Khơi dậy cá tính và sự sáng tạo ở trẻ

,
Chia sẻ

Trẻ em từ độ tuổi lên 2 bắt đầu có xu hướng quan sát thế giới chung quanh. Đôi mắt của bé dễ bị thu hút bởi những màu sắc rực rỡ, những hình thù ngộ nghĩnh, sống động.

 Đây chính là thời điểm bố mẹ phải chú ý đến con mình thật kỹ, từ đó phát hiện ra và khơi dậy tiềm năng sáng tạo vô giới hạn của trẻ

Hiểu con và giúp kích thích sự sáng tạo của con là điều không hề dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Trẻ nào cũng hiếu động, cũng có một số đặc điểm về cơ bản là giống nhau. Sự khác biệt là ở chỗ, các bậc phụ huynh có đủ nhạy cảm để nhận ra đâu là tiềm năng thật của con mình, đâu là dấu hiệu căn bản chung của bọn trẻ. Có 7 cách cho bạn tham khảo:

1. Những chiếc nón ngộ nghĩnh

Think pink - khái niệm về suy nghĩ, nhìn cuộc sống đầy màu hồng, lạc quan luôn được các nhà tâm lý học trên thế giới khuyến khích mỗi chúng ta rèn luyện mỗi ngày. Đây cũng là bài học nên áp dụng giúp trẻ phát triển cách nhìn tiêu cực vào cuộc sống. Hãy chọn mua cho bé nhiều loại mũ, nón thật độc đáo, ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc. Đôi khi là một tờ giấy màu hồng được cuốn lại trong vài giây.
 
Những chiếc nón được thay đổi thường xuyên có tác động trực tiếp đến đầu óc đang rất trong veo của trẻ. Bố mẹ sẽ nhanh chóng nhận ra, con mình có cá tính, óc sáng tạo hay không qua việc trẻ thích loại hình mũ, nón nào. Nếu bé thích làm nhiều trò với chiếc nón, vặn vẹo, sáng tạo đủ kiểu với chiếc nón, có nghĩa là bé có xu hướng tìm kiếm những điều mới lạ, không thích khuôn mẫu, gò bó.

Thời gian cho trò chơi: Không giới hạn thời gian và không gian. Đặc biệt chú ý khi bé đi chơi ngoài trời, đi du lịch với bố mẹ…

2. Tập tô màu

Mua cho bé những cuốn tập trong đó có những bức tranh tô màu có đường nét đơn giản như hình gà trống, con vịt, con thỏ… Khi lựa mua bút chì màu để tô, bạn nên mua những màu thật tươi, trung thực, giá cả có thể đắt hơn một chút nhưng con bạn sẽ biết cách nhận dạng màu sắc tốt. Hàng ngày, bố hoặc mẹ bỏ ra chừng 30 phút để chơi với bé trò chơi này. Vừa tô màu cùng con, vừa nhắc đi nhắc lại đây là màu gì, màu đó có ở bông hoa, trái cây, con vật nào…

Cũng nằm trong việc giúp bé định dạng màu sắc tốt là những trò chơi như rải màu lên tranh cát, tô tượng thạch cao...

Thời gian cho trò chơi: 30 phút/ngày.

3. Nghệ thuật xếp giấy

Không cầu kỳ như Origami của Nhật Bản, bạn chỉ cần dùng giấy xếp hoặc cắt cho bé những hình thù đơn giản. Búp bê giấy, quần áo giấy, tàu bay, con thuyền, chim hạc bằng giấy… Tất cả tạo cho bé cả thế giới của sự tưởng tượng. Vừa làm, bố mẹ vừa hỏi bé có hình dung được đây là hình gì không? Sau đó khuyến khích hoặc "mớm" cho trẻ vài gợi ý, nhằm hướng bé đến câu trả chính xác.

Nếu bạn chỉ cần mua cho con những đồ chơi bằng nhựa theo kiểu sản xuất đại trà, bé sẽ bị hạn chế đầu óc tưởng tượng.

Thời gian cho trò chơi: 30 phút/ngày.

4. Đôi bàn tay tạo hình

Mỗi tối, bạn và bé cùng dùng ngôn ngữ đôi tay để chơi với cái bóng trên tường. Đây là cách kích thích sự sáng tạo của trẻ rất tốt. Đôi tay có thể biến hóa rất nhiều hình thù tác động một cách lý thú đến với đầu óc của trẻ. Ví dụ, chụm hai bàn tay vào nhau, đưa lên tường, bóng tạo thành búp, nụ hoa. Xòe mười ngón tay ra, tạo thành bông hoa nở. Giơ mỗi bàn tay hai ngón hình chữ V, bóng tạo thành con thỏ. Đưa hai bàn tay gần nhau, rồi vẫy vẫy hai bàn tay, sẽ tạo thành cánh chim hay cánh bướm. Vừa nói, bạn vừa thuyết minh đó là hình gì, rồi hướng dẫn bé làm lại giống như bạn.

Thời gian cho trò chơi: 15 phút/ngày.

5. Cây bút chì và câu chuyện

Trẻ vốn có óc tưởng tượng phong phú, nên đôi khi chỉ cần vài nét bút chì đơn giản, bạn đã có một câu chuyện dễ thương và dễ nhớ cho bé. Đừng công thức kể những câu chuyện cổ tích quen thuộc (bạn nên đọc truyện cổ tích cho bé trước khi đi ngủ là tốt nhất). Thay vào đó, chính bố mẹ nên nghĩ ra một câu chuyện đơn giản, gần gũi, có thể vừa diễn ra trong cuộc sống. Vừa kể bằng miệng, bố mẹ vừa dùng bút chì vẽ lại câu chuyện đó bằng đường nét đơn giản nhất.

Ví dụ, hãy vẽ câu chuyện bút chì "Bé cho con cún ăn cơm", là việc mà lúc nãy bé vừa cùng làm với mẹ. Câu chuyện có 5 bước, được thể hiện qua 5 hình đơn giản bằng nét bút chì: hình tô cơm đang có nhiều cơm, hình bé, hình chú cún, hình bé bưng tô cơm, hình tô cơm trống sau khi cún ăn… Chú ý: Những bức hình chỉ có tính tượng trưng, chủ yếu là câu chuyện có sức thuyết phục từ miệng của bố mẹ.

Sau đó, gợi ý cho bé kể một câu chuyện có thật, ví dụ: Bé đang xem tivi phim mèo chuột (Tom & Jerry). Bố mẹ vẽ nét đơn giản thể hiện chú mèo Tom, chú chuột Jerry, hình chiếc tivi, hình bé đang ngồi…

 
Thời gian cho trò chơi: 15 phút/ngày.
 
 
BỐ MẸ HÃY SÁNG TẠO CÁCH CHƠI VỚI CON TRƯỚC
 
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều sách giúp bố mẹ dạy con, kích thích tính sáng tạo hay tư duy của con. Nhưng mua sách không chưa đủ. Chính bố mẹ phải chủ động chơi với con, nghĩ ra nhiều trò chơi cho con chứ không nên dựa vào sách vở. Đời sống thực tế có muôn vàn điều thú vị, mà chính bố mẹ cần quan sát và áp dụng đối với con mình sao cho phù hợp nhất.
 
-> Hãy tham khảo hệ thống nhà sách Fahasa trên toàn quốc để tìm những sách, trò chơi, công cụ hỗ trợ việc khám phá tiềm năng sáng tạo và cá tính của con bạn.

 

 
Theo SSM
Chia sẻ