Mẹ tá hỏa vì con suýt thủng mảng nhĩ khi chơi trò "nghịch cát" trẻ nào cũng thích

Ngọc Anh,
Chia sẻ

Một bà mẹ ở Thanh Hóa đã hốt hoảng chia sẻ câu chuyện của mình về việc dị vật rơi vào tai trẻ khi vui chơi. Điều đáng nói là loại dị vật này lại đến từ một trò chơi rất quen thuộc mà bé nào cũng thích, đó là xúc hạt muồng.

Ngày 3/4, mẹ H.T ở Thanh Hóa đã hốt hoảng chia sẻ câu chuyện của mình với cộng đồng mạng nhằm cảnh báo các bà mẹ khác về việc dị vật rơi vào tai trẻ khi vui chơi. Điều đáng nói là loại dị vật này lại đến từ một trò chơi rất quen thuộc mà bé nào cũng thích đó là xúc hạt muồng.

Cụ thể, câu chuyện diễn ra như sau: Vào ngày nghỉ chủ nhật của cả nhà, chị H.T đã dẫn 2 bé con của mình tới chơi khu vui chơi. Trong suốt quá trình vui chơi và cho đến khi về nhà, cả 3 mẹ con đều rất vui vẻ và phấn khởi sau cuộc đi chơi. Tuy nhiên, đến buổi trưa, chị phát hiện thấy cậu con trai của mình cứ day day tai mãi. Nghi ngờ rằng tai của con gặp vấn đề gì đó, chị đã bảo con nằm yên để kiểm tra tai của con. Ngay khi nhìn vào tai con, chị hốt hoảng khi phát hiện ra rằng trong hốc tai bé toàn hạt muồng
 
Dị vật
Hình ảnh tai bé đầy hạt muồng và những hạt muồng được gắp ra.

Ban đầu, chị cứ tưởng trong tai con chỉ có vài hạt thôi, nhưng sau đó, chị đã gắp ra khỏi tai con tới 5 hạt rồi mà thấy còn rất nhiều sâu bên trong tai con. Lúc đó, tay chị bắt đầu run lẩy bẩy và không biết phải làm sao. Sau một hồi suy nghĩ, chị bắt đầu lên các diễn đàn cha mẹ để hỏi và cuối cùng, dưới sự giúp đỡ của các bà mẹ khác, chị cũng đã bình tĩnh lại và quyết định sau khi con ngủ trưa dậy sẽ đưa con tới bác sĩ. 
 
Khi đến bác sĩ, phải có tới 4 người giữ bé thì bác sĩ mới có thể gắp hết các hạt muồng muồng còn sót trong tai bé. Kết quả là trong tai bé còn có tới 11 hạt muồng muồng nữa và bác sĩ còn nói rằng nếu các hạt quá sâu hoặc để lâu thì phải gây mê mới gắp được, thậm chí, nó còn có thể khiến con bị viêm tai thủng màng nhĩ. 
 
Chia sẻ trên facebook, chị cho biết nguyên nhân khiến trong tai con xuất hiện hạt muồng muồng là khi cho con đi khu vui chơi, chị cho các bé chơi ở khu nhà cát. Tuy nhiên, tại đây, họ lại thay thế cát thông thường bằng các hạt muồng muồng. Và trong quá trình vui chơi, các hạt này đã vô tình rơi vào tai con lúc nào không hay. Chị H.T cũng rất trách mình, bởi theo chị, giá mà chị để mắt đến con hơn một chút thì có lẽ mọi chuyện đã tốt hơn rồi.
 
Ngay dưới câu chuyện của chị H.T, một bà mẹ khác cũng chia sẻ rằng cạnh nhà mình có một trường hợp y chang nhưng nặng hơn, đến mức bác sĩ đã phải gây tê cho bé trước khi gắp dị vật.
 
Hạt muồng muồng – tưởng an toàn mà lại vô cùng nguy hiểm
 
Hiện nay ở rất nhiều các khu vui chơi và các công viên, trong trò chơi nhà cát hoặc bể cát, sân cát, cát thật thường được thay thế bằng các hạt muồng muồng. So với cát, các hạt muồng to lại sạch sẽ, đặc biệt là cực kỳ an toàn cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu người ta lo ngại cát sẽ rơi vào mồm, mắt, miệng, tai của bé thì  hạt muồng muồng lại cứng và có đầu nhọn nên khi cho con chơi phụ huynh cần để ý đến bé đề phòng rơi vào tai hoặc miệng bé sẽ rất nguy hiểm.
 
 Rất nhiều khu vui chơi, cát được thay thế bằng hạt muồng (Ảnh minh họa).
 
