Bé bị méo đầu phải làm sao?

,
Chia sẻ

Bé Mẫm 3 tháng tuổi, có thói quen nằm lệch về phía bên trái nên đầu không cân đối, hơi méo.

Tôi rất sợ sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Xin bác sỹ tư vấn cách để giúp đầu cháu có thể trở lại trạng thái bình thường? (Hoàng Lan - Hà Nội)

Trả lời:

Trẻ sơ sinh bị lép, méo, bẹp đầu không phải hiếm. Nguyên nhân là do tư thế nằm cố định về một phía của bé dẫn đến đầu sọ phát triển không đều, tạo hình dạng mất cân đối . Bé thường xuyên nằm ngửa sẽ dẫn đến bẹp đầu, nằm nghiêng về một phía sẽ bị méo đầu...

Có thể phát hiện biến dạng đầu khi quan sát từ phía trên đỉnh đầu bé. Cha mẹ nên để ý để phát hiện kịp thời, tốt nhất là trước 3 tháng tuổi để đầu bé phát triển cân xứng về hình dạng.


Trường hợp của bé Mẫm do bé thường hay xoay mặt bên trái nhiều hơn so với bên còn lại nên dẫn đến bị méo đầu. Chị Lan và các bậc phụ huynh có thể chỉnh hình cho con theo tư vấn của BS Lê Tường Giao (Bệnh viện Nhi đồng I) như sau:

Đặt bé nằm theo tư thế đúng của đầu để tránh lực đè ép trực tiếp lên vùng xương sọ đang bị bẹt, sẽ giúp hình dạng của sọ phát triển cân đối lại.

Đặt tư thế đúng bao gồm những việc sau:

1. Xoay đầu bé luân phiên qua bên này rồi qua bên kia vào mỗi giấc ngủ của bé. Có thể xoay mặt bé qua bên phải vào giấc ngủ này, kế đến xoay mặt bé qua bên trái vào giấc ngủ kế tiếp.

2. Nếu nằm ngửa, xoay mặt bé qua phía đối diện.

3. Có thể đặt bé nằm sấp với sự giám sát của cha mẹ.

4. Sử dụng đồ chơi kích thích bé xoay mặt qua hai bên.

 5. Hạn chế đặt bé nằm võng hoặc ngồi trong xe đẩy trẻ em.

Biện pháp này còn giúp phòng ngừa biến dạng đầu ở bé. Ngoài ra, theo kinh nghiệm truyền thống, gối hình móng ngựa (lõm ở giữa) hay gối làm từ vỏ đỗ cũng rất tốt để bảo vệ đầu bé, tránh được lép đầu.

Cha mẹ chú ý, tuyệt đối không dùng tay xoa nắn đầu trẻ. Massage sẽ không mang lại hiệu quả vì đây là sự biến dạng thuộc về cấu trúc xương của xương sọ.

Bác sĩ Lê Tường Giao cũng lưu ý, phụ huynh nên cho bé khám chuyên khoa Vật lý trị liệu để phân biệt tình trạng lép đầu do tư thế gây ra hay là do một số bệnh lý khác như vẹo cổ do tật cơ, tình trạng giảm trương lực cơ ở trẻ nhỏ… Nếu bé bị các bệnh lý đó thì ngoài việc đặt tư thế đúng, bé cần phải được tập luyện vật lý trị liệu tích cực và theo dõi lâu dài sau đó.

Lan Anh
(Tổng hợp)
Chia sẻ