Hạnh phúc muộn màng của người mẹ U60 sau 3 lần sảy thai

NHƯ LOAN/ VTC News,
Chia sẻ

Ba lần lưu thai, hai lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại, phải mất 10 năm trải qua vất vả, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, vợ chồng chị Phúc mới được làm bố mẹ.

Năm 2004, chị Trần Thị Phúc và anh Nguyễn Văn Mạnh (ở Hà Nội) kết hôn. Khi đó, chị 41 tuổi, còn anh 42. Anh chị đến với nhau khi gần như đi qua nửa cuộc đời, khó nói trước được chuyện con cái. Một năm sau ngày cưới, chị có bầu, nhưng chỉ không may đến tháng thứ 3 thì hỏng thai. Lần thứ 2 chị mang bầu tiếp tục bị lưu. Bác sĩ kết luận nội tiết của chị kém, khó giữ thai.

Sau thời gian dài nghỉ ngơi và uống thuốc đông y, chị Phúc mang bầu nhưng khi thai được ba tháng chị bị trượt chân ở bậc thang, cú ngã đã cướp đi em bé của hai vợ chồng. “Phải chứng kiến con lưu thai liên tiếp tôi tuyệt vọng vô cùng”, chị Phúc nói.

Năm 2012, anh chị khăn gói tìm đến một bệnh viện đầu ngành về sản khoa để can thiệp y học nhưng cả hai lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết quả đều bằng không. “Nhiều người không có con, người ta cũng chẳng sao, miễn sao mình sống hạnh phúc”, anh Mạnh an ủi vợ sau hành trình dài vất vả.

Hạnh phúc muộn màng của người mẹ U60 sau 3 lần sảy thai - Ảnh 1.

Gia đình chị Trần Thị Phúc chụp ảnh cùng bác sĩ tại sự kiện của bệnh viện. (Ảnh: Như Loan)

Thất bại nhiều lần nhưng chị Phúc vẫn chưa thôi khát khao kiếm tìm một đứa con. Năm 2014, vợ chồng chị được giới thiệu đến một bệnh viện công có tiếng. Họ khẳng định chị vẫn có thể mang thai và sinh con, dù chị đã 52 tuổi, còn anh chạm ngưỡng 53.

Năm 2015, vợ chồng chị bắt đầu chế độ điều trị tại bệnh viện theo phác đồ của các bác sĩ. Nhờ noãn được hiến tặng kết hợp với tinh trùng của người chồng, sau 9 ngày kể từ khi được chuyển phôi, chị Phúc được các bác sĩ thông báo tin vui đã đậu thai.

Hành trình mang thai của người mẹ khi đã lớn tuổi quá nhiều gian nan, ngày nào chị cũng phải tiêm 2 mũi thuốc để giữ thai. Khó khăn là vậy nhưng chị Phúc luôn nhắc bản thân phải vui vẻ và mạnh mẽ để vượt qua 9 tháng 10 ngày.

Tháng 1/2016, chị sinh bé Tường Vy, nặng 2,7 kg trong niềm vui vỡ òa. Lần đầu làm bố mẹ ở tuổi ngoài 50, cả anh Mạnh và chị Phúc đều lóng ngóng, bế em bé nhưng tay vẫn run. Hiện chị Phúc tròn 60, anh Mạnh 61 tuổi, cô con gái Tường Vy cũng lên 7. Hạnh phúc của gia đình tuy muộn nhưng đã rất vẹn tròn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, Phúc là trường hợp khá đặc biệt, khi có thai bé Vy, bệnh nhân đã sắp mãn kinh, vô sinh nhiều năm, sảy thai cũng nhiều lần, 2 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm thất bại. Đây là một ca IVF khó, nhưng sau nhiều nỗ lực từ phía bệnh viện và bệnh nhân thì ca hỗ trợ sinh sản đã thành công. “Không chỉ vợ chồng bệnh nhân Phúc mà cả chúng tôi cũng nghĩ đây là trường hợp rất may mắn”, bác sĩ Nhã nói.

Ngày nay những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực. Các cặp vợ chồng sớm nhận thức được tình trạng hiếm muộn nếu chẳng may gặp phải ngay từ đầu để có biện pháp can thiệp y khoa phù hợp và điều trị thành công.

Các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn hiệu quả nhất hiện nay gồm IVF/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng), kỹ thuật PESA/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng lấy từ mào tinh hoàn)…

NHƯ LOAN
Chia sẻ