Lưu ý bệnh do ký sinh trùng ở trẻ em

Phương Thảo,
Chia sẻ

Bệnh do ký sinh trùng gây ra rất dễ lây lan. Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng bao giờ cũng khó chịu nhưng không quá nghiêm trọng và có thể tiệt trừ được.

1. Chấy rận

Chấy thường gặp ở trẻ con tuổi đi học. Đây là loại côn trùng nhỏ sống bằng việc hút máu từ da đầu người, nó đẻ trứng và trứng bám chặt vào chân các sợi tóc. Trái với điều con người thường nghĩ rằng có chấy là một dấu hiệu thiếu sạch sẽ, thì chấy lại ưa tóc sạch hơn tóc bẩn.

Triệu chứng: Trẻ sẽ bị ngứa đầu khi thời tiết nóng bức, bạn có thể thấy trứng chấy màu trắng gắn chặt vào sợi tóc gần da đầu của trẻ.

Cách chữa trị: Hãy gội đầu cho bé bằng dầu gội đầu trị chấy, dùng lược bí để chải thật kỹ trong vòng 20 phút, xả nước và hong tóc cho khô, cứ hai hay ba ngày lại gội như vậy một lần cho đến khi tóc không còn trứng chấy nữa.

2. Ghẻ ngứa

Là tình trạng da bị một loại ký sinh trùng nhỏ đào hầm và đẻ trứng trong da. Mặc dù bệnh ghẻ không nghiêm trọng song rất ngứa, đặc biệt vào ban đêm và rất dễ lây. Trẻ có thể bị ghẻ do nằm phải giường chiếu ẩm bị nhiễm ký sinh trùng.

Triệu chứng: Phía mu bàn tay, các kẽ ngón tay, chân, mắt cá chân... có thể bị mẩn ngứa dữ dội. Thường trông thấy các "đường hầm" của con ghẻ dưới dạng hình lằn xám, có vẩy ngang qua da với một điểm đen bé bằng đầu kim (con ghẻ) ở cuối đường hầm.

Cách chữa trị: Bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc nước để trị ghẻ, bôi vào và để nguyên một ngày và sau đó lặp lại như vậy. Ghẻ có thể sống độc lập ngoài da của con người được tới 6 ngày, do đó bạn phải giặt tẩy lại tất cả quần áo, khăn trải giường để ngăn chặn trẻ bị tái nhiễm lại.

3. Giun kim

Giun kim rất hay gặp ở trẻ em hơn là người lớn, nhưng bệnh này không nghiêm trọng và dễ diệt trừ. Khi trẻ ăn phải thức ăn có nhiễm trứng giun, vào tới ruột giun sẽ nở ra giun con.

Khi ấu trùng trưởng thành, các con cái di chuyển xuống dưới và đẻ trứng xung quanh hậu môn. Tiến trình này gây nên chứng ngứa và đứa trẻ dễ dàng để dính trứng giun lên ngón tay khi gãi và đưa trứng giun vào miệng (như vậy toàn bộ chu trình nhiễm giun khởi đầu trở lại).

Triệu chứng: Trẻ bị ngứa dữ dội xung quanh hậu môn, ban đêm càng ngứa nhiều hơn khi bị nóng và chứng ngứa này làm trẻ mất ngủ.

Cách chữa trị: Nếu để ý thấy trẻ bị ngứa xung quanh hậu môn và trong phân có giun thì hãy đưa bé đi khám và cho bé uống thuốc thích hợp.

Đồng thời, chú trọng đặc biệt tới vấn đề vệ sinh của trẻ, khuyến khích trẻ rửa tay trước khi ăn, móng tay được cắt ngắn và tránh không được gãi hậu môn khi ngứa.

4. Giun đũa

Bệnh này rất hiếm gặp ở phương Tây mà thường có ở những người sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là khu vực vệ sinh kém. Giun đũa dài khoảng 15 – 40cm và xâm nhập cơ thể dưới dạng trứng giun qua thức ăn bị nhiễm khuẩn. Một khi vào bên trong cơ thể, trứng sẽ nảy nở và ra giun trưởng thành, đẻ trứng mới, trứng này theo phân ra ngoài.

Triệu chứng: Giun đũa sống trong ruột và gây ra rất ít triệu chứng hoặc chẳng có triệu chứng nào cả, nhưng nhiễm giun đũa có thể làm trẻ kém phát triển và chậm lớn.

Cách chữa trị: Diệt giun đũa cho trẻ bằng thuốc nén hoặc thuốc xổ ra ngoài qua phân. Giữ vệ sinh ăn uống kỹ càng là điều thiết yếu để việc chữa trị thành công.

 Phương Thảo
Theo EVA.VN

Chia sẻ