Học trước khai giảng sau cũng có sao, vì cuộc đời vẫn rất cần những cột mốc ghi dấu để trưởng thành

NH NF,
Chia sẻ

Bây giờ các con đang sống trong thế kỉ 21 - thời đại 4.0, có nhiều đổi khác, nhưng như thế không có nghĩa là ngày khai giảng không có ý nghĩa. Mẹ tin thời nào cũng có cái đẹp của riêng nó. 

Con yêu thương!

Một mùa tựu trường nữa lại về với con và các bạn. Tối qua, mẹ (cô) đi mua thêm một số đồ dùng cho hai con, trong khi lựa đồ mẹ nghe được cuộc trò chuyện của người cùng đi mua: 

- Ôi dào, bày đặt ngày khai giảng, đến trường học thêm học nếm từ tám hoánh nào rồi còn ý nghĩa quái gì nữa mà khai mới giảng...

- Tôi cũng thấy thế, dẹp, không cần khai giảng khai trường gì nữa, hình thức vẽ chuyện.

Lặng nghe và mẹ nghĩ mãi, đúng là mỗi người mỗi quan niệm. Thời của mẹ, 3 tháng hè là nghỉ trọn vẹn nên đêm trước ngày khai trường thường hồi hộp náo nức lắm, sau 3 tháng ôi nhìn bạn nào cũng lớn lộc ngộc, dậy thì phổng phao, con gái thì xinh đẹp, con trai thì trưởng thành nên thực sự ngày khai trường vui lắm. Những tiếng " ồ" " à" so nhau xem đứa nào cao hơn đứa nào... Còn những tâm hồn lãng đãng như mẹ thì thuộc lòng "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh: 

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm của buổi tựu trường..."

Còn bây giờ các con đang sống trong thế kỉ 21 thời đại 4.0, có nhiều đổi khác, nhưng như thế không có nghĩa là không có ý nghĩa. Mẹ tin thời nào cũng có cái đẹp của riêng nó. Và mẹ nghĩ vẫn cần và rất cần ngày khai giảng bởi cuộc đời này là một hành trình vạn dặm, cần có những dấu mốc để đánh giá ghi dấu sự trưởng thành, thành đạt của mình, cái gì cũng úi xùi cái gì cũng qua loa thì tìm đâu ra thời khắc thiêng liêng phải không con?

Học trước khai giảng sau cũng có sao, vì cuộc đời vẫn rất cần những cột mốc ghi dấu để trưởng thành - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Vì vậy mà chúng ta vẫn duy trì ngày tựu trường chào đón năm học mới. Một năm học mới lại bắt đầu. Bao lần mẹ chia sẻ với con những điều kì diệu phía bên kia cổng trường: con sẽ có một thanh xuân tươi đẹp ở nơi đó. Con sẽ được những người thầy có lửa tiếp cho con tri thức đam mê, cả sự chín chắn trưởng thành. Con sẽ có những người bạn đi cùng thanh xuân, cho con cả một trời kỉ niệm. Và cũng rất có thể nơi ngôi trường yêu dấu đó sẽ chứng kiến những rung cảm đầu đời trong suốt như suối nguồn để sau này dù thành hay không con vẫm mỉm cười vì mình đã có một thanh xuân như thế. 

Những ưu việt của ngôi trường mẹ không cần nói thêm gì nữa, mẹ chỉ muốn gửi đến con đôi lời tâm sự đêm trước ngày tựu trường bằng sự trải nghiệm của một người đã gần 20 năm gắn bó sâu sắc với bục giảng, để con thấy trong môi trường học tập cũng có những góc tối, không phải mẹ bi quan mà chỉ là muốn con không bị hẫng hụt hay vội vàng thất vọng sớm bởi cái gì cũng có hai mặt của nó con yêu à.

