Giáo dục giới tính: Hiểu sai - hại con

,
Chia sẻ

Giáo dục giới tính là phải làm sao giúp trẻ vị thành niên trưởng thành trong tâm thức về tư cách giới tính của mình, để các em tự tin, vững vàng khi vào đời.

Không ít bài báo về giáo dục giới tính (GDGT) đã khuyến cáo mạnh mẽ sự cần thiết phải GDGT cho đối tượng vị thành niên trong gia đình, nhà trường càng sớm càng tốt. Có bài báo còn phê phán gay gắt sự chậm trễ, lúng túng của người lớn như là một thái độ thờ ơ, không thấu hiểu mong mỏi của con em mình muốn được cha mẹ "vẽ đường" trong việc này.
 
Khi tìm cách chứng minh cho sự cần thiết hay mong mỏi được GDGT thì nội dung các bài viết này thường nêu các ví dụ điển hình "trỗi dậy" về sinh lý giới tính của tuổi dậy thì, về tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên, về hậu quả lây nhiễm đường tình dục, về các biện pháp phòng tránh thai, về bao cao su hoặc viên thuốc tránh thai khẩn cấp...
 

 
Có bài báo viết về một bà mẹ như một tấm gương về sự khôn ngoan cần noi theo: bà cho sẵn vào cặp sách của con gái vài cái bao cao su, để con bà có cái "tự vệ", khỏi lo nó gặp rắc rối dính bầu hoặc dính bệnh... mặc cho con gái bà phản ứng quyết liệt vì sợ bạn trai phát hiện. Có lẽ, bà mẹ bị ám ảnh bởi những hậu quả nhãn tiền, mà không quan tâm đúng mức đến những vết thương lòng khó lành, thường lấy đi niềm tin bản thân của con trẻ.
Đọc những bài báo như vậy khiến người đọc, đặc biệt là các ông bố bà mẹ đang quan tâm tìm hiểu về GDGT để truyền dạy cho con sẽ không khỏi hiểu lệch lạc "giáo dục giới tính" chính là "chuyện ấy" - chuyện "tình dục" trong quan hệ nam nữ. 
 
Có chương trình GDGT ngoại khóa đưa vào nhà trường cũng nhằm giới thiệu "chuyện ấy" cho học trò. Đây là một hiểu lầm hết sức tai hại, đã và đang gây ra các hậu quả đau lòng, lâu dài cho trẻ vị thành niên, đặc biệt là các em gái, khi mà các em thiếu hẳn năng lực trải nghiệm từ ý chí tự vệ. Việc làm ấy có khác nào dụ trẻ leo lên máng trượt trên đỉnh dốc, nhưng lại không chỉ cho biết cách hãm và cách thoát ra.

Cần hiểu GDGT không phải là "nói với con về tình dục", hay chỉ dẫn cho con cách sử dụng bao cao su và thuốc tránh thai (đến nỗi bị chê trách chậm trễ). GDGT càng không phải là những tin nhắn khêu gợi mang tính thương mại đang bị lạm dụng tràn lan trên mạng GPRS hiện nay. GDGT không nên "copy" hoàn toàn nội dung về sức khỏe sinh sản, về tình dục mà các BS sản khoa truyền đạt, hướng dẫn kiến thức về sinh đẻ có kế hoạch trong các phòng khám thai sản. Bởi những chuyện nặng tính kỹ thuật chỉ thích hợp cho các sản phụ hay cho các cặp vợ chồng trẻ.

GDGT mang nặng tính giáo dục. GDGT phải làm sao giúp trẻ vị thành niên trưởng thành ít nhiều trong tâm thức về tư cách giới tính của mình, để các em tự tin đứng vững trước khi vào đời. GDGT phải thích ứng với văn hóa lối sống xã hội mà trẻ đang sống, hướng đến tình yêu hôn nhân bền vững, chứ không nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ nhất thời. Bởi vậy, GDGT chỉ thực sự có ích khi có định hướng nội dung liên quan mật thiết đến tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt tuổi vị thành niên. Cụ thể như:

1/ Giáo dục nhận biết về diễn biến tâm lý, tính cách, các tác động của môi trường sống lên sinh trưởng giới tính, ý thức và bản năng tính dục (động vật), bệnh tật và tệ nạn trong tình dục, nạn cưỡng dâm, lạm dụng tình dục và các phản ứng phản xạ tốt xấu qua lại.

2/ Là những lời tâm sự trải nghiệm gần gũi về tình bạn khác giới, giúp trẻ "hiểu mình biết người", vượt qua thời kỳ tình dục được coi là "trái cấm".

3/ Chứa đựng những thông điệp giúp trẻ có những nhận thức quý báu về các giá trị chuẩn mực, về văn hóa lối sống trong quan hệ nam nữ.

4/ Thực hành tình huống những kỹ năng giao tiếp cần thiết làm chủ bản thân (khi bị trêu ghẹo, lạm dụng) hướng tới sự lành mạnh về tinh thần và thể chất dài lâu... 

Đây cũng là nội hàm những giá trị đã làm nên nét đẹp gia đình truyền thống VN - một khi các giá trị ấy được xã hội quan tâm hơn, khẳng định hơn, cùng chăm lo vun đắp - sẽ dần thành ý thức đề kháng có tác động tích cực, làm thay đổi hành vi của các em, đẩy lui hiểm họa. Đó sẽ là con đê vững chắc thường trực từ trong ý chí chế ngự bản năng, ngăn chặn hiệu quả những cơn lũ quái ác bất thường như tia chớp quét qua mỗi cuộc đời không chỉ một lần, đảm bảo cho một cuộc sống lứa đôi lâu bền mai sau.

Các bậc cha mẹ hãy truyền lại cho con "thanh bảo kiếm" này, hãy tin nó mạnh hơn rất nhiều, chứ không yếu đuối như những bao cao su phòng vệ được giấu kín trong túi hay trong cặp sách thường lỡ nhịp chỉ còn biết hối tiếc.

Theo PGS.BS Nguyễn Ngọc Thoa
(Đại học Y Dược TP.HCM)/PNO
Chia sẻ