Giúp con học kỹ năng sống

,
Chia sẻ

Lo lắng trước những cảnh báo về một lớp trẻ thiếu kỹ năng sống, không ít phụ huynh đang chuyển hướng đầu tư cho con.

Bên cạnh việc cho con đi học Anh văn, hội họa, âm nhạc... nhiều phụ huynh đang ráo riết tìm kiếm những trung tâm huấn luyện kỹ năng sống cho trẻ với kỳ vọng: trẻ sẽ có đủ tự tin, bản lĩnh để vững bước vào đời.

Đua nhau cho con đi học kỹ năng sống


Cho trẻ vui chơi để phát triển kỹ năng

Thời gian gần đây, trên nhiều trang web dành cho cha mẹ và con cái, nỗi niềm "hot" nhất của các phụ huynh là "cho trẻ đi học kỹ năng sống (KNS) ở đâu?". "Trung tâm A, trung tâm B... chất lượng giảng dạy như thế nào?...". Không ít phụ huynh tìm lớp huấn luyện KNS cho con khi bé chỉ mới... 4 tuổi!

Đáp ứng nhu cầu, những khóa học trang bị KNS cho trẻ cũng đua nhau ra đời dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau. Thậm chí, có khóa học chiêu sinh trẻ ở tuổi lên... 3. Tùy theo chương trình, các khóa huấn luyện được thiết kế từ 5 buổi đến 2 năm, với mức học phí từ vài trăm ngàn đồng đến vài ngàn USD.

Tại một trung tâm huấn luyện kỹ năng cho trẻ ở quận 10, chị Huỳnh Thị Nhã Phương (ngụ tại Q.2) cố gắng dụ cô con gái 5 tuổi vào lớp học. Mặc cho mẹ nài nỉ, cô bé vẫn níu chặt tay mẹ, không chịu vào lớp. Sau gần 30 phút được cô giáo thuyết phục, bé cũng chịu vào lớp nhưng nước mắt ngắn dài.

Chị Phương phân trần: "5 tuổi rồi mà cháu nhút nhát quá. Nghe nói đây là khóa học giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và biết cách làm việc theo nhóm, nên tôi muốn cho cháu học thử xem sao".

Chị Bội Trinh (Q.5) đăng ký cho hai con học lớp 5 và lớp 8, tham gia chương trình "huấn luyện quý tử" với nỗi niềm: "Ở nhà chuyện gì cũng có người giúp việc và ba má lo. Riết rồi tụi nhỏ không chịu làm gì. Mười mấy tuổi đầu mà không xếp nổi cái mùng. Áo quần thay ra vứt mỗi nơi một cái. Cho tụi nhỏ đi theo chương trình này để biết cách tự chăm sóc bản thân".

Nhưng khi được hỏi: "Đi trại hè xong, về nhà có người giúp việc, có ba mẹ bảo bọc quá kỹ, không chừng con chị lại y như cũ” thì chị cười xòa: "Thì có giúp việc, hổng lẽ bắt con mình làm...".

Học kỹ năng sống, sống tốt hơn?

Từng tham gia Học kỳ quân đội 2008, Phạm Nguyên Khánh chia sẻ: "Ban đầu em nghĩ chương trình này giống đi... cải tạo hơn trại hè. Trại hè gì mà 10 ngày không chat, không email, không điện thoại, thậm chí không có cả quần áo đẹp. Nhưng rồi tất cả đã thay đổi. Em cảm thấy tự xấu hổ với bản thân khi đi thăm những em bé khuyết tật ở trung tâm mồ côi và khuyết tật Thị Nghè. Lần đầu tiên em thấy lòng mình ấm áp khi nhìn những ánh mắt hạnh phúc của các em nhỏ bất hạnh. Trại hè cho em hiểu cuộc sống này còn nhiều điều đáng quan tâm hơn, chứ không chỉ học và chơi".

