“1 tuần không mắng con”

,
Chia sẻ

Tối nọ vợ chồng chuyện trò vui vẻ trên sofa phòng khách khi lũ trẻ đã ngủ, ông xã cảnh báo rằng dạo này tôi có vẻ hơi mất bình tĩnh và quát con rất nhiều.

Đó là khởi đầu cho kế hoạch 7 ngày đầy thử thách của tôi.
 
Ngày 1: Vào cuộc

Hai con trai của tôi trứng gà trứng vịt, một đứa lên 6, một đứa lên 7. Anh em chúng chành chọe suốt. Hôm nay, sau khi gọi các con dậy, tôi bảo chúng đi đánh răng, còn mình xuống nhà chuẩn bị bữa sáng. Tôi biết chắc chúng không thể hợp tác hòa bình với nhau được quá 30 giây. Y như rằng…

Từ dưới nhà tôi đã có thể nghe tiếng chúng chí chóe trên gác. Rồi tiếng “bụp” như đứa nào bị đấm vào đầu. Kế đó, một đứa bắt đầu toáng lên khóc.

Như mọi ngày tôi sẽ bỏ mọi việc đấy, chạy ba bậc một lên cầu thang, quát cho chúng một trận, bảo chúng thôi trò đó đi nếu còn muốn được xem phim hoạt hình. Nhưng hôm nay tôi cứ đứng dưới bếp, cần mẫn với công việc đang dở tay, và sau vài phút đấm đá, bọn trẻ bắt đầu yên lặng. Thật đáng kinh ngạc, cuộc chiến của chúng đã kết thúc mà không có sự can thiệp của tôi. Chẳng ai phải nhức tai cả.

Cách giải quyết này dù nhẹ nhàng vẫn vấp phải một vấn đề. Đó là, khi tôi không can thiệp thì hẳn nhiên bọn trẻ được toàn quyền điều khiển cuộc sống, cách sống của chúng. Tôi đứng ngoài cuộc cả ngày, chỉ nghe và quan sát những gì đang diễn ra giữa bọn trẻ. Bằng cách im lặng như vậy, tôi tránh được la hét, mắng mỏ, nhưng giải pháp câm lặng không thể áp dụng cả tuần. Phải có cách nào vừa nhẹ nhàng vừa vẫn khiến bọn trẻ đi vào kỷ luật chứ?
 

Ngày 2: Nói nhẹ và…

Theo kế hoạch ngày hôm nay, tôi sẽ can thiệp nếu chúng cãi nhau. Nhưng mỗi khi muốn hét to, thì thay vào đó, tôi lại nhỏ nhẹ hơn.

“Im mồm!” - đứa lớn bắt đầu hét qua bàn ăn.

“Không! Anh im thì có!” - đứa bé “phản pháo”.

 Tôi đã cấm bọn trẻ nói nhau như thế, vậy mà chúng vẫn làm. Tôi cố không mắng, nhỏ nhẹ nhắc nhở: “Ai mà nói “im mồm” nữa sẽ phải chống đẩy 10 cái nhé!”.

Phong cách “quân sự” của tôi có vẻ khiến bọn trẻ “e dè” và thôi ầm ĩ. Nhưng được một lúc, khi hai đứa nói chuyện về điều gì đó, thằng lớn lại buột miệng: “Im mồm!”, song nhất định không chịu thi hành hình phạt chống đẩy. Tôi đứng trước mặt thằng bé, nghiêm khắc như một sĩ quan cấp trên và… bắt đầu la mắng.

“Thử nghiệm của em tiến triển thế nào?” - Ông xã hỏi thăm tôi lúc đi làm về.

“Sáng nay em lại mắng con” - Tôi thú nhận - “Nhưng con cãi lời ngay trước mặt em”. Ông xã nghe câu chuyện tôi thuật lại rất chăm chú. Rồi anh nói dịu dàng: “Được rồi, con không chịu chống đẩy 10 cái. Nhưng đó chỉ là việc ngớ ngẩn em tự nghĩ ra thôi mà”.

