Con béo tại... mẹ?

,
Chia sẻ

Có HS được mẹ cho ăn sáng một bát xôi, 1 quả trứng vịt lộn, lại kèm 1 hộp sữa, trong khi đến 10g30 phút, trường đã chuẩn bị ăn trưa.

Thói quen này là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng trẻ thừa cân, béo phì (TCBP).

"Mặc cả" với HS để giảm cân 
 
Rà soát khoảng 5 lớp ở khối 6, 7 học bán trú của Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có 27 HS ở diện TCBP. Đặc biệt, trường có 1 HS lớp 8 - em Duy Linh - nặng 114kg, cao 1,82m. Linh cho biết, đã cố gắng giảm cân nhưng rất khó khăn. Mỗi bữa, Linh phải ăn một bát cơm to, vì "ăn ít thì đói không chịu được".

Theo cô Nguyễn Hồng Thanh, Phòng Y tế trường Ngô Sỹ Liên thì đã nhiều lần phải "mặc cả" với Linh để giúp em cách giảm cân nhưng rất khó.

Thậm chí, cô Thanh còn đưa ra phương án: Linh đưa tiền xe ôm (khoảng 10.000 đồng) để cô giữ giúp làm từ thiện (Linh là một trong những HS rất tích cực trong việc làm từ thiện của trường - PV) còn Linh đi bộ đi học (khoảng 1km).
Cô Thanh kể, khi học lớp 6, 7 có bán trú ở trường, Linh chỉ nặng khoảng hơn 70kg và cô đã "ép" chế độ ăn khá ngặt nghèo với Linh. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm nay, không ăn bán trú, cân nặng của Linh đã tăng vọt lên hơn 100kg.

Trong "nghiên cứu mô hình giáo dục dinh dưỡng phòng chống bệnh béo phì ở trẻ em" của Trường ĐH Y Hà Nội do PGS.TS Phạm Duy Tường chủ nhiệm đề tài đã dẫn số liệu: điều tra hàng năm của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ thừa cân trước năm 1995 hầu như không có, nhưng từ năm 1996 thì tỷ lệ này bắt đầu tăng lên.

Nghiên cứu gần đây với hơn 8.500 HS từ 6-14 tuổi tại 14 quận, huyện Hà Nội, ông Tường cho biết, tỷ lệ trẻ bị thừa cân và béo phì của trẻ 6-14 tuổi là 10,7% trong đó béo phì chiếm 3%. Tỷ lệ TCBP cao nhất ở nhóm HS 10 tuổi (18,2%), thấp nhất ở nhóm 14 tuổi (6,4%).

Hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp, Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: trường hiện có 49 HS (trong tổng số 1.762 em) trong ngưỡng TCBP, chiếm khoảng gần 3%.

"Tôi làm hiệu trưởng đã hơn chục năm và thấy trước đây hầu như không có. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, khi đi dự giờ thì thấy rõ số trẻ này ngày càng tăng", thầy Hợp cho hay.
 
Cần một chương trình hành động quốc gia cho trẻ thừa cân béo phì. (HS lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội)


Học đường "bỏ ngỏ" trẻ tăng cân
 
Sân trường Trường THCS Ngô Sỹ Liên trong giờ ra chơi "ken đặc" hơn 1.000 HS. Lác đác chỉ có vài khoảng trống đủ để 3-4 HS đá cầu. Y sĩ Nguyễn Hồng Thanh, Phòng Y tế của trường trăn trở: sân trường hẹp, HS đông, thời gian chơi và luyện tập thể dục thể thao cho HS bị hạn chế cũng là một trong những nguyên do khiến số trẻ thừa cân tăng lên.

Duy Linh cho biết, hàng tuần em chỉ có thể tập đánh cầu lông vào 2 tiết thể dục. Ngoài ra, một ngày có một buổi học nên muốn rèn luyện phải tự luyện tập ở nhà.

Em Tiến Đạt, HS lớp 6 Trường THCS Ngô Sỹ Liên (cao 1,54m, nặng 60kg) bắt đầu tăng cân từ khi học thi lớp 5 (nghỉ không tập thể dục để ôn thi). Hiện giờ, Đạt ăn rất ít thịt, nhiều rau, sáng chỉ ăn 1 chiếc bánh mỳ nhưng "không biết vì sao vẫn tăng cân".

Theo y sĩ Nguyễn Hồng Thanh, giờ thể dục 2 buổi/tuần, HS cũng được luyện tập nhưng không thường xuyên. Những HS thừa cân không có chế độ luyện tập cụ thể.

