Lưu ý khi trẻ bị mềm sụn thanh quản

Mẹ Thanh Tú,
Chia sẻ

Mềm sụn thanh quản là một khiếm khuyết bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Các mẹ hãy cùng tham khảo chia sẻ của mẹ Thanh Tú về kinh nghiệm chăm con khi mắc phải dị tật này nhé!

Hiểu một cách đơn giản thì cấu trúc sụn thanh quản ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên các mô sụn bị ép và sa vào đường thở dẫn đến hiện tượng thở có tiếng rít, khò khè.

Đây là một khiếm khuyết bẩm sinh nhưng triệu chứng xuất hiện thường là khi trẻ được 4-6 tuần tuổi. Tuy nhiên cũng có trẻ bị sớm hoặc muộn hơn.

10 ngày tuổi, bé Tú có dấu hiệu thở khò khè khi ngủ. Sợ con bị viêm đường hô hấp nên mẹ Tú đã làm ấm nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho con. Sau khi nhỏ mũi vẫn thấy tiếng thở rít lên đều đều như người ngáy. Kiểm tra mũi bé thì không hề có dịch nhầy hay rỉ mũi. Tuy nhiên, khi đặt bé nằm nghiêng thì tiếng thở đỡ khò khè hơn. Ban ngày, cứ thấy con thở khó là mẹ lại cho con nằm nghiêng, lúc thì bên trái, lúc bên phải để con đỡ mỏi. Ngủ thì vậy, còn khi bú thì con gắt gỏng vì lúc sữa xuống con không theo kịp nên đôi lúc bị sặc. Giải pháp khi cho con bú là mẹ luôn phải bế để chủ động điều tiết lượng sữa xuống từ từ. Ban đêm thì tiếng thở càng lúc càng to hơn, cả đêm theo dõi thì thấy con trằn trọc, ngủ không ngon giấc, đôi lúc có dấu hiệu ngưng thở vài giây.

Lần đầu làm mẹ nên những triệu chứng trên làm mẹ hết sức lo lắng. Một ngày một đêm trôi qua trong căng thẳng để rồi ngày hôm sau phải đưa con vào viện khám ngay. Mẹ rất sợ con phải nhập viện vì con sẽ phải lấy máu xét nghiệm. Tuy nhiên, điều đó đã xảy ra. Con sinh ra bị nhẹ cân, đến lúc được 11 ngày tuổi lại còn sụt cân mất 0,1kg. Xót xa ấy chưa bằng lúc bác sĩ lấy máu xét nghiệm cho con. Đôi bàn tay còn đỏ hỏn, nhăn nheo của con làm cho vị điều dưỡng phải rút kim ra chọc kim vào đến mấy lần mới lấy được ven. Làm các thủ tục chụp, chiếu xong, bác sĩ chẩn đoán con bị “viêm phổi ”. Kiên trì điều trị theo phác đồ của bệnh viện, nào tiêm kháng sinh, nào uống thuốc bổ phế, nào thở khí rung, sau 8 ngày thì con được xuất viện.

Về nhà, được mấy ngày đầu thì thấy tiếng thở của con bình thường nhưng sau đó thì lại đâu vào đấy. Ngày lẫn đêm mẹ vẫn trằn trọc theo giấc ngủ của con. Tuy nhiên, trong đầu mẹ hơi thắc mắc một chút là nếu con bị “viêm phổi” thì ít nhất cũng phải ho hắng tí chứ???

Hơn 3 tháng tuổi, tình trạng bệnh lý càng trầm trọng hơn khi thấy con có dấu hiệu ngưng thở ngày càng nhiều. Lại cho con nhập viện điều trị. Bác sĩ vẫn kết luận như lần trước. Tuy nhiên, trong một lần Trường Đại học Y đưa sinh viên sang viện Nhi thực tập, khi xem các bản chụp chiếu, vị giảng viên đó nhận định con bị “mềm sụn thanh quản”. Lúc ấy, mẹ như một sinh viên trường Y, được nghe ông ấy giảng giải rất nhiều về khiếm khuyết bẩm sinh này. Ông bảo, sự bất thường bẩm sinh này rất dễ gặp ở trẻ nhỏ. Nếu tình trạng bệnh không quá nặng thì không cần can thiệp nhờ y học vì khi trẻ lớn lên sẽ tự hoàn thiện cấu trúc mô sụn thanh quản nên hiện tượng thở khò khè sẽ tự mất đi… Cái đó còn tùy thuộc vào sự phát triển, sức khỏe và sức đề kháng của từng trẻ.

Không biết bao nhiêu lần con thở khò khè, (đặc biệt là khi thời tiết khô hanh) nhưng mẹ nhất định không cho con đi viện nữa. Bây giờ tiếng thở khò khè đã giảm. Con thích nằm sấp khi ngủ vì như thế con thở dễ dàng hơn và không có tiếng rít như người ngáy nữa.

Mềm sụn thanh quản là bệnh không phòng ngừa được và không có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị nên nếu phát hiện con bạn bị mềm sụn thanh quản thì không nên lo lắng quá. Sau đây là một số lưu ý khi con bạn bị mềm sụn thanh quản:

- Luôn giữ phòng ngủ của trẻ thoáng khí và sạch sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn.

- Không nên cho trẻ nằm ngửa vì dưới tác dụng của trọng lực, lớp mô sụn thanh quản càng sa vào đường thở của trẻ càng làm trẻ thở khò khè hơn. Với trẻ nhũ nhi, bạn nên cho trẻ nằm nghiêng, còn với trẻ lớn hơn thì bé sẽ tự nằm theo tư thế mà bé cảm thấy dễ thở nhất.

- Một số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ rất khó bú. Vì thế mẹ cần phải tỉnh táo khi cho con bú để điều chỉnh lượng sữa vừa phải với sức bú của trẻ.

- Trẻ bị mềm sụn thanh quản hay thở bằng miệng khi ngủ nên bạn phải bôi kem dưỡng da vùng môi để tránh hiện tượng khô, nứt nẻ. Trước khi đi ngủ bạn luôn phải làm vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý để trẻ hạn chế thở bằng miệng.

- Hạn chế tối đa các bệnh liên quan đến đường hô hấp vì trẻ bị mềm sụn thanh quản càng thở khò khè hơn khi mắc thêm các bệnh này.

- Luôn khám và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ theo định kỳ. Nếu trẻ bị mềm sụn thanh quản dẫn đến sụt cân, ngưng thở, bỏ bú, sặc sữa… thì phải đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Chia sẻ