Chồng tôi nói đúng. Tôi mắng thằng bé vì nó không chịu chống đẩy, chứ đâu phải vì chúng chành chọe, sự việc đó kết thúc từ trước rồi. Để thôi la hét được, tôi cần học cách bỏ qua trên cương vị “chỉ huy”.

Ngày 3: Kiểm tra mức độ stress

Tôi có hẹn với cô bạn đi ăn tối. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ cho cả bọn nhóc đi cùng. Cô ấy có 3 đứa con trạc tuổi 2 nhóc nhà tôi. Vậy là 2 quý bà và 5 đứa trẻ. Bàn tôi có lực lượng khá hùng hậu và ầm ĩ vô cùng bởi bọn trẻ cứ nhao nhao nói, hết đứa này đến đứa khác. Thậm chí chúng nói chen vào nhau, vào câu chuyện giữa các mẹ. Người phụ nữ bàn bên ném sang chúng tôi ánh nhìn khó chịu qua ly nước. Hẳn bà ấy cho rằng tôi làm mẹ chẳng ra gì vì không nói nổi con. Bởi thế, để chứng tỏ bà ấy sai, tôi bắt đầu kẹp chân đứa lớn vào lòng, giữ tay nó thì thầm: “Con nói nhỏ thôi, nếu không mẹ cho ra xe ngay bây giờ đấy quý ông ạ”.

Lời đe dọa của mẹ khiến thằng nhóc trầm tĩnh được hơn một chút. Nhưng chỉ một lúc. Sau đó tôi cứ phải nhắc nhở hết đứa lớn đến đứa nhỏ, toát cả mồ hôi. Nhìn sang bạn tôi, cô ấy vẫn ngồi điềm tĩnh thưởng thức miếng gà nướng tỏi trong khi bọn nhóc nhà cô cũng ầm ĩ trò chuyện qua bàn ăn.

- “Bà kia nhìn tụi mình khó chịu lắm” - Tôi nói.

- “Thế à?” - Bạn tôi trả lời - “Tớ không để ý”.

- Có lẽ chúng mình mua pizza rồi đi thôi”.

- “Sao phải thế? Các con có phá phách gì đâu. Chúng chỉ đang trò chuyện theo cách của trẻ con thôi”.

Bạn tôi có lý. Tôi khép bọn trẻ vào kỷ luật theo “chuẩn” của một người lạ. Nhưng nếu hành vi của các con tôi không phiền tới ai trong nhà hàng, thì quý bà bàn bên mới chính là người có vấn đề mới phải.

Ngày 4: Chú ý tông giọng

Tôi dễ tính hơn hẳn với các con. Khi thấy bộ đồ chơi câu cá vứt giữa nhà, tôi không quay ra tra hỏi đứa nào hết. Nhóc bé muốn mặc quần đùi trong khi thời tiết đang trở lạnh tôi cũng không khó chịu gì, cho nó mặc quần đùi ra ngoài chiếc quần dài. Tôi bắt đầu cảm thấy bình tĩnh hơn trong thử nghiệm của mình. Tôi thậm chí còn thấy bọn trẻ “hòa bình” với nhau hơn. Tôi kể với chồng:

- “Hôm nay em chưa hề quát con”

- “Ồ, rất tuyệt”

- “Các con! Mẹ nói tắt TV đi! Làm ngay!”

- “Em vừa quát con đấy”

- “Em đâu có. Giọng em thế mà. Không nói vậy sao yêu cầu các con làm gì được”.

- “Nếu em để ý, anh không nói với con giống như em”.

- “Nếu anh để ý, anh không chăm sóc các con nhiều như em”.

