Lời từ chối của một đứa trẻ khiến nhiều người xấu hổ và chuyện đi vệ sinh của trẻ em Nhật

Mẹ Masao ,
Chia sẻ

Đứng trước bãi biển trên đảo Okinawa xinh đẹp, D - cháu gái tôi mặc dù đã rất buồn tè nhưng đã từ chối đi vệ sinh giữa thiên nhiên vì "Biển đẹp quá, con không thể tè ra biển được".

Cả nhà cháu mất khá nhiều thời gian để leo qua cả một đồi cát thật to giữa trời nắng mới tới được bãi biển để ngắm làn nước xanh mát. Nhưng cháu D quyết định sẽ đi bộ quay lại nơi có nhà vệ sinh ở rất xa sau cồn cát kia khi muốn đi toilet. Cháu là hình ảnh điển hình của những em bé lớn lên ở Nhật được giáo dục rất kỹ về vệ sinh cá nhân đúng nơi đúng chỗ.

Nhờ câu nói của cháu, tôi chợt phát hiện ra, chuyện tập đi vệ sinh của lũ trẻ ở đây cũng có bao điều thú vị để bàn.

Vệ sinh đúng nơi đúng chỗ là điều quan trọng nhất

Giống như D, một bé trai khác, năm nay lên 5 tuổi, tên Bon, là con của vợ chồng một người bạn trong gia đình tôi vốn có 2 năm sống ở Nhật cũng có cách hành xử tương tự. Sau khi học mẫu giáo ở Nhật và theo ba mẹ về sinh sống ở Việt Nam, Bon duy trì được nếp vệ sinh tự lập rất tốt. Đặc biệt, cháu luôn từ chối đi vệ sinh tùy tiện nếu không được đưa vào toilet. Tôi vẫn nhớ có lần chúng tôi cùng đi du lịch về một vùng trung du, trên đường đi Bon muốn đi tiểu, nhưng vì xung quanh không có nơi nào để cháu đi cả, mọi người đã gặp một phen dở khóc dở cười. Cuối cùng chúng tôi phải vào một quán nước ven đường và phải thuyết phục cháu cả nửa tiếng đồng hồ để cháu chịu đi vệ sinh sau tấm liếp của bác chủ quán.

dạy trẻ đi vệ sinh đúng chỗ
Toilet trong trường mầm non ở Nhật.

Em bé nhà tôi cũng là minh chứng sống động với tôi nhất. Chỉ một năm đi nhà trẻ cháu đã được hình thành thói quen giống Bon: nhất quyết không đi vệ sinh tùy tiện nếu không có toilet. Có một buổi sáng, thay quần áo cho con từ pijama sang đồ đi học, tôi vì lười mà muốn bé tè luôn vào chiếc bỉm dùng đêm qua để vứt cho tiện, nhưng bé nhất quyết không chịu mà đòi vào nhà vệ sinh bằng được. Tôi cũng nhớ có một hôm nhà trường yêu cầu lấy mẫu nước tiểu của cháu để xét nghiệm kiểm tra sức khỏe. Khi cố thuyết phục con đi tiểu vào cái ca và nhận được sự phản ứng dữ dội từ bé, tôi đã buộc phải đưa bé vào toilet, đợi bé đi rồi nhanh chóng dùng ca hứng một chút để lấy mẫu. 

Những phản ứng gay gắt của lũ trẻ đã làm những bậc cha mẹ như chúng tôi bừng tỉnh và buộc phải nghiêm chỉnh hơn để làm gương cho con cái. Được giáo dục trong môi trường vui vẻ nhưng rất giàu nguyên tắc, các hành xử cơ bản được hướng dẫn lặp đi lặp lại đã khiến các cháu sớm hình thành thói quen tốt và kiên quyết cự tuyệt với sự tùy tiện. 

Dạy trẻ đi vệ sinh
Sách hướng dẫn trẻ cách đi vệ sinh của trường mẫu giáo Nhật.

Hướng dẫn bé đi toilet cần không khí vui vẻ

Từ khi bé gần 2 tuổi, bắt đầu có ý thức về chuyện tiểu tiêu, mỗi ngày đưa con tới lớp, việc đầu tiên bé nhà tôi được làm đó là đưa vào nhà vệ sinh để tập đi tiểu theo giờ. Cô giáo cũng hướng dẫn gia đình thực hành mỗi ngày cho bé đi tiểu theo lịch 2 tiếng/lần, sau đó dần dần bỏ bỉm để bé quen với cảm giác không còn bỉm nữa. Chỉ cần thực hành 1-2 tháng là gần như con tôi đã không cần dùng tới bỉm, trừ những lúc ra ngoài đi chơi xa. 

Tới 3 tuổi, bé đã tự chủ động biết gọi cô gọi mẹ để thông báo mình cần tiêu tiểu, sau đó tự thực hiện hết các động tác mà cháu được nhà trường hướng dẫn theo quy trình cụ thể: tự tụt quần, đi vệ sinh, sau khi đi vệ sinh là tự lau, tự đóng nắp toilet để giật nước, tự rửa tay, lau khô tay bằng khăn sạch. Chuyện tập cho con thói quen vệ sinh thân thể bỗng trở nên nhàn tênh nhờ nề nếp nhà trường quy định và rèn cho các bé. Không có khóc lóc, bực bội cáu bẳn, cũng không cần vội bởi các bé sẽ thích nghi dần với các thói quen được lặp đi lặp lại. 

Tuy nhiên không phải vì vậy mà tôi không bỏ công sức tìm đọc các tài liệu về toilet training của Nhật. Phụ huynh Nhật cũng có những bước hướng dẫn bé rất khoa học cụ thể, từ việc lựa chọn thời điểm tới phương pháp. Tuy nhiên, có một điểm rất thú vị là họ rất coi trọng tới “cảm xúc vui vẻ” của các bé khi thực hiện nhu cầu cơ bản nhất của con. 

Dạy trẻ đi vệ sinh
Trang trí toilet trong gia đình Nhật rất dễ thương để tạo cảm giác vui vẻ cho bé khi tự đi vệ sinh.

Nhiều phụ huynh được khuyến khích trang trí nhà vệ sinh thật dễ thương từ thảm, tranh treo tường, tới các vật dụng hỗ trợ bé ngồi trên bệ toilet cũng phải thật đáng yêu. Ở Nhật cũng có các bài hát, loạt phim hoạt hình hướng dẫn bé đi vệ sinh, tạo cảm giác vui vẻ hạnh phúc của bé, để nhà vệ sinh trở thành nơi chốn quen thuộc, dễ chịu, thân thương với trẻ. Việc đi vệ sinh vì thế trở nên vui vẻ, không làm bé sợ hãi. Bố mẹ Nhật cũng rất chú ý tạo điều kiện để con có thể tự làm được hết mọi việc bằng cách bố trí bình xà phòng rử tay, giấy vệ sinh, khăn lau đều trong tầm tay với của trẻ. 

Đừng quên các thao tác sau mỗi lần đi vệ sinh

Giữ vệ sinh sau khi đi toilet cũng là những quy tắc hành xử cơ bản cần dạy cho trẻ rất được người Nhật chú trọng. Trình tự: (với bé nam thì bắt đầu học cách đẩy phần nắp lót lên) - đi vệ sinh - đậy nắp bồn cầu (để ngăn ngừa vi khuẩn phát tán khi giật nước) - giật nước - rửa tay với xà phòng - lau tay thật khô là quy trình cần lặp đi lặp lại cho bé thuộc để bé hình thành thói quen hàng ngày. 

Dạy trẻ đi vệ sinh
Bé Masao rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Từ đó, các bé có thể được phát triển thêm các thao tác cần ghi nhớ: tắt điện, bật điện, tự lau, thay giấy vệ sinh khi cuộn giấy cũ đã hết, đóng cửa khi đi vệ sinh, thông báo mình đi vệ sinh khi đi vào nhà tắm (vì tổ hợp nhà vệ sinh và nhà tắm của Nhật thường được ghép gần nhau), biết dùng dung dịch làm vệ sinh nắp bồn cầu (loại dung dịch này khá an toàn với trẻ em) để lau khi chúng bị bẩn, biết cách đi vệ sinh đúng cách để tránh dây bẩn.

dạy trẻ đi vệ sinh
Khi con đến tuổi tập đi vệ sinh trong toilet, bố mẹ Nhật thường trang trí nhà vệ sinh, làm bệ để trẻ bước lên dễ dàng hơn. 

Những quy trình này cũng được giới thiệu trong các sách hỗ trợ nuôi dạy trẻ. Nhờ có chuẩn chung trong việc giáo dục trẻ mà giữa nhà trường, gia đình đều có sự thống nhất để bé học được những bài học chăm sóc cơ thể cơ bản nhất. 

Tôi vẫn nhớ, ấn tượng trong những ngày đầu tới Nhật của mình, đó là bên cạnh lễ nghi, phép tắc, người Nhật còn đặc biệt coi trọng sự vệ sinh và sạch sẽ. Tới nay, tôi càng thấm nhuần sâu sắc hơn, rằng chỉ từ chuyện tự giác tiêu tiểu và thực hành vệ sinh đúng nơi đúng chỗ, bé nhà tôi đã dạy ngược lại cho mẹ hiểu rằng, vệ sinh cơ thể và giữ gìn vệ sinh chung chính là một trong những bài học đạo đức đầu đời cơ bản nhất.

Từng có 6 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao sẽ cho chúng ta cái nhìn gần gũi hơn về cách giáo dục trẻ em đáng ngưỡng mộ của người Nhật.

Chia sẻ