Quyển nhật ký Học kỳ quân đội 2008 ghi lại nhiều cảm xúc rất thật của những trại sinh tham gia huấn luyện. Thùy Linh đã viết: "Mình là người ủy mị, sợ đám đông, lúc nào cũng được ba mẹ cưng chiều. Nhưng những ngày qua, mình cảm thấy rắn rỏi hẳn, thích giao tiếp với bạn bè. Thậm chí mình còn là nhân vật tạo niềm vui cho mọi người...".

Không phủ nhận những điểm tích cực của các khóa huấn luyện KNS cho trẻ, nhưng chuyên viên tâm lý (CVTL) Hoa Mai - hervietnam.com cũng bày tỏ quan điểm của mình: "KNS không phải là môn có thể dạy trẻ học thuộc lòng. KNS của mỗi người được hình thành qua quá trình rèn luyện, phấn đấu. Ở tuổi nào, con người cũng cần phải rèn luyện những KNS. Có những kỹ năng tùy thuộc vào tính cách, sở trường mà đôi khi có rèn luyện cũng khó đạt được".

Chị Hương (Q.10) có hai con đã tốt nghiệp khóa học Fastrackids do trung tâm Citysmart tổ chức, chia sẻ: "Hai con tôi thay đổi rõ rệt sau hai năm học. Bé gái vốn rất nhút nhát giờ tự tin hơn, biết cách bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Cháu trai nóng nảy, bộp chộp, thích lấn quyền khi chơi với bạn... giờ cũng biết cách tiết chế và điều chỉnh để hòa hợp hơn khi làm việc theo nhóm.

Khóa học được thiết kế theo nhiều chủ đề, chương trình để phát triển kỹ năng cho trẻ, nhưng không phải vì thế mà gia đình có thể giao phó toàn bộ trách nhiệm huấn luyện KNS cho trung tâm. Vai trò của bố mẹ cũng không kém phần quan trọng trong việc phối hợp với giáo viên. Mỗi tuần chỉ có 2 giờ học, nên gia đình vẫn phải giữ vai trò chính. Theo tôi, hai năm học ở đây chỉ trang bị cho trẻ phần nền, dạy các em cách nhìn nhận vấn đề, gợi mở cho các em những suy nghĩ tích cực và cung cấp những phương thức rèn luyện trong cuộc sống.

Không thể nói học KNS sẽ giúp trẻ sống tốt hơn, biết cách cư xử lịch sự hơn, bởi điều đó còn tùy thuộc vào bản chất của trẻ, văn hóa gia đình và cách giáo dục con của cha mẹ. Cũng không thể khẳng định khóa học sẽ trang bị cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết để tự tin vào đời, mà cha mẹ luôn phải đồng hành cùng con để liên tục điều chỉnh, hỗ trợ kỹ năng sống cho con phù hợp với lứa tuổi và thực tế cuộc sống".

Theo bà Trish Summerfield, giảng viên trung tâm Giá trị sống tại Việt Nam: "Khi chỉ được học kỹ năng mà không được học về giá trị cuộc sống, trẻ có thể sẽ trở nên ích kỷ và kiêu ngạo. Lúc nào cũng tỏ thái độ: đã biết, biết rồi.... Biểu hiện của các em cũng dễ hiểu, bởi xung quanh, nhiều người lớn chỉ quan tâm tới việc làm sao để học được các kỹ năng làm việc cho tốt, mà không học cách sống sao cho tốt. Chẳng hạn như trong kinh doanh, họ học cách kiếm nhiều tiền, nhưng không học cách kinh doanh trung thực, hay có khi kiếm được rất nhiều tiền nhưng họ lại làm thương tổn môi trường".

Làm sao để phát triển kỹ năng sống cho trẻ? 


Sinh hoạt tập thể cũng là
một cách rèn luyện kỹ năng sống

Nhiều công trình nghiên cứu của VN lẫn thế giới đều chứng minh trẻ em được vui chơi nhiều hơn ngoài trời sẽ tự tin, năng động hơn. Những hoạt động vui chơi này là nền tảng khá vững chắc để trẻ phát triển kỹ năng sống. Khi được tiếp cận, khám phá thế giới xung quanh, trẻ sẽ vượt qua sự nhút nhát của bản thân và  cảm nhận thế giới xung quanh gần gũi như một phần của cuộc sống.

