải là cách tốt nhất để cho trẻ sửa đổi mà là thể hiện sự bất lực trong cách giáo dục.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh đưa ra ý kiến: Cha mẹ cần giúp trẻ chấp nhận sự ấm ức, tổ chức sinh hoạt trong gia đình qua việc quy định giờ ăn, học, giúp việc nội trợ, ngủ. Cha mẹ cần chính xác và nhất quán trong quyết định để tránh cảnh cha nói “không” mà mẹ nói “có” và không bàn cãi dài dòng về những lỗi phạm.

Nên bắt đầu giáo dục ngay từ nhỏ và đưa ra những hậu quả khi trẻ hành động xấu, phạt ngay lập tức những sai phạm nhưng hình phạt phải tương xứng với lỗi của trẻ như làm hư đồ thì phải sửa lại; không vâng lời thì bị giới hạn tự do; học dở cần phải học bù; gây lộn hoặc nói tục thì ngưng giao tiếp...

Nên kê khai những điều buộc trẻ phải thực hiện, giảm bớt sự tiêu thụ của trẻ, tập cho trẻ biết chờ đợi, cố gắng... Cần tái lập uy quyền của cha mẹ nhưng không dùng bạo lực với trẻ và từ chối đặt trẻ ngang hàng với người lớn. Ngoài thái độ cứng rắn, cũng nên động viên trẻ làm điều tốt, kiểm tra xem trẻ có làm tốt điều được yêu cầu không, khen thưởng khi trẻ tiến bộ.
 
 Biểu hiện của hội chứng con cưng
 
Từ  mới sinh đến 3 tuổi, những đứa trẻ con cưng thường có biểu hiện như giấc ngủ bất thường, hay khóc đêm, cha mẹ làm đủ cách nhưng không thể dỗ nín được, bữa ăn là một "trận chiến" vì trẻ từ chối thức ăn đặc, nôn ói, không nhai, trẻ khó tập giữ sạch sẽ, tiêu, tiểu bừa bãi và tùy hứng. Trẻ còn nổi cơn giận khi không được thỏa mãn, thể hiện tính toàn năng, không chấp nhận sự ấm ức, có những cơn khóc nức nở gây tím tái, ngưng thở. Những trẻ này không chấp nhận xa mẹ, từ chối đi nhà trẻ, mẫu giáo bằng cách nảy sinh một số vấn đề tâm thể như: đau bụng, sốt, ho.

Từ 4 đến 13 tuổi thường đòi đồ chơi điện tử mới lạ, không chơi lâu với một thứ đồ chơi, đập phá đồ chơi, đua đòi theo bạn để mua những bộ quần áo mới, mê xem tivi, thích xem phim và trò chơi bạo lực, xin hoặc ăn cắp tiền cha mẹ để trốn học đi chơi, thích tham gia đám tiệc như tiệc sinh nhật, thích đổi sinh hoạt giải trí. Khi đến tuổi vị thành niên, những người này rơi vào giai đoạn tột đỉnh của tuổi khủng hoảng với những nguy cơ như hít xì ke, chán ăn, phạm pháp, trốn nhà, tự tử. Thậm chí, trẻ còn hăm dọa cha mẹ nếu không được thỏa mãn, có hành vi bạo lực, bụi đời.
Theo NLĐ
Chia sẻ