Ba nói xạo rồi!

Theo PNO,
Chia sẻ

Hôm nọ, dừng xe chờ tàu lửa chạy qua, tôi tình cờ nghe được đối đáp giữa một cậu con trai chừng 10 tuổi và cha của cháu.

Đoạn hội thoại tuy ngắn nhưng chứa nhiều điều về chuyện dạy con mà tôi muốn được chia sẻ với các bậc phụ huynh.

Cháu bé hỏi: “Ba ơi, tàu chạy từ hướng nào tới?”. Người cha đáp, không biết thật hay đùa: “Từ Sài Gòn ra Hà Nội”. Sau tiếng còi rít lên là tiếng bánh sắt nghiến ầm ầm trên đường ray. Tàu chạy theo hướng ngược lại. Đứa con ngước nhìn cha cười: “Ba nói xạo rồi”. Hai cha con cùng cười. Lúc đó tàu cũng vừa chạy qua khỏi.

Tôi nghĩ, ở đây có (ít nhất) hai tình huống:

Thứ nhất, một đứa bé 10 tuổi đứng trước hàng rào chờ tàu lửa mà không xác định được tàu sẽ chạy từ hướng nào tới có lẽ vì hai nguyên do: một là cháu không phân biệt được còi tàu vọng từ hướng nào tới (điều này thường khó biết, khi ở quá sát với đường ray); hai là cháu không có được kỹ năng quan sát để phân tích và phán đoán (có thể cháu chưa đi qua đây thường xuyên hoặc không được hướng dẫn cách quan sát). Bởi vì, khi đóng hàng rào để chặn các phương tiện giao thông đường bộ nhường đường cho tàu chạy, người gác sẽ cầm cờ và nhìn về hướng nào thì tàu sẽ chạy hướng ngược lại.
 
Như vậy, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ biết cách quan sát để từ đó có thể tự rút ra câu trả lời cho mình trước các tình huống thực tế. Ví dụ, nhìn mặt đường ướt thì có khả năng là vì trời vừa mưa, đường bị ngập nước, người ta đổ nước ra đường hoặc xe nước vừa mới tưới cây… Mỗi loại sẽ có những hiện tượng liên quan khác nhau. Chẳng hạn, nếu mưa thì sẽ ướt đều hơn, tức là hầu như chỗ nào cũng ướt; nếu đường ngập thì chỗ thấp sẽ ướt, chỗ cao sẽ khô; nếu người ta đổ nước thì chỉ ướt một lõm; nếu xe tưới cây vừa đi qua thì sẽ chỉ ướt ở gần hàng cây, bồn cỏ… Dạy cho trẻ quan sát không chỉ giúp trẻ tự phân biệt, lý giải được các sự vật, hiện tượng, các hoạt động trong thực tế cuộc sống mà giúp trẻ biết cách động não, từ đó rèn khả năng phân tích, phán đoán, kết luận, tạo điều kiện nâng cao năng lực tư duy cho trẻ.

Thứ hai, phản ứng của cháu bé với cha sau khi “thấy” cha mình nói sai hướng tàu chạy cho thấy quan hệ giao tiếp giữa cha và con khá cởi mở, thoải mái và thân mật. Thực tế, có nhiều gia đình, con cái không dám cười lớn, lại càng không dám nói đùa hay nói quá thân mật với cha mẹ, bởi gần như có khoảng cách đáng kể. Quan hệ giao tiếp trong những gia đình này thường chỉ một chiều, ít trao đổi nên thường hơi nặng nề, ít có tiếng cười thoải mái. Tuy nhiên, thân mật quá cũng hóa vô lễ, nếu cha mẹ không chú ý làm gương cho con và không kịp thời uốn nắn khi con “quá trớn”. Với nhiều người, hẳn sẽ không cho rằng đứa trẻ nói cha mình “xạo” là cách nói bình thường.

Vì vậy, trong ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, người lớn đừng tỏ ra quá cách biệt với con trẻ mà cần tạo sự gần gũi, thân mật. Dù vậy, có những điều mang tính nguyên tắc thì cần thể hiện rõ. Chẳng hạn, cần xác định rõ lúc nào là trò chuyện thân mật (như lúc đi chơi, lúc cùng xem tivi…), lúc nào là mệnh lệnh, yêu cầu mà trẻ phải chấp hành (lúc vào giờ học, lúc con phạm lỗi…); loại ngôn ngữ nào cha mẹ được nói với con cái mà con cái không được nói với cha mẹ (điều này tùy theo gia đình) và loại ngôn ngữ nào tuyệt nhiên không nên có trong gia đình (như không được nói tục, chửi thề, xưng hô mày tao với nhau, dù người lớn nói với trẻ con)… Nếu trẻ “vi phạm” những nguyên tắc trên, dù với cha mẹ, người lớn khác hay với các anh chị em với nhau, cũng cần uốn nắn ngay, không nên bỏ qua mà có thể tạo thói quen không tốt cho trẻ. Vì vậy, ngay khi đứa anh quát đứa em: “Mày không được lấy đồ của tao” thì cũng phải chấn chỉnh ngay chứ không phải đợi trẻ nói tương tự với người lớn.

Ở mẩu chuyện trên, ngay cả cách “dùng từ” này cho thấy, cháu bé chưa hiểu hết từ mà cháu nói. Trường hợp này có thể cháu dùng từ “nói sai”, “nói trật” chứ không phải “nói xạo” theo như cách hiểu của cháu. Vì vậy, cha mẹ cũng cần sửa sai nếu con nói chưa chính xác, vì điều này không chỉ liên quan đến thói quen và khả năng diễn đạt trong giao tiếp của cháu mà còn ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ và việc học của trẻ.

Chia sẻ