Hậu quả từ những hình phạt bằng đòn roi

,
Chia sẻ

Nhiều cha mẹ sử dụng đòn roi như một biện pháp mạnh để đối phó với bé cứng đầu. Bạn có thể nghĩ, đánh bé vào tay, chân hay mông sẽ không gây hại gì.

Tuy nhiên, xét về mặt luật pháp, hành vi này của bạn có thể được xếp vào vấn đề ngược đãi bé.

Mặt khác, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, những bé thường xuyên bị đánh đập sẽ dễ mắc các chứng bệnh về rối loạn tâm lý sau này. Nhiều bé thích đánh, cấu véo, bắt nạn bạn chơi do bắt chước hành vi này từ bố mẹ.

Tốt nhất, bạn nên thống nhất giới hạn cho mình khi muốn giáo dục bé và nói "không" với đòn roi. Vì những lúc nóng giận, bạn có thể không kiểm soát được hành động của mình; bạn chỉ nghĩ rằng, đánh bé sẽ khiến bé nghe lời và không mắc lỗi nữa nhưng hậu quả thường khiến bé bị đau, thậm chí bị thương. 

Hơn nữa, những bé bị đối xử thô bạo lúc còn nhỏ thường trở nên ngỗ ngược, cứng đầu hơn khi trưởng thành. Các nhà giáo dục coi đó là hội chứng "chai sạn cảm xúc", bé không thấy sợ hãi, đau khổ, phải khóc lóc vì đã quá quen với đòn roi.

Ngược lại, một số bé có xu hướng sống khép mình, tỏ ra sợ sệt khi bị ăn đòn. Lâu dần, bé sẽ bị ức chế tâm lý, ngại giao tiếp và tỏ ra khó gần.

Tác dụng của hình phạt

Phạt là hình thức để uốn nắn hành vi sai trái của bé. Khi bị phạt, bé sẽ tự nhận biết đó là hành vi không được phép tái phạm trong thời gian tới.

Trước hết, bé sẽ xuất hiện cảm giác sợ hãi và hình thành phản xạ tự nhiên với suy nghĩ: “Nếu còn làm như vậy, mình sẽ bị mẹ mắng, mẹ sẽ không yêu, không đưa đi chơi nữa…” Từ đó, bé sẽ ghi nhớ điều này khá lâu.

 

Nhiều bé không hiểu vì sao hành vi của mình lại bị cấm đoán nhưng bé lại cảm nhận được sự không hài lòng từ phía bạn. Vì vậy, bạn nên giải thích khi bé mắc lỗi, để bé biết cách tự kiểm soát hành vi của mình. Từ đó, xây dựng cho bé lòng tự tin và tinh thần biết chịu trách nhiệm.

Bạn nên tìm ra cách phạt bé đơn giản, hiệu quả mà không gây hại cho quá trình phát triển thể chất và trí tuệ bé. Chủ yếu là để bé ghi nhớ và lần sau không tái phạm. Ví dụ như nếu bé tái phạm lỗi nhiều lần, bạn có thể cắt các kế hoạch vui chơi, giải trí, phần thường của bé hoặc yêu cầu bé làm việc để khắc phục hậu quả mình gây ra...

Lưu ý:

- Nếu bạn không kiên quyết, dứt khoát, thống nhất và khéo léo trong cách áp dụng hình phạt, bé sẽ càng trở nên ương bướng, khó bảo hơn.

- Dù tức giận và muốn trừng phạt bé như nào, bạn cũng không nên vượt quá giới hạn của tình thương mà đánh bé.

- Không dùng bất kỳ một vật dụng gì như thước kẻ, cán chổi, thắt lưng, kể cả lời nói… để dọa dẫm bé.

Theo Phương Thảo
Mevabe/Kiddevelopment
Chia sẻ