Kỷ luật không đòn roi trong dạy trẻ

Saga,
Chia sẻ

Theo quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, hiếm cha mẹ nào dạy con mà không mắng mỏ, dùng đến đòn roi. Tuy nhiên đòn roi có giúp trẻ ngoan ngoãn và trở thành người tốt?

Đánh đòn chỉ giải tỏa “cơn điên” trong người bố mẹ

Với suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, đánh càng đau, trẻ sẽ càng nhớ, lần sau không dám tái phạm. Vịn vào lý do đó, chị Hoàng Hoa (Quận Tân Bình) nổi tiếng khắp xóm bởi biệt tài đánh con như “tẩm quất”. Bị mẹ đánh nhiều, bé Cún ngày càng rụt rè, luôn giật mình khi nhìn thấy mẹ. Dù gia đình, bạn bè đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng chị Hoa vẫn cho rằng: “Thật sự tôi không muốn đánh con nhưng không đánh thì làm sao trẻ nên người. Ngày xưa, bằng tuổi nó, tôi đã phải làm biết bao thứ. Nếu buông lỏng không giáo dục, không cho roi cho vọt sớm muộn gì cũng hư”.

Dùng đòn roi chỉ làm trẻ đau

Khác với chị Hoa chỉ đánh con trong nhà, chị Mai (Quận 3) lại không ngại ngần đánh con giữa chốn đông người. Đưa con đi họp lớp với bạn bè nhưng không may An làm con gái của bạn bị té, dù An đã xin lỗi nhưng chị Mai vẫn tét vào mông con mấy phát. Nói về hành động của mình, chị Mai chia sẻ: “Trước khi đi ra ngoài tôi đã dặn cháu phải ngoan, không được làm mất mặt mẹ vậy mà cháu vẫn chứng nào tật ấy, nói hoài không được”.

Do không đủ kiên nhẫn giải thích, cộng thêm áp lực cuộc sống, các bố mẹ Việt không tiếc tay đánh mắng trẻ. Đánh con là một thực trạng mà nhiều gia đình vướng vào, thể hiện sự bất lực của cha mẹ đối với con cái.

Lời hối hận muộn màng

Dùng đòn roi khiến trẻ hiểu rằng người lớn ủng hộ bạo lực. Sau 2 lần giáo viên gọi điện thông báo việc An đánh bạn, chị Mai mới tá hỏa: “Thấy con mắc lỗi mình lại đánh cháu thật đau để cháu nhớ đòn. Nhưng đến khi bố cháu hỏi nguyên nhân vì sao đánh bạn, cháu mới bảo mẹ đánh con được thì con đánh bạn được”. Đòn roi chỉ chấm dứt hành động sai trái của trẻ ngay lúc đó chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu trực tiếp đánh trẻ, cha mẹ đã tước mất cơ hội giúp trẻ nhận lỗi và sửa sai.

 
Những ký ức đau đớn trong tuổi thơ sẽ ám ảnh trẻ suốt đời

Cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện, khi quá mạnh tay, cha mẹ có thể làm bé bầm tay, gãy xương, nghiêm trọng hơn là tổn thương về mặt tâm lý. Như trường hợp của anh Nguyễn Cường (Quận 11) vì giận con mê game, học hành sa sút, anh đã ném bình hoa về phía con, không may trúng đầu khiến bé phải nhập viện. “Khi cô giáo thông báo con bỏ học đi chơi game tôi giận lắm, nói mãi con không nghe lời nên tôi không thể kiềm chế được. Lúc ném chiếc bình hoa về phía con tôi biết mình đã phạm sai lầm”, anh Cường nghẹn ngào. Thực tế, những đứa trẻ thường xuyên bị đánh sẽ dễ stress, căng thẳng, lo sợ, khủng hoảng tâm lý. Những ký ức tức giận và đau đớn trong tuổi thơ sẽ ám ảnh đến tận khi trẻ trưởng thành.

Để dạy dỗ và giúp con nên người, việc đánh đập, chửi mắng không hiệu quả mà còn phản tác dụng. Vậy làm sao để có thể kiềm chế bản thân, dạy con nhận ra lỗi lầm mà không cần dùng đến biện pháp mạnh? Câu trả lời sẽ có trong hội thảo “Kỷ luật không đòn roi trong dạy trẻ” do Trường Tiểu học và Trung học Tây Úc tổ chức sáng 9h ngày 29/3 với sự tham gia của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn. Hội thảo mở cửa miễn phí, đến tham dự các bậc phụ huynh sẽ được chia sẻ những kiến thức bổ ích, khoa học trong nuôi dạy con, để giúp trẻ phát triển lành mạnh và toàn diện.

Chia sẻ