Cô giáo mầm non - có như “mẹ hiền”?

,
Chia sẻ

Một mẹ ở Hà Nội tiết lộ “kinh nghiệm”: “Mẹ phải nhờ riêng cô ở lớp mẫu giáo chăm sóc bé thật kỹ. Tất nhiên không thể nhờ vả “không” được. Một cô giáo dạy trong trường bày cho đấy”.

Ám ảnh của con

Một mẹ ở Hà Nội lo lắng về cậu con trai mới 2, 5 tuổi, cầu cứu trên diễn đàn: “Từ khi đi học ở trường mầm non, con trai tôi cứ thấy ai giơ tay lên là vội đưa cả hai tay lên che đầu che mặt. Người lớn tron gia đình, tuyệt đối không ai tát cháu bao giờ. Ông bà, bố mẹ thấy cháu có hư chỉ tét nhẹ vào mông thôi. Tôi đã đi hỏi và biết được rằng trẻ con có kiểu tự vệ như vậy khi bị tát nhiều lần? Tôi rất nghi ngờ ở lớp cháu có hay bị các cô giáo tát”.

Dù sao đó cũng chỉ mới là nghi ngờ ban đầu của người mẹ đó và chưa thực sự khẳng định được có đúng là cô giáo đã tát con hay không. Nhưng không ít các mẹ đã chia sẻ về “nỗi ám ảnh” của con sau khi đi mẫu giáo.

Bé đầu lòng nhà mình lúc đó đang học lớp 4 tuổi. Một hôm khi ăn cơm tối, tôi thấy cháu cầm thìa bằng tay trái, bèn hỏi: “Sao con không cầm thìa bằng tay phải”. Cháu rơm rớm nước mắt bảo là: “Tay con đau. Cô giáo cắt móng tay”. Tôi cầm tay lên thì thấy các ngón tay bị cắt móng quá nhiều, đầu ngón tay con đỏ rực. Lúc đó, tôi giận sôi lên vì các cô cắt móng tay cho cháu sơ ý quá.
 
Xót con quá, hôm sau đến lớp, tôi nhỏ nhẹ góp ý với cô. Tôi nghĩ rằng cô sẽ xin lỗi và thế là mọi chuyện cho qua. Thế mà cô thản nhiên trả lời: “Cô cắt đấy. Cắt tịt móng tay đi cho khỏi cấu bạn”. Tôi choáng quá và không nói được câu gì. Câu đầu tiên gọi điện cho ông xã: “Em muốn chuyển trường cho con”.
 
Một bé gái 5 tuổi ở Hà Nội, sau khi đi học ở trường mẫu giáo về nhà, ngày nào cũng khóc và bảo: “Cô giáo cứ ép con ăn món này, con không thích. Cô đét đít con”. Rồi một hôm đi học về, bé khóc lâu hơn thường ngày và đòi mẹ cho ở nhà: “Mẹ ơi, hôm nay cô giáo bắt con đứng trước lớp và hứa với các bạn rằng: “Lần sau đi học sẽ không khóc nữa. Nếu không sẽ bị cô giáo đuổi ra khỏi lớp và cho đi gắp cứt chó. Cô còn bảo các bạn ê con và nói là “đi gắp cứt chó”.
 
Mẹ của bé gái đó đã gặp cô hiệu trưởng để phản ánh việc này và cô giáo lớp bé bị cảnh cáo. Nhưng bé gái đã biết xấu hổ và thấy mỗi lần đi lớp như một cực hình. Đến lớp, bé cúi gằm mặt xuống, không chơi đùa với các bạn mà tha thẩn một mình.

Khi bé đến trường, bé chỉ có chỗ dựa là cô giáo

Một người mẹ khác thấy con chậm nói, đã cho con đi mẫu giáo sớm, hy vọng ở đó có môi trường cho con tập nói. Nhưng đi học về, bé bắt chước cô, cầm tờ báo cuốn lại, đánh vào lưng người lớn ở nhà. Miệng bé chỉ liên tục nói từ: “Mày… mày…”. Trong khi ở nhà bé, không một ai nói từ đó cả. Tính bé còn trở nên rất nóng nảy.

Có bé về nhà buột miệng nói với mẹ: “Sáng nay, con hư. Cô giáo nhốt vào tủ cả buổi. Đến giờ ăn trưa mới mở cho ra”. Nói xong, bé còn dặn mẹ cấm không được nói cho ai biết vì sợ cô giáo biết.

Nỗi lòng của mẹ

Những thầy cô giáo, đặc biệt là các cô giáo mầm non luôn là tấm gương của các bé. Một điều dễ nhận thấy rằng các bé đi lớp về lúc nào sợ và nghe lời cô giáo. Một câu cô giáo con bảo thế này, hai câu cô giáo con bảo thế kia. Các cô giáo thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến các bé.

Những cô giáo mầm non, tố chất quan trọng nhất là cần phải biết yêu thương con trẻ, dạy dỗ bé điều hay lẽ phải, ân cần quan tâm đến các bé. Thế nhưng hiện nay xuất hiện không ít các cô giáo mầm non có hành động “trừng phạt” các bé một cách “quá mức”, nếu không coi đó là sự vô lương tâm.

Điều đáng sợ hơn, những hành động đó sẽ có ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý của bé. Đã có rất nhiều trường hợp làm đau lòng các bậc cha mẹ. Một mẹ trên diễn đàn đã tâm sự: "Vì cô giáo và nhiều lý do khác, con của mẹ đã phải chuyển trường liên tục. Cháu bị ảnh hưởng tâm lý tới mức mắc bệnh trầm cảm".

Có rất nhiều mẹ xếp hàng từ 5-6 giờ sáng để mua được bộ hồ sơ cho con đi học ở trường mẫu giáo điểm. Con đi học về, đêm toàn mê sảng, khóc lóc, có lúc thì ngồi hẳn dậy nói: “Con xin lỗi cô, lần sau con không thế nữa”. Lúc lại hoảng hốt ngồi dậy xin đi giải vì sợ tè dầm.

Các mẹ cho con đi học và mong muốn con có một môi trường học tập tốt. Các cô giáo có quyền dạy dỗ các cháu một cách nghiêm khắc nhưng không có quyền bạo hành với trẻ nhỏ. Bé đi học mẫu giáo, như một cây non cần được chăm sóc, uốn nắn. Các cô giáo mầm non góp phần rất quan trọng trong việc vun xới cây trưởng thành.

Cô giáo mầm non góp phần rất quan trọng trong việc dạy dỗ bé

Một mẹ ở Hà Nội đã tiết lộ “kinh nghiệm” cho các mẹ có con đi mẫu giáo: “Con đi mẫu giáo, mẹ phải nhờ riêng cô chăm sóc thật kỹ. Tất nhiên là không phải nhờ vả “không” được. Điều này mình được một cô giáo quen dạy trong trường bày cho. Bé nhà mình mới đi học được một tháng. Mình quan tâm các cô chu đáo hơn bình thường nên cũng yên tâm phần nào. Các mẹ muốn yên tâm hẳn cho con vào các hẳn các trường mầm non như Dream House hay O’hana… Nhưng học phí quá cao, không chịu được “nhiệt””.

Để tìm được cô giáo thực sự yêu thương các bé như con của mình quả là một “hành trình gian nan”. Mong sao các cô giáo mầm non thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của tất cả các người mẹ. Bởi các cô cũng đã, đang hoặc sắp làm mẹ.

Hằng Thu
(Tổng hợp)
Chia sẻ