May quá, bố mẹ tao đi viện!

Minh Anh,
Chia sẻ

Nghe con điện thoại mời gọi bạn bè: “Đến nhà tao chơi đi, may quá, bố mẹ tao đi viện rồi!”, chị Hương đau lòng, thở dài não nuột.

Mang tiếng là có con gái lớn, nhưng chưa bao giờ vợ chồng anh Hòa nhờ được con. Từ nhỏ vì thương con nên việc gì chị Hương cũng làm hết cho con, đến khi lớn lên vào đại học thì con gái chị học hết lớp nọ đến lớp kia khiến anh chị cũng không dám sai bảo việc gì mà dành toàn bộ thời gian cho con tập trung vào học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Nhưng đến khi anh chị đi đường bị tai nạn giao thông thì mọi vấn đề mới nảy sinh từ đây. Mặc dù bị va quệt không quá nặng, nhưng anh Hòa bị gãy tay còn chị Hương thì bị trẹo gân chân vẫn phải nằm viện theo dõi, lúc gọi điện cho cô con gái để thông báo tình hình của bố mẹ, cô con gái chẳng hỏi thăm xem bố mẹ bị sao có nặng không mà sa sả quát mẹ: “Đấy, bố mẹ đi còn bất cẩn như thế mà còn cứ mắng con là đi ẩu, thế mà chưa bao giờ con bị va quệt gì hết, từ giờ trở đi thì đừng có mà mắng con nữa nhé”.

Chị Hương vô cùng bất ngờ bởi thái độ của con, tí nữa thì đánh rơi cả điện thoại, cắn răng nghe con nói một thôi một hồi, chị nhắc con lát nữa vào mua cho bố mẹ ít đồ ăn. Chờ mãi đến gần 8 giờ tối mới thấy con gái và lũ bạn rồng rắn kéo vào và cười đùa ầm ĩ khiến những bệnh nhân cùng phòng nhăn nhó, anh chị phát ngại không biết giấu mặt vào đâu. Rồi cô con gái bỏ trong túi ra mấy gói mì tôm và hai chai nước tinh khiết, cô bé nói ráo hoảnh: “Con chả biết nấu gì, mà cũng chả biết mua gì cho bố mẹ ăn đâu, bố không bị đau chân thì bố ra ngoài cổng viện ấy, thích ăn gì thì mua, nếu không thì ăn tạm mì tôm vậy”.

Chưa hết, trước khi ra về, cô con gái của anh chị còn lục túi lấy của mẹ mấy trăm nghìn để mai về hai chị em còn ra quán ăn chứ ở nhà không có ai nấu. Nhìn thấy đứa con vô tâm đưa lũ bạn ríu rít ra về, anh chị Hòa chỉ còn biết nhìn nhau lắc đầu ngán ngẩm, vậy là mấy ngày tới nằm ở bệnh viện, chỉ có cơm hàng cháo chợ chứ không hề có một bữa ăn nào do con gái nấu.

Trong mấy ngày bố mẹ nằm viện, cô con gái còn tụ tập đám bạn thân đến nhà… đập phá. Nghe con điện thoại mời gọi bạn bè: “Đến nhà tao chơi đi, may quá, bố mẹ tao đi viện rồi!”, chị Hương đau lòng, thở dài não nuột. Vậy là ngôi nhà của anh chị trở thành tụ điểm ăn chơi của bạn bè cô con gái rượu, hết tiền, lại ra xin bố mẹ về ăn chơi tiếp… Bố mẹ gọi điện cho con mang quần áo vào, cô con gái hồn nhiên mang toàn váy vóc vào làm chị Hòa ngồi mếu dở với đống đồ .

Ra viện, anh chị bước vào nhà nhìn ngôi nhà không khác gì một bãi chiến trường, quần áo vứt mỗi nơi mỗi cái, bát đũa vứt chỏng chơ, thức ăn cả tuần trong xoong bốc lên mùi thiu thối, điều hòa bật mà cửa nhà không đóng, tủ lạnh mở hé từ lúc nào khiến cho thức ăn trong đó đang chuyển mùi. Chị Hòa chỉ muốn ngất đi để vào bệnh viện thêm lần nữa.

Việc cha mẹ quá chiều chuộng và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của con trẻ với mong muốn rằng bằng mọi cách mình phải tạo mọi điều kiện cho con để con được sung sướng hơn, hạnh phúc hơn cái tuổi thơ khổ cực, khốn khó của mình. Chính bởi điều này đã vô tình tiếp tay cho trẻ hình thành thói quen sống ỉ lại vào cha mẹ, chúng sẽ sống thực dụng và vô tâm, ích kỉ ngay với chính cả những người thân yêu của mình. Do đó, để không phải đau đầu và hối hận khi "chuyện đã thành" thì cha mẹ hãy dạy con là người sống có khuôn khổ, có giới hạn.

Mọi việc làm, hành động và suy nghĩ  trong tương lai của trẻ phụ thuộc rất nhiều việc uốn nắn ,giáo dục của cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ hãy chỉ dạy cho trẻ thấy những điều nên và không nên trong cuộc sống này bằng cách chia sẻ với con những việc làm nhỏ, phù hợp với lứa tuổi, đừng chỉ nghĩ đến việc đáp ứng cho trẻ mà hãy tạo cho trẻ thói quen tự phục vụ bản thân và giúp đỡ cha mẹ những công việc nhà. Từ đó trẻ sẽ cảm nhận thấy sự yêu thương, chia sẻ, chăm sóc... là điều thiết yếu mà mình phải làm để chứng tỏ là người có trách nhiệm, sự quan tâm và tình yêu với gia đình nhỏ của mình, với cha mẹ và những người xung quanh.

Chia sẻ