Đừng chủ quan với rốn của bé sơ sinh

Nam Hải,
Chia sẻ

Bé Tin sinh được 12 ngày mới rụng rốn. Bà nội cứ phàn nàn: “Con trai thì 7 ngày rụng rốn, con gái thì 9 ngày.... Đằng này thì...”.

Mà đúng như lời bà nội Tin phàn nàn. Rốn của Tin rụng nhưng vẫn còn một phần nhô lên ở chân rốn. Rốn tiết ra màu  hơi ngả vàng. Còn Tin ngây ngấy sốt và quấy khóc suốt ngày.

Ban đầu, bố mẹ Tin chỉ mua cồn sát trùng về vệ sinh cho Tin. Nhưng thấy con vẫn khóc, dịch ở rốn vẫn tiết ra, anh chị mới đưa con đi khám.

Bác sỹ cho biết Tin đã bị chồi hạt rốn hay còn gọi là u hạt rốn. Đây là bệnh rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện của bệnh là chân rốn sẽ mọc lên như chồi, có kích thước bằng hạt đậu hay hạt ngô, dịch kéo dài sẽ làm ướt rốn. Bệnh xuất hiện là do rốn bị nhiễm trùng nhẹ, kéo dài. Bệnh không quá nguy nhiểm, Nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ dẫn tới nhiễm trùng rốn và sẽ dẫn tới tình trạng nguy hiểm cho bé sơ sinh.

Trên thực tế, một số bệnh lý khác liên quan tới rốn sơ sinh của bé cũng tiết dịch màu vàng, làm bé ngây ngấy sốt và khó chịu, quấy khóc.

Cách tốt nhất là khi phát hiện biểu hiện bất thường ở rốn bé, hãy đưa bé đi khám bác sỹ để được chữa trị một cách tốt nhất, tránh để bệnh lý phát triển. Sai lầm lớn nhất của các bố mẹ là hay tự mua thuốc và điều trị cho bé ở nhà.

Các u hạt rốn sẽ được các bác sỹ điều trị theo các phương pháp khác nhau tùy theo kích thước to, nhỏ, dài hay ngắn. Các bác sỹ sẽ chấm thuốc vào đó. Sau một vài lần, hạt nhỏ sẽ rụng và không ảnh hưởng gì tới em bé. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 2 – 4 tuần.

Bố mẹ cũng nên chú ý những bất thường ở rốn của bé nhé để có thể đưa bé đi viện kịp thời. Đó là:

Rốn rụng chậm, mở băng gạc có mùi hôi, nổi mẩn hoặc tấy đỏ quanh rốn.

Rốn chảy máu đỏ tươi.

Rốn đã rụng nhưng vẫ rỉ ra nước vàng hoặc nước trắng đục từ rốn.

Rốn bé bị lồi không xẹp lại được khi ấn nhẹ. Nhiều cha mẹ tự ý xử lý rốn theo kinh nghiệm dân gian là hoàn toàn không có khoa học. Việc đặt đồng xu lên rốn bé rồi bằng lại, hy vọng rốn sẽ xẹp xuống là không đúng. Bên cạnh đó, việc này sẽ ảnh hưởng tới hô hấp, tiêu hóa cũng như sự phát triển của bé.

Chăm sóc rốn đúng cách

Các bố mẹ thường sợ con đau, thấy con nhỏ quá, nên thường không dám mở miếng gạc để thay băng rốn cho con. Việc này dễ gây nhiễm trùng rốn. Bố mẹ cần thay băng và làm vệ sinh rốn ít nhất 1 ngày 1 lần.

Khi cuống rốn còn mới, có thể pha cồn i ốt để vệ sinh cho bé. Khi cuống rốn đã khô, chỉ nên dùng cồn 70 độ để vệ sinh rốn cho bé. Không nên dùng cồn có nồng độ cao lau quanh rốn làm  bé bị đau rát hay bỏng da.

Cách vệ sinh rốn cho bé:

-          Cần chuẩn bị gạc mỏng vô trùng, băng rốn sạch, mỏng, bông vô trùng.

-          Rửa tay thật sạch bằng xà phòng, sau đó dùng cồn sát trùng trước khi thay băng rốn cho bé.

-          Dùng tay trái nâng nhẹ đầu cuống rốn lên để lộ phần chân rốn.

-          Lấy tăm bông tẩm dung dịch povidin 10% bôi xung quanh chân rốn, sau đó bôi từ chân rốn lên cuống rốn, từ trong chân rốn ra ngoài vùng da xung quanh.

-          Chờ khi rốn bé khô, lấy gạc vô trùng quấn xung quanh chân rốn và băng lại bằng vòng băng thun vô trùng.

Bố mẹ cần làm việc này mỗi ngày cho đến khi rốn bé rụng và khô sạch hoàn toàn.

 

Chia sẻ