- Trong cánh cổng trường kia không hoàn toàn là màu hồng mà sẽ có lúc con bị bạn bè xa lánh vì không cùng ý nghĩ với họ, thầy cô hiểu lầm, quở trách không đúng. Con đừng vội buồn mà nghĩ tất cả mọi người đều thế nhé, rồi buông bỏ điều tử tế con hằng theo đuổi. Con nhớ nhé. Trái tim sẽ đến được với trái tim, đừng vì một phút giây bị xa lánh kì thị mà ăn miếng trả miếng đáp trả, như thế sẽ mệt mỏi lắm con à. Não lúc nào cũng nghĩ kế hại lại người, thì lấy đâu ra chỗ trống cho khát vọng tri thức và ước mơ?

- Con và các trò từng hỏi mẹ: Nếu đi học con bị điểm kém thì có sao không? Có bị mắng không? Thực ra phải nói thật với các con, sinh con ra người bố, người mẹ nào chẳng mang trong mình những kì vọng. Sự kì vọng ấy nó được nhen nhóm ngay từ khi con còn là một phôi thai, nghèo tẩm bổ kiểu nghèo giàu tẩm bổ kiểu giàu, ngày đấy nhà mình nghèo lắm, vậy mà mẹ cũng cố gắng ăn đến 50 con cá chép (hi hi mỗi con một lạng, như cá giống ấy) ăn đến mức bây giờ nói đến cá chép mà mẹ đã đau hết cả đầu, mục đích duy nhất là để con thông minh. 

Học trước khai giảng sau cũng có sao, vì cuộc đời vẫn rất cần những cột mốc ghi dấu để trưởng thành - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Nên nếu bố mẹ có kì vọng có khát khao con giỏi giang, mong các con hiểu, đừng nghĩ đó là áp đặt, là khó chịu, là áp lực, nó là khát vọng bản năng của bất kì người làm cha làm mẹ nào mà. Còn bây giờ mẹ cũng hiểu thông minh là thiên bẩm, vậy các con cứ thuận theo tự nhiên nhé. Giỏi giang thì càng tốt còn bình thường mẹ vẫn yêu con. Nhưng chỉ mong con sống có trách nhiệm với cuộc đời của mình mà cuộc đời lại bắt đầu từ những bài học đầu tiên con à!

- Đừng ngại đến trường lớp con nhé, đừng nản trước những bài thi còn chưa toại nguyện, đừng né tránh những kì thi cọ sát. Con biết không? Ngày nhỏ mẹ sợ sấm chớp lắm, sợ đến mức chỉ một tia chớp nhoằng lên là mẹ co rúm chui vào gầm bàn gầm giường, mắt nhắm tịt lại. Và rồi ông ngoại đã cho mẹ nhận thức rằng nếu chạy trốn né tránh thì cả đời con sẽ sống trong sợ hãi. Chỉ có cách đối mặt, mẹ đã có một nụ cười thật đẹp trong cơn giông và cảm giác tia chớp cũng chỉ giống như một lần mẹ đứng trước ống kính nhiếp ảnh mà thôi. 

- Năm nào đêm trước ngày khai giảng mẹ cũng muốn viết thư cho các con, và mỗi lần mẹ chấm câu kết thúc lá thư mẹ đều nghĩ, vậy là chia sẻ hết rồi sang năm chỉ việc share lại thôi, nhưng đúng là con à: Trái tim người làm mẹ càm ràm cho bao giờ hết, đời người không quá dài nhưng bài học làm người muốn san sẻ lại cho con có bao giờ là trang cuối? Mong các con hiểu từ khi sinh con ra trái tim của những người làm cha làm mẹ để ngoài lồng ngực, con đi một bước bố mẹ phập phồng lo theo. Định viết vài dòng mà thành dài ra thế này, thôi vì ân tình mẹ là mẹ của con, cô của các trò cố gắng đọc để mẹ con mình hiểu nhau hơn con à.

Ngày mai, mẹ chúc các con và trò của mẹ một khởi đầu đẹp đẽ tràn đầy niềm vui và ý nghĩa. Nhớ nhé, hành trình của các con không cô đơn, vì bên con luôn có mẹ có cha, có những người thầy thực sự gieo hạt nắng cho con!

Yêu các con và trò của mẹ.

Mẹ (cô)

Nguyễn Nguyệt Hà

Chia sẻ