Những trò chơi sẽ hình thành cho trẻ những kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc người thân... Điều đáng quan tâm là hiện nay, đa số trẻ ít được khuyến khích tham gia những trò chơi mang tính xã hội, cộng đồng, thay vào đó, các em sớm làm quen với vi tính, games online, game boy, play station... 

CVTL Hoa Mai cũng cho biết thêm: "Chính sự bao bọc thái quá của cha mẹ khiến trẻ mất dần những KNS cơ bản. Ngày nay, không ít cha mẹ bảo bọc con đến mức trẻ không có cơ hội tự suy nghĩ, tự thực hiện những việc cơ bản nhất để chăm sóc bản thân. Thực tế cuộc sống cũng cho thấy, nhiều trẻ ở những gia đình có thu nhập trung bình, chưa bao giờ được tham gia các khóa huấn luyện KNS tốn kém, nhưng vẫn có KNS rất tốt. Trẻ biết chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người thân, biết tự giác tổ chức cuộc sống bản thân, biết cách tự bảo vệ bản thân trước sự nguy hiểm và biết cách vượt qua khó khăn.

Những trẻ này được phát triển trong môi trường tự nhiên hơn, các em có cơ hội được tiếp xúc nhiều với thế giới xung quanh để  phát triển về nhiều mặt và học cách thích nghi với mọi hoàn cảnh khác nhau. Đương nhiên để trẻ phát triển tốt, không thể loại trừ yếu tố gia đình".

Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang (trường  Cán bộ TP.HCM) cũng khẳng định: "Các chương trình sinh hoạt ngoại khóa, phong trào đoàn đội là những khóa huấn luyện KNS hoàn toàn miễn phí, nhưng lại giúp trẻ phát triển KNS tốt nhất, hiệu quả nhất. Tiếc rằng, hiện nay, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con tham gia những khóa học phát triển kỹ năng khá tốn kém nhưng lại luôn thờ ơ với các phong trào Đoàn Đội".

Thu Hà, cô học sinh VN được tổng thống Bush tặng bằng khen năm 2008  vì thành tích học tập và công tác xã hội đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển KNS của mình: "Ngay từ khi còn học ở VN, em tận dụng mọi cơ hội để tham gia các phong trào của nhà trường. Những phong trào này giúp em tự tin, năng động và phát triển nhiều kỹ năng khác nhau như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng nói trước đám đông... Nhờ đó khi sang Mỹ, em dễ dàng hòa nhập với môi trường sống mới, để có thể vừa học tốt vừa tham gia những hoạt động ngoại khóa của nhà trường".

Là mẹ của hai con, bà Juliette Morton - giám đốc điều hành Hervietnam.com đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển KNS cho con của mình: "Ở phương Tây, chúng tôi giáo dục trẻ dựa trên nền tảng sự tự quản, độc lập và lòng tự tin. Sự độc lập của trẻ được cha mẹ giáo dục ngay trong những năm tháng đầu đời. Vài tuần tuổi, trẻ đã được cho ngủ một mình và được dạy cách tự đi vào giấc ngủ. Khi trẻ tới tuổi đến trường, trường học sẽ là nơi tiếp tục củng cố và giáo dục cho trẻ tính độc lập.

Trẻ được khuyến khích phát biểu quan điểm, suy nghĩ của mình ở nhà cũng như trong trường học. Sự tự tin là kỹ năng quan trọng nhất, là chìa khóa tác động đến tất cả những mối quan hệ, hành động trong cuộc sống như kỹ năng diễn thuyết, làm việc nhóm, cuộc sống gia đình... Tôi quan niệm, trẻ cần được giáo dục lòng tự tin ngay từ khi còn bé và những KNS thì cần phải rèn luyện suốt cả cuộc đời chứ không đơn giản chỉ thông qua một vài khóa học".

Theo Phụ nữ

Chia sẻ