Không chỉ hạt muồng, bé còn có thể gặp nguy hiểm với nhiều loại dị vật khác
 
Tai của bé là một cơ quan vô cùng nhạy cảm và không có bất kỳ một lớp màng bảo vệ nào ngoài lớp lông tơ mỏng có tác dụng cản bụi. Chính vì vậy, bé rất dễ bị các dị vật như côn trùng, hạt, đồ chơi, bông ngoáy tai… rơi vào tai. Trong trường hợp nhẹ, khi có dị vật rơi vào tai, bé có thể cảm thấy đau tai, khó chịu. Còn trong trường hợp nặng hơn, khi các dị vật này tồn tại lâu trong tai bé, bé sẽ cảm thấy tai bị ù, khả năng nghe kém, nếu nặng hơn có thể bị thủng tai và thấy đau khi ho.
 
Do đó, mẹ phải vô cùng thận trọng khi thấy bé có dấu hiệu như khóc, tay sờ vào tai nhiều lần. Theo tiến sỹ - bác sỹ y khoa Kenneth Buccino tại Bệnh viện Cộng đồng Asante Ashland, Mỹ thì khi phát hiện có dị vật ở trong tai trẻ, việc đầu tiên mẹ cần làm đó là xác định xem dị vật đó là dị vật chuyển động hay dị vật bất động sau đó mới có cách giải quyết tương ứng.
 
Nếu dị vật trong tai trẻ là dị vật bất động
 
 Hãy chú ý nếu bé có dấu hiệu như khóc, tay sờ vào tai nhiều lần (Ảnh minh họa).
 
Dị vật bất động có thể là những dị vật như: hạt, bông gòn, bông ngoáy tai, cúc áo, chi tiết của các món đồ chơi… Với dị vật này, trước hết, mẹ cần phải biết dị vật đó có nở khi gặp nước hay không. Nếu có, vậy thì tuyệt đối, mẹ không được đổ nước hay oxi già vào tai bé vì nó có thể khiến chúng nở to và bịt lỗ tai bé lại.
 
Sau khi đã xác định được dị vật, mẹ nghiêng đầu bé về phía tai có dị vật, lắc nhẹ đầu và dùng tay nhẹ nhàng kéo tai trẻ để dị vật rơi ra ngoài. Nếu dị vật không rơi ra ngoài khi lắc tai, bạn có thể trấn an bé ngồi yên để dùng kẹp gắp dị vật ra ngoài (với điều kiện bạn phải nhìn thấy dị vật).
 
Dị vật trong tai
2 cách để lấy dị vật ra ngoài
 
Còn trong trường hợp không thấy dị vật hoặc dị vật quá to, bịt chặt lỗ tai của bé, mẹ tuyệt đối không cố dùng kẹp gắp dị vật ra ngoài vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn trong tai bé, gây rách màng nhĩ. Lúc này bạn nên đưa bé đi gặp bác sĩ để có cách xử lý phù hợp với tình trạng bệnh của bé.
 
Nếu dị vật trong tai trẻ là dị vật chuyển động
 
Trong  quá trình trẻ ngủ hoặc vui chơi, một số loại côn trùng như kiến, ruồi, thậm chí là cả gián… có thể chui vào tai bé bất kỳ lúc nào mà cả mẹ và bé đều không biết. Trong trường hợp này, bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy hoặc đau rát do côn trùng cắn vào phần da mỏng ở ống tai hoặc cắn màng nhĩ. Còn nặng hơn, bé có thể bị nhiễm trùng, viêm tai nặng nếu côn trùng chết ở trong tai bé một thời gian lâu mà không ai phát hiện. 
 
Soi đèn pin
Hãy soi đèn pin vào tai bé nếu dị vật trong tai bé là côn trùng
 
Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, khi phát hiện trong tai bé có côn trùng, việc đầu tiên mẹ có thể làm là lấy đèn pin soi vào tai bé để chúng theo đường ánh sáng và bò ra ngoài. Nếu côn trùng không bò ra ngoài theo đường ánh sáng, mẹ đổ ít dầu oliu vào tai bé để làm ngạt côn trùng, sau đó gắp côn trùng ra ngoài tai. Và cuối cùng, tương tự với dị vật bất động, nếu không gắp được côn trùng ra ngoài, mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ tai - mũi - họng.
 
Ngoài ra, thỉnh thoảng, mẹ nên ngửi tai bé xem có mùi lạ hoặc kiểm tra xem tai bé có dịch lạ chảy ra hay không để đề phòng các trường hợp đáng tiếc.
 
Nguồn: Tổng hợp
 

Chia sẻ