“Khoán trắng” con cho bà và người giúp việc

Nam Hải,
Chia sẻ

Từ khi mới sinh con, chị Hoa hầu như dành việc chăm sóc Bim cho bà nội. Tất tần tật mọi việc chăm Bim đều là bà hết.

Không chăm sóc khiến con sinh bệnh

Từ khi mới sinh con, chị Hoa hầu như dành việc chăm sóc Bim cho bà nội. Tất tần tật mọi việc đều bà hết. Sáng dậy bà thay bỉm, pha sữa cho Bim. Cả ngày, Bim ở nhà với bà. Bà cho ăn, tắm rửa dẫn con đi chơi. Tối, có khi con lại ngủ với bà.

Hôm qua, đi làm về, thấy con quấy khóc, chị Hoa chỉ biết mắng con. Càng mắng, con càng khóc, chị Hoa lại quát con nhiều hơn. Chị còn bực vì đi làm về, con cứ bắt bế, không chịu ngồi xuống chơi.

Mà con có bị ho hay sốt gì đâu, cũng chẳng mọc răng, sao mà quấy thế. Khắp người con, chị cũng không tìm thấy vết ngã hay bị mẩn đỏ nào cả. Tuy nhiên, khi nhìn thấy Bim bị đọng nước tiểu ở dương vật, chị mới hỏi bà. Hóa ra, sau mỗi lần con đi tiểu, bà chỉ lau cho con bằng giấy ướt, có thoa phấn thơm. Khi chị lột phần da đầu trên dương vật con, con khóc thét, giãy dụa thật dự dỗi. Hóa ra con bị phồng đỏ và rỉ mủ, có những mảng trắng bám vào trông như bị nấm.

Bấy lâu nay, chị Hoa không để ý vệ sinh bộ phận sinh dục cho con. Còn bà ở nhà cũng thay rửa cho Bim. Nhưng bà cũng già rồi, mắt kém rồi nên không thể chăm sóc vệ sinh cho Bim kỹ càng được. Bây giờ, con đi tiểu, tia nước tiểu vừa nhỏ và yếu. Phần da quy đầu thì phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại.

Hôm nay chị Hoa đưa con đi khám! Nhưng nếu như chị chú ý chăm sóc con một chút, có thể Bim sẽ không phải chịu đau và đi bệnh viện như bây giờ.

Con thân với người giúp việc

Chị Mai có người giúp việc trông con từ lúc bé được 9 tháng. Chị vẫn thường tự hào với người bạn bè là có người giúp việc ngon thế. Một tay tươm tất lo nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cả cu Tí.

Một tối đi làm về nghe con trai 18 tháng tuổi bi bô, chị ngơ ngẩn mãi không hiểu, trong khi chị giúp việc tủm tỉm “cháu nói mẹ về đấy”. Trời, vậy mà chị nghe là “mê vê, mê vê”. Đôi khi, chị lại cảm thấy thật bối rối khi nói chuyện với con.

Nhiều gia đình hiện đại đã "khoán trắng" con cho người giúp việc

Đến bữa, con trai chị lại không chịu ăn cơm cạnh bố mẹ. Đến bữa, con thích bưng bát, chạy xung quanh nhà hoặc ngồi cạnh bác giúp việc. Sau này chị mới biết bé bắt chước thói quen của bác giúp việc. Bác thường cho cháu một tô, bác một tô và vừa ăn vừa đi khắp nhà. Làm thế nào để con gái chịu ngồi vào bàn ăn với cha mẹ cho nề nếp và lịch sự, với gia đình chị vẫn là một bài toán khó.

Hậu quả của việc “khoán trắng”

Do áp lực công việc, nhiều cha mẹ giao phó việc chăm sóc, dạy dỗ con cái cho người giúp việc. Song họ không ý thức rằng khi trẻ được “giao khoán” cho người giúp việc có thể tăng nguy cơ tự kỷ lên bảy lần.

Bên cạnh đó, trẻ con bắt chước rất nhanh. Khi người giúp việc là người gần, thân nhất của trẻ thì việc trẻ học những cách ứng xử, hành vi... giống người giúp việc là điều dễ hiểu.

Hơn thế, khi bố mẹ khoán trắng con cho bà hoặc người giúp việc, con sẽ yêu bà và người giúp việc hơn. Tình cảm giữa con và bố mẹ cũng chỉ dửng dưng mà thôi.

Theo Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, nếu cha mẹ giao mọi việc từ A-Z cho người giúp việc hay người nhà để có thời gian lao động kiếm tiền, mong con cái sau này có cuộc sống đầy đủ hơn thì vô tình cha mẹ đang tự rút lui khỏi việc dạy dỗ, uốn nắn con. Trẻ con - nhất là từ lúc sinh ra đến khi 6 tuổi - rất cần cha mẹ bên cạnh mới có thể hình thành, phát triển nhân cách toàn diện. Và các bậc phụ huynh cũng lưu ý tiền bạc có thể kiếm nhiều lúc, nhưng tuổi thơ của trẻ sẽ không trở lại...

Các bố mẹ hãy dành trong quỹ thời gian của mình một thời gian ít ỏi cho con! Điều này còn có ích và quan trọng với con hơn rất nhiều lần số tiền bố mẹ kiếm được để dành cho con sau này.

 

Chia sẻ