Đừng bao giờ an ủi con rằng mọi thứ sẽ ổn thôi, bởi vì...

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Đơn giản bởi lời an ủi đó sẽ chẳng giúp ích gì cho trẻ. Thay vào đó, bạn có thể đặt ra những câu hỏi giúp trẻ nhìn nhận vấn đề và giải quyết khó khăn.

Trẻ em ngày nay bị áp lực nhiều hơn, thường xuyên cảm thấy căng thẳng, lo lắng hơn so với các thế hệ trước. Theo một số điều tra dài hạn với kết quả được rút ra từ nhiều tài liệu về sức khỏe thần kinh, một đứa trẻ thời hiện đại lo âu hơn so với những người phải nhập viện vì tình trạng lo lắng, cẳng thẳng trong những năm 1950.

Và những lo lắng đó có xu hướng tăng lên nhiều lần xung quanh khoảng thời gian chuyển đổi – ví dụ như thời điểm bắt đầu đi học.

Liệu cha mẹ có thể nói điều gì đó giúp con trẻ vượt qua được tình trạng căng thẳng, âu lo đó?

Theo Jill Emanuele, nhà tâm lý học lâm sàng cao cấp kiêm giám đốc đào tạo Học viện Child Mind, từ tiểu học trở đi, điều quan trọng nhất mà cha mẹ nên làm là xác nhận những lo lắng của trẻ. “Khi ai đó nói: ‘Tôi đang rất lo lắng/căng thẳng’, điều đầu tiên mà nhiều người muốn làm là an ủi rằng: ‘Bạn sẽ ổn thôi. Mọi chuyện sẽ tốt thôi mà’. Nhưng nếu cha mẹ cũng áp dụng cách đó, bạn sẽ không bao giờ tạo cho người ấy cơ hội được trải nghiệm điều mà họ đang làm họ phiền muộn”. 

Những lời lẽ an ủi như trên có thể chỉ khiến người được an ủi dịu bớt tâm trạng nặng nề tạm thời. Nhưng nếu nỗi lo lắng không được đối diện một cách trực tiếp, chuyên gia Emanuele cho biết, nó sẽ quay trở lại và sẽ còn mạnh hơn. Thay vào đó, khi trẻ lo lắng, cha mẹ có thể giúp con đối mặt với sợ hãi bằng những câu hỏi về nỗi lo của con, nhất là giúp trẻ tìm ra chiến lược để xử lý vấn đề cốt lõi.

Trẻ lên cấp 2 đứng trước một thế giới hoàn toàn mới của những lo lắng xã hội – cả trong đời sống thực và cả trên mạng. Một cách giúp phụ huynh kiểm soát được những lo lắng tiêu cực trong lòng trẻ, theo Marilyn Wilcher - giám đốc cấp cao và là người sáng lập Học viện Benson-Henry (Benson-Henry Institute for Mind Body Medicine) - là quản lý các thiết bị của trẻ: Giới hạn thời gian trẻ sử dụng máy tính và điện thoại di động.

An ủi con
Nếu cha mẹ luôn an ủi con rằng mọi thứ sẽ ổn thôi, bạn sẽ không bao giờ tạo cho con cơ hội được trải nghiệm điều mà họ đang làm chúng phiền muộn.

Đây cũng là quãng tuổi hợp lý để cha mẹ và con cái cùng nhau khai phá lý thuyết khoa học đằng sau tình trạng căng thẳng (stress). Marilyn Wilcher cho hay: “Stress tự động diễn ra. Nhưng chúng ta có thể dạy cơ thể mình phản ứng bằng cách thư giãn”. Không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cha mẹ có thể bắt đầu những cuộc trò chuyện với con cái về chiến lược giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, từ tập yoga tới ca hát. Tóm lại là bất cứ việc gì bạn có thể làm để phá vỡ thành trì của những suy nghĩ thường ngày khiến lòng bạn lo âu, muộn phiền.

Đối với học sinh cấp 3, chuyên gia Emanuele nhấn mạnh, trẻ đang trải qua “những thay đổi lớn lao về não bộ”, dẫn tới kết quả là làm gia tăng những rắc rối liên quan tới sức khoẻ tâm thần. Đối với cha mẹ, chiến lược giúp con kiểm soát căng thẳng cũng giống như ở các độ tuổi khác: cùng trẻ tìm cách nhận dạng những lo lắng cụ thể là gì và cách đối phó. Nhưng với học sinh cấp 3, còn có thêm 1 bước nữa. Vì trẻ đang tiến rất gần tới giai đoạn trưởng thành, cha mẹ cần phải có được sự đồng thuận từ con. Bạn muốn hợp tác chứ không phải ra lệnh hay thúc ép con.

Phụ huynh cũng có thể giúp con cái ở độ tuổi này bằng cách nhìn nhận cụ thể về áp lực phải thành công. Khi trẻ chuẩn bị tốt nghiệp ra trường và bắt đầu bước chân vào đại học hay một giai đoạn mới trong đời, chúng có thể cảm thấy sợ hãi, chới với vì con đường phía trước. Hãy cho trẻ biết rằng, một điểm xấu không phá hỏng cơ hội có được hạnh phúc trong tương lai và rằng con bạn có thể có được sự giáo dục tốt ở bất cứ đâu.

Và với con cái ở bất cứ độ tuổi nào, cha mẹ cũng nên rất cẩn trọng để không bộc lộ mình cũng là nạn nhân của stress. Nếu trẻ thấy cha mẹ căng thẳng hay lo lắng cho chúng, trẻ thậm chí sẽ càng chìm sâu vào stress. Ngược lại, nếu trẻ thấy cha mẹ kiểm soát nỗi lo âu của bản thân tốt, chúng sẽ cũng học theo. Do đó, một trong những điều tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể làm để giúp con cái đương đầu với stress chính là tìm cách để giúp bản thân mình bớt stress đi.

Nguồn: Time
Chia sẻ