Ép ăn quá nhiều sẽ khiến bé lười ăn

,
Chia sẻ

Con bạn lười ăn? Hãy xem lại cách cho bé ăn và khẩu vị hàng ngày của bé nhé

Với bản năng sinh tồn, bọn trẻ có thể chỉ ăn đúng cái và đúng lượng mà cơ thể chúng cần. Nhưng hầu như các bà mẹ đều tỏ ra quá lo lắng khi cho bé ăn.
 
1. Bé phun trớ (Phổ biến: 0 - 6 tháng tuổi.)

Hầu hết các bé khi ăn đều phun hoặc trớ ra. Đó là do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện. Cơ co thắt ở thực quản chưa đóng chặt kín và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên. Vì vậy không nên cho trẻ ăn nhiều quá. 

Bình thường thì việc bé trào thức ăn không có gì phải lo lắng quá, miễn là bé phát triển bình thường. Nếu bé tăng cân đều đặn và bác sỹ nói bé hoàn toàn khỏe mạnh thì bạn nên biết rằng bé đã ăn đủ lượng. Để giảm sự phun trớ, chỉ cho bé ăn khi thấy có những dấu hiệu của đói. Đặt bé ở tư thế nửa ngồi nửa nằm khi cho ăn, thường xuyên xoa và vỗ về lưng bé trong suốt bữa ăn. Khi ăn xong nên giữ bé ở tư thế ngồi thẳng và tránh làm bé vận động mạnh khoảng nửa tiếng. 

Nếu bé không tăng cân, khóc dữ, quẫy đạp hay dường như bị đau thì có thể là triệu chứng trào ngược dạ dạy thực quản. Bác sỹ có thể kê đơn thuốc làm giảm lượng acid. May thay, trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi thường sẽ hết bị trớ.

2. Bột hay sữa? (Phổ biến: 4 – 12 tháng tuổi)
 
Khi khám phá ra bột cũng ngon không kém, bé có thể sẽ uống sữa hoặc bú mẹ ít đi. Điều này làm cho mẹ lúng túng: dinh dưỡng trong sữa hay bột nhiều hơn? Nhưng, dù bé thích bột cỡ nào thì sữa mẹ vẫn vô cùng quan trọng để bé phát triển toàn diện.
 
Vậy, nên cho bé ăn sữa trước hay bột trước? Các chuyên gia khuyên rằng, nên cho bé dùng sữa bữa đầu tiên, bữa thứ hai ăn bột, tiếp theo là một bữa sữa. Lý do là nếu bé bị đói sẽ có xu hướng nuốt ừng ực, cho ăn bột trước bé dễ bị sặc.
 
Thật không dễ dàng khi cho con ăn
 
3. Con tôi nghịch ngợm cả ngày (Phổ biến: 10 – 24 tháng tuổi)
 
Thật là thích thú khi bé phát hiện ra mình có thể di chuyển được. Vì thế hầu hết các bé thích bò hoặc đi lại hơn là ngồi im một chỗ để ăn. Trẻ nhỏ có dạ dày rất bé, do đó việc ăn nhiều bữa nhỏ cho phép bé hấp thụ đủ lượng calo cần thiết. 
 
Vấn đề ở chỗ rất khó cho trẻ ăn thức ăn nhiều dưỡng chất như các bữa chính trong ngày thay vì đồ ăn vặt như bimbim, snack nếu trẻ cứ bò hoặc đi lại suốt. Vì thế, với cùng lượng thức ăn trong một ngày, hãy chia ra nhiều bữa nhỏ để trẻ hấp thụ nhanh và tốt hơn trong khi vận động nhiều.

Hãy nhớ, việc tạo thói quen vào bữa ăn cho trẻ không bao giờ là sớm. Hãy cho bé quây quần với cả nhà ít nhất một bữa trong ngày. Khi trẻ lớn dần, tìm cách lôi cuốn trẻ ở bên bàn ăn nhiều ơn, hạn chế cho ăn vặt và tăng cường sự phong phú của bữa ăn.

4. Hôm qua bé ăn nhiều còn hôm nay chẳng ăn gì (Phổ biến: 1 – 3 tuổi)

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc này không đáng lo. Trẻ con nhạy cảm hơn người lớn trong việc cảm nhận sự đói. Người lớn chỉ ăn khi có đồ ăn trước mặt hoặc thấy mệt trong khi trẻ con bẩm sinh đã khoái ăn. Thêm nữa, trẻ nhỏ có sự tăng trưởng rất nhanh nên điều đó kích thích chúng ăn nhiều.
 
Cả bố và mẹ cố gắng cho bé ăn
 
Đừng nên bắt trẻ ăn quá nhiều. Hãy đặt một giới hạn thời gian hợp lý để trẻ ăn, sau đó bỏ qua. Không cho trẻ uống nhiều sữa hoặc nước hoa quả quá tiêu chuẩn cho phép hàng ngày vì nó sẽ làm trẻ giảm ham thích ăn các thực phẩm khác. Nếu cả ngày bé chỉ uống nước hoa quả, hãy pha loãng ra. Cho đến khi trẻ biết uống nước mỗi khi thấy khát.
 
5. Bé kén ăn 
 
Đôi khi, bé có một số món yêu thích và chẳng ăn gì khác. Người lớn không thể ăn một món từ ngày này sang ngày khác nhưng đối với trẻ nhỏ, chúng lớn lên bằng sự thân thuộc, ăn các món quen thuộc trong mỗi bữa ăn hàng ngày làm cho chúng thoải mái. Khăng khăng đòi ăn một loại và từ chối tất cả các thứ khác cũng là một cách để trẻ thử thách mức độ chiều chuộng của bố mẹ.

Cố gắng đừng tỏ ra quan tâm quá, vì trẻ sẽ dùng thức ăn để gây chú ý. Nhìn chung, chỉ cần trẻ phát triển bình thường, còn việc tạm thời chỉ ăn một số thức ăn nhất định cũng không có vấn đề gì. Nhưng luôn chắc chắn rằng trẻ phải có đủ chất dinh dưỡng mà thức ăn nhiều vitamin hàng ngày là trọng tâm.

Cứ tiếp tục cho một chút thức ăn mới lẫn vào bát của trẻ, dù cho chúng không động đến. Tính hiếu kỳ và tò mò của trẻ sẽ khiến chúng nếm thử một lúc nào đó.
 
Với bản năng sinh tồn, bọn trẻ có thể chỉ ăn đúng cái và đúng lượng mà cơ thể chúng cần. Do đó, nên chấm dứt chế độ độc tài bên bàn ăn nhà bạn. Hãy để cho trẻ được quyết định nó sẽ ăn gì.
 
Hòa Bình
Theo Parents
Chia sẻ