Ông Phạm Duy Tường cho biết, ĐH Y đã có nhiều biện pháp để "can thiệp" việc ăn uống và tập luyện của trẻ tại một số trường (Trường THCS Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Du). Sau 9 tháng, kết quả tương đối khả quan.

Ví dụ, tỉ lệ HS uống nước ngọt tại trường có "can thiệp" giảm từ 70,8% xuống còn 48,7%; tỷ lệ HS tham gia bơi lội tăng lên 50,7% (trước đó là 33,1%), tiếp đến là chơi cầu lông (47,4% tăng lên 63,1%) và sau cùng là nhảy dây (41,1 % lên 51,5%)...

Tuy nhiên, theo cô Thanh thì: khi dự án này "rút" đi thì mọi việc lại đâu vào đó, nhiều HS béo trở lại.

Con béo tại... mẹ
PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, nhiều bậc phụ huynh cho rằng các em đã lớn, đã tự biết chăm sóc sức khỏe nên ít quan tâm đến việc ăn uống của các em. Có một số phụ huynh lại quá chú ý đến bữa ăn của trẻ dẫn đến tình trạng TCBP.

Thầy Đỗ Quang Hợp cũng nhận thấy, bố mẹ quá lo lắng cho bữa ăn ở trường bán trú nên sau khi ăn sáng còn "nhét" thêm sữa, bánh kẹo vào cặp sách cho con.

Theo quan sát của chị Mẫn, y sĩ của Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), có phụ huynh cho trẻ ăn bán trú nhưng lúc nào cũng sợ con đói nên sáng đi học cố nhồi nhét cho con ăn quà. Thậm chí, có em được mẹ cho ăn sáng một bát xôi, 1 quả trứng vịt lộn lại kèm 1 hộp sữa, trong khi đến 10g30 phút, trường đã chuẩn bị ăn trưa.

Mặt khác, Trường THCS Ngô Sỹ Liên dựa vào tháp dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng để tính bữa ăn bán trú, tính độ tuổi để lên thực đơn. Trẻ TCBP không có chế độ ăn riêng.

Khẳng định với VietNamNet, thầy Đỗ Quang Hợp cho biết, bữa trưa của trường tương đối đầy đủ chất cho trẻ, thậm chí trước đây y tế xuống kiểm tra bữa ăn còn đánh giá là nhiều thịt.

Theo PGS.TS Phạm Duy Tường thì thói quen ăn nhanh, không tham gia các hoạt động thể dục thể thao, chơi điện tử nhiều... dẫn đến nguy cơ tăng tỷ lệ TCBP. Sân chơi của các quận nội thành chật hẹp nên hạn chế sự vận động và luyện tập của trẻ.

Ông Tường khuyến cáo, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính của các bệnh như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, viêm xương khớp, sỏi mật, bệnh đái tháo đường týp II không phụ thuộc Insulin... Béo phì thường kết hợp với tăng tỷ lệ bệnh tật, tử vong và béo phì ở tuổi nào cũng không tốt cho sức khoẻ.

Ông Tường lưu ý, các gia đình nên khuyến khích trẻ đến trường bằng xe đạp hoặc đi bộ, đồng thời tăng giờ tập thể dục kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý.
 

Nghiên cứu thực trạng thừa cân béo phì 6-14 tuổi ở 14 quận, huyện ở Hà Nội cho thấy, các quận nội thành có tỷ lệ trẻ TCBP cao hơn các huyện ngoại thành.

Trong số 3.842 HS tiểu học có 287 TCBP, chiếm 7,2%. Trong đó tỷ lệ TCBP ở các trường Nguyễn Du và Hoàng Diệu (thuộc quận trung tâm thành phố như quận Hoàn Kiếm và Ba Đình) có tỷ lệ cao nhất (10,9% và 10,0%).

Trong số 4.378 HS THCS có 344 trẻ TCBP, chiếm 8%. Trong đó tỷ lệ TCBP ở các trường Ngô Sỹ Liên và Giảng Võ (thuộc  quận Hoàn Kiếm và Ba Đình có tỷ lệ cao nhất là 23,4% và 19,2%). Đối với các trường Ngọc Thụy, thuộc quận Long Biên (mới) có tỷ lệ TCBP đáng kể (7,5%), trường Yên Viên thuộc các huyện ngoại thành (Gia Lâm) là 6,6% và thấp nhất là trường Kim Chung (huyện Đông Anh) là 1,4%.

(Theo đề tài "nghiên cứu mô hình giáo dục dinh dưỡng phòng chống bệnh béo phì ở trẻ em" của Trường ĐH Y Hà Nội")

Theo Bảo Anh
Vietnamnet
Chia sẻ