Làm thế nào khi cha mẹ có đứa con quá “mong manh dễ vỡ”?

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Những đứa trẻ "mong manh, dễ vỡ" này hở một tí sẽ khóc lóc, thường xuyên có cảm xúc tiêu cực, chán nản với mọi thứ.

Những đứa trẻ "mong manh, dễ vỡ" có nghĩa là chúng mỏng manh như thủy tinh, chỉ cần một chút áp lực cũng dễ dàng "vỡ vụn". Thông thường, những đứa trẻ như vậy có biểu hiện như sau:

- Trẻ nhanh thay đổi tâm trạng, chỉ cần nghe lớn tiếng một chút là nước mắt đã lăn dài trên má.

- Trẻ thường phóng đại những thiếu sót của mình, luôn có cảm xúc tiêu cực và nghĩ mình không đủ tốt.

- Trẻ không dám đương đầu với thất bại, không thích nghi khi gặp khó khăn, dễ bị tổn thương và chán nản.

- Trẻ thiếu tự tin, luôn lo sợ mình bị đánh mỗi khi không làm tốt việc gì đó.

Điều gì đã xảy ra với đứa trẻ có trái tim thủy tinh?

Nhà tâm lý học Arthur Aaron từng nói: "Những người mỏng manh rất nhạy cảm với những thay đổi dù chỉ là nhỏ nhất".

Làm thế nào khi cha mẹ có đứa con quá “mong manh dễ vỡ”? - Ảnh 1.

Điều đó có nghĩa là, một chuyện nhỏ có thể không gây sóng gió cho những đứa trẻ khác, nhưng đối với những đứa trẻ nhạy cảm, nó có thể khiến chúng cảm thấy bồn chồn không yên trong một thời gian dài.

Ngoài tính cách nhạy cảm, môi trường sống và sự giáo dục của cha mẹ có thể khiến trẻ hình thành "trái tim thủy tinh".

- Bị đánh quá nhiều

Có không ít những bậc cha mẹ thường xuyên giáo dục bằng đòn roi với con mình, luôn chỉ trích những sai lầm hoặc thiếu sót của con. Khi bị đánh quá nhiều, trẻ trở nên thiếu tự tin, lòng tự trọng thấp.

Trẻ không nhận ra năng lực, giá trị của bản thân, trở nên quá quan tâm tới những đánh giá của người khác và nhạy cảm với lời nói của mọi người xung quanh mình.

- Ảo tưởng về bản thân

Một số bậc cha mẹ tuy không đánh con nhưng lại khen ngợi một cách quá mức cần thiết.

Đứa trẻ cắn một miếng: "Wow, con ăn giỏi quá".

Đứa trẻ tự mặc quần áo: "Wow, con thật tuyệt vời".

Đứa trẻ vẽ vời linh tinh: "Wow, con vẽ rất đẹp".

Kiểu khen ngợi liên tục này có thể dễ dàng khiến trẻ ảo tưởng về khả năng của mình rằng "tôi rất giỏi".

Một khi người khác chê bai dù chỉ là nhỏ nhặt cũng khiến trẻ bị tổn thương, buồn bã cả ngày. Khi được khen ngợi quá nhiều, trẻ rất dễ đánh mất bản thân và trở nên mong manh hơn.

Làm thế nào khi cha mẹ có đứa con quá “mong manh dễ vỡ”? - Ảnh 2.

- Bị trách móc quá nhiều

Nếu cha mẹ trách móc, chỉ trích nhiều, con cái sẽ cảm thấy không được quan tâm, luôn bất an, dễ lo lắng, thu mình lại. Đứa trẻ như vậy thường thận trọng khi kết thân với người khác, hay nổi nóng, dễ bị tổn thương.

- Thiếu kinh nghiệm xã hội

Nếu một đứa trẻ dành nhiều thời gian chơi đùa với bạn bè, ra ngoài xã hội nhiều, khả năng chống lại sự thất vọng của chúng sẽ tăng lên một cách tự nhiên.

Nhưng nếu trẻ thường xuyên cô đơn hoặc chơi trong các nhóm nhỏ, chúng có thể giống như "ếch ngồi đáy giếng". Ở trong một vòng tròn nhỏ sẽ khiến trẻ phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ, khi gặp vấn đề sẽ lúng túng vì thiếu kinh nghiệm.

Nếu trẻ ở trong những hoàn cảnh trên lâu ngày, tâm hồn trẻ sẽ dễ nhạy cảm, dễ vỡ và trở nên chai lì.

Cha mẹ nên làm gì để giúp đỡ con mình?

Làm thế nào để một đứa trẻ mong manh, dễ vỡ trở nên mạnh mẽ, kiên cường? Cha mẹ có thể tham khảo một số cách dưới đây:

- Thử và sai liên tục

Nhà giáo dục Montessori cho rằng, khi trẻ thử làm điều gì đó, dù mắc lỗi, người lớn cũng không nên can thiệp mà hãy kiên nhẫn chờ đợi và cho trẻ cơ hội thử và sửa sai.

Nếu đứa trẻ không có cơ hội để sửa sai sau khi mắc lỗi, chúng sẽ luôn cảm thấy mình vô dụng, không có khả năng làm gì cả.

Việc thử và sai liên tục có thể làm tăng sự hiểu biết của trẻ về bản thân, hiểu đúng về khả năng và lợi thế của bản thân. Điều này sẽ cải thiện sự tự tin của trẻ lên đáng kể.

Làm thế nào khi cha mẹ có đứa con quá “mong manh dễ vỡ”? - Ảnh 2.

- Trau dồi thái độ tích cực

Khi cha mẹ chỉ ra những sai lầm của con cái, đừng "dán nhãn" tiêu cực lên con mình bằng những từ như "luôn luôn", "không bao giờ"…, nó rất dễ khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn.

Cha mẹ có thể đưa ra những gợi ý tích cực, xây dựng thái độ sống lạc quan trong tiềm thức, dần dần trẻ sẽ không còn nhạy cảm với những cảm xúc tiêu cực nữa.

- Cho trẻ tập thể dục nhiều hơn

Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất, ngoài việc tăng cường thể chất, còn có một lợi ích rất quan trọng là có thể khiến giải phóng năng lượng tiêu cực.

Cảm xúc của chúng ta trước hết xuất phát từ cảm giác của cơ thể. Khi cơ thể gửi đi những tín hiệu xấu, chúng ta cảm thấy tồi tệ. Nếu trong cơ thể tích tụ quá nhiều cảm xúc tiêu cực, tâm trạng của trẻ sẽ tiêu cực và chán nản. Vì vậy, cách tốt nhất là cho trẻ vận động, tập thể dục nhiều hơn.

Tóm lại, cha mẹ cần kiên nhẫn hơn trong quá trình dạy dỗ những đứa con mong manh dễ vỡ. Sau một khoảng thời gian, trẻ sẽ cải thiện dần dần sự nhạy cảm, yếu đuối của mình.

Chia sẻ