Ngày 5: Muốn nổ tung

Ngày hôm qua tôi nói tôi không quát con dù có thể là tôi đã quát. Nhưng hôm nay, tôi thực sự không quát, ngay cả về tông giọng hay volume. Tôi cười và hỏi các con rất nhẹ nhàng, cho dù phải tự nhắc nhở bản thân không biết bao nhiêu lần. Cách này có thể coi là thành công, nhưng tôi lại rất stress vì cứ phải cố kìm nén. Đến giờ ăn tối.

- “Con không thích tương cà chua kẹp vào bánh mì thế này. Con thích chấm cơ mà. Bánh này hỏng rồi. Mẹ làm hỏng đấy! Con không ăn, không ăn!”, nhóc bé nhũng nhiễu “ăn vạ”.

Tôi đứng bám chặt vào quầy bếp nhưng có vẻ cách này không hiệu quả. Thằng nhóc hẳn cũng nhận thấy là mẹ đang bắt đầu sôi máu lên…

Sau này một người bạn cũng có con mọn nói với tôi rằng mỗi khi con mè nheo như vậy, cô ấy sẽ lấy máy ảnh, bảo con là “để mẹ ghi lại lúc con khóc xấu xí nhé”. Thường thì con cô ấy sẽ nín. Còn tôi nhận ra rằng, cho dù bọn trẻ không nín, ít ra ta cũng tránh được chuyện “hét ra lửa” bằng cách lái mình sang một công việc khác. Có lẽ tôi nên chụp hình các con nhiều hơn!

Ngày 6: Sự thật giản đơn

Trong lúc tôi đang bận nghe điện thoại, bọn nhóc cứ xúm lấy kéo áo đòi ăn sáng. Bạn biết kiểu chúng đấy, những đứa trẻ đòi ăn sáng khi bạn vừa đổ phần ăn chúng quyết không chịu dùng 20 phút trước.

“Mẹ sẽ làm trứng ốp cho con, nhưng giờ mẹ đang nghe điện thoại”. Và sau vài phút nói nốt câu chuyện, làm trứng, dập tắt 3 cuộc chí chóe, tôi nói với bọn trẻ mình thất vọng thế nào bằng cái giọng mà phải thú thực là cũng hơi “cao” một chút.

Từ đó đến cuối ngày, tôi tập trung vào các con nhiều hơn và sự tình khá hẳn. Đột nhiên tôi nhận ra rằng: Làm quá nhiều việc cũng khiến ta cáu bẳn và quát tháo. Nếu tôi không cố làm việc này việc khác (bao gồm cả đi toilet) bên cạnh việc trông con, tôi sẽ không việc gì phải la mắng ai cả.

Ngày 7: Mẹ muôn đời vẫn thế…

Tôi thức dậy cảm thấy rất vui vẻ. Sáu ngày trôi qua và thử nghiệm của tôi cũng có những thành công nhất định. Cứ như việc “không tưởng”, nhưng hóa ra tôi đã làm được.

Bọn trẻ lại nổi loạn sau bữa tối. Tôi mất thêm nửa giờ để “dập” chúng, nhưng tôi không nổi nóng. Khi đã được ngả lưng trên ghế, lòng tôi rất tự hào. Nhưng ngay sau đó nhóc lớn lại ló mặt sau cánh cửa và nói: “Mẹ. Con không thấy mệt”.

- “Đi ngủ đi anh bạn nhỏ”.

- “Nhưng con không mệt”
 
- “Quá giờ ngủ nửa tiếng rồi con nhé”
 
- “Không, con muốn nghe một câu chuyện nữa”
 
- “Không. Không nghe nữa. Mẹ cất sách rồi”.
 
- “Nhưng…”
 
- “Mẹ không kể nữa! Con nghe rõ chưa? Đi ngủ!” - Tôi quát to.

Và chỉ có thế thằng bé mới thôi kì kèo. 10 giờ 15 phút tối ngày thử nghiệm thứ bảy. Và tôi lại thất bại…

 Theo Dân trí

Chia sẻ