“Hành xử” với tiền mừng tuổi của con

HN,
Chia sẻ

Ngày chưa có con, cứ đến Tết là Hạnh lại thấy sợ vì thế nào chị cũng nghe được dù là loáng thoáng câu nói của bà nội: “Nhà người ta con đàn cháu đống, đi chúc Tết toàn phải mừng tuổi, nhà mình mãi chẳng có đứa cháu nào để bà “gỡ” lại, lỗ to”.

Chẳng biết là vô tình hay cố ý, nhưng bao giờ bà nội cũng cố nói để Hạnh nghe được ít nhiều. Về làm dâu bà đã mấy năm nên chị Hạnh cũng không còn lạ gì tính bà. Bà vốn rất… “thích tiền”, nói theo kiểu dân dã hơn thì khá là… ki bo. Bà tính toán từng đồng với con cái chứ đừng nói với người ngoài. Nhưng câu nói của bà hàm ý thế nào thì Hạnh cũng chẳng rõ, không biết bà cố ý ám chỉ vợ chồng Hạnh mãi không sinh con hay bà ám chỉ ít nữa có cháu, có tiền mừng tuổi thì phải trả bà số tiền bà bỏ ra mừng tuổi người khác.

Rồi vợ chồng Hạnh cũng sinh một thằng cu kháu khỉnh. Tết đầu tiên của thằng bé là lúc nó được gần 11 tháng, đã biết cầm tiền khá chặt. Mọi người chúc Tết đều tấm tắc thằng bé xinh xắn và khi mừng tuổi đều giúi tiền vào tay cháu. Hạnh thì chắc mẩm, “năm nay là Tết đầu tiên, chắc con trai sẽ được kha khá tiền mừng tuổi đây”. Khi khách vừa về bà nội nhanh nhẹn xun xoe lại chỗ cháu nội, hỉ hả: “À đưa phong lì xì bà xem nào, bà vừa phải mừng tuổi cho cháu người ta từng này từng này tiền này, giờ thì đưa trả bà nhé”. Hạnh đứng bên cạnh nghe mà quá ngạc nhiên, miệng há ra không ngậm lại nổi. Hạnh đã lường đến tình huống này nhưng không hề nghĩ bà lại có thể làm thế thật, dù gì cũng là tiền mừng tuổi của cháu.
 

Nói ra thì lại bảo ngày Tết có ít tiền mừng tuổi của con mà người lớn tranh nhau, sẽ chẳng ra làm sao. Hạnh nghĩ, bà nội phải mừng tuổi nhiều nhưng không “thu” lại được nên bà “tranh thủ” của cháu. Nhưng Hạnh cũng phải mừng tuổi con người ta chứ có phải mỗi mình bà nội mừng tuổi đâu. Hết Tết, kiểm tra lại thì thấy tiền mừng tuổi của cháu bị bà nội “xin lại” quá nửa, Hạnh cảm thấy khó nghĩ và khó nói.

Rút kinh nghiệm, năm sau, Hạnh đưa thêm tiền Tết cho ông bà và không quên nhắc khéo: “… để bà có thêm tiền mừng tuổi trẻ con…”. Hôm Tết, Hạnh bảo chồng mừng tuổi ông bà nội nhiều hơn năm ngoái một chút để bà nội không phải “đắn đo” chuyện tiền nong.

Hạnh cũng mua cho con một cái túi đeo trước ngực và dặn con, cứ hễ ai mừng tuổi là cho vào đó rồi mang về đưa cho mẹ, không được đưa cho ai. Thằng bé cứ thế làm theo, kể cả bà nội bảo đưa nó cũng không đưa mà bảo “cháu mang về cho mẹ cơ”, bà nội ngại đôi co với cháu nên cũng đành chịu. Về nhà bà nội vẫn không quên bảo cháu: “Nào, cháu ngoan đưa bà kiểm tra lì xì cho nào, nay bà mừng tuổi bao nhiêu em bé còn gì”. Bà nội nói với cháu nhưng lại cố tính cho vợ chồng Hạnh nghe thấy. Đến nước này thì Hạnh không thể “giữ ý” mãi được. Hạnh cũng bóng gió: “Mẹ cháu cũng mừng tuổi bao nhiêu các bé đấy còn gì, có phải mỗi bà nội mừng tuổi đâu. Mà mẹ cháu còn mừng tuổi nhiều hơn bà nội ấy chứ”. Bà nội tỏ ra không bằng lòng. Hạnh nghĩ, thà một lần mất lòng còn hơn cứ để mãi như vậy.
 

Hạnh cũng cảm thấy khó nghĩ, vì chẳng thấy ai bảo cứ tiền mừng tuổi của con là phải đưa cho bố mẹ bao giờ, với lại, mới có con được một hai cái Tết nên Hạnh cũng không rõ mình làm vậy có đúng hay không nữa. Bà nội cũng chẳng chịu hiểu cho Hạnh, tự nhiên, vì chuyện đó mà không khí gia đình mất đi tự nhiên và giảm bớt vui vẻ.

Mừng tuổi là một tục lệ từ xưa của dân ta, không nhằm mục đích làm giàu hay kiếm tiền mà với ý nghĩa tốt đẹp là cầu mong lộc tài sẽ đến với người khác. Tiền mừng tuổi không câu nệ phải có nhiều vì nó là vật tượng trưng cho may mắn. Nói chung, chuyện mừng tuổi người lớn, trẻ con ngày nay cũng có nhiều “biến đổi” khiến nó phần nào mất đi ý nghĩa cao đẹp. Cũng không có quy định nào nói rõ tiền mừng tuổi của con cái sẽ đưa cho ai giữ, mà đó là tùy theo mỗi gia đình. Nhưng thiết nghĩ nên làm sao để cả nhà cùng thấy thoải mái, không khí gia đình luôn vui vẻ là tốt nhất.
Chia sẻ