"Bà la sát" của con

Me&be,
Chia sẻ

Cấm cu Gôn (18 tháng tuổi) sờ ổ điện, Hoài bực tức ‘tét đít’ con liền mấy cái. Cu cậu khóc vang nhà, nước mắt rơi lã chã khiến Hoài hối hận vì nóng quá.

Lỗi của Gôn cũng không có gì. Chẳng qua Gôn hiếu động quá, lại còn bé. Thấy mẹ quát, cứ tưởng mẹ đùa, Gôn còn quay mặt nhìn mẹ cười “hì hì” rồi cố đút ngón tay vào ổ điện. Cũng có khi, phích cắm tivi hay nồi cơm điện cũng bị Gôn nhanh tay giật ra. Nhắc nhở, giải thích rồi dọa nạt con không xong, Hoài hay cáu

“Mỗi lần như thế, mình lại bặm môi, tét thật mạnh vào mông con cho chừa. Sau rồi mới thấy ăn năn vì chắc cu cậu cũng đau lắm” – Hoài kể.

Cũng rất thương và xót con nhưng thỉnh thoảng lại trở thành “bà la sát” là Thảo (Hải Phòng). Bé Miu (3 tuổi) nhà Thảo cực lười ăn. Vì thế, mỗi bữa ăn của con như một trận chiến. “Miu không thích ăn nữa là phun phì phì đồ ăn, có khi cả vào mặt mẹ. Không kiềm chế được là mình đánh độp độp vào lưng, vào mông con ngay” – Thảo chia sẻ.

Thảo kể, những lúc “điên” như thế, “cục máu nóng” trong người cô bốc ngùn ngụt. Anh xã nhà cô có ý kiến là cũng bị ăn mắng ngay. Làm cha mẹ, chẳng ai tránh khỏi những phút bực bội vì con nhưng Thảo cũng công nhận, cô rất nóng nảy và cục tính. Có lần, đánh con xong, thấy lưng con hằn vết tay của mẹ mà thấy ân hận vô cùng.

Có cu Công (4 tuổi) rất hay nghịch ngợm, Lan Anh (29 tuổi, nhân viên kế toán) cũng không tránh khỏi những lúc phải thô bạo với con. Từ ngày có thêm bé thứ hai, vừa bận chăm con lớn – con nhỏ, vừa đi làm, trong khi chồng công tác liên miên càng khiến Lan Anh dễ nổi đóa. Có lần cô bạn đồng nghiệp đến chơi, trêu cu Công không biết bế em nên đi học không được phiếu bé ngoan, cu cậu tức chí giơ chân đạp vào mặt cô. Bực con, Lan Anh tát một cái thật mạnh vào má con. Cu anh khóc váng, cu em sợ quá cũng khóc theo.

“Đây chẳng phải lần đầu mình ‘trị’ con kiểu đó. Có lúc, đánh con mà mình bắt con phải ‘im ngay’, cháu càng khóc thì mình càng khó chịu, lại muốn đánh con tiếp” – Lan Anh kể. Lúc bình tĩnh thì thương con, tự nhủ không bao giờ đánh mắng nữa. Nhưng khi “lên cơn tức”, Lan Anh không giữ được lời hứa.

Học cách ‘mềm’ vì con


“Quan điểm của tôi là không cố dạy con khi nóng nảy. Bởi vì làm thế không có lợi cho cả mẹ và con. Có khi còn dễ đánh con vô lý hơn” – Diệp (người mẹ có con trai 2,5 tuổi) chia sẻ. Những lúc như vậy, Diệp nhờ người nhà trông giúp con rồi lên sân thượng tít trên tầng 3 cho thoáng. Hoặc cô loanh quanh đi đâu đó mua sắm vài thứ lặt vặt. Cũng có khi là “trốn” lên gác, buôn chuyện với cô bạn thân. Khi “hạ hỏa” mới bình tĩnh với con.

Có con đang tuổi khám phá nên không thể áp dụng cách của Diệp, My (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: “Trước tiên, cần tìm hiểu vì sao bé lại làm thế rồi mới nổi cáu”. Con trai 15 tháng tuổi nhà My hoạt bát, nghịch ngợm, không ngồi yên lúc nào. Khi thì cu cậu bẻ kính của bà nội, lóc xóc hộp tăm, lúc thì kéo cốc, trèo lên ghế, mở cửa tủ... My quan niệm, như thế không phải bé hư mà do đang muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh. My thường thu dọn những thứ nguy hiểm ra xa tầm tay bé, nghiêm mặt nhắc nhở mỗi lần bé làm gì đó không được. Sau rồi, cô nhẹ nhàng giải thích với con mà chẳng biết con có hiểu gì không.

“Mỗi lần ‘điên’ quá mình hít một hơi thật sâu, cố gắng đánh lạc hướng con ra trò chơi khác” – Nhung (có con trai 1 tuổi) chia sẻ. Nếu là lỗi nhỏ, Nhung giơ tay vuốt má rồi trêu cho con cười để con không quậy phá, còn mẹ cũng tan cơn bực. Còn là lỗi lớn thì phải nghiêm khắc để con biết sợ.

